Vụ án chạy thận ở Hòa Bình: "Mập mờ" về tình trạng vật chứng và giám định vật chứng ?

VietTimes -- Tháng 6/2019, Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã xét xử phúc thẩm vụ án chạy thận làm 8 người chết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, sau phiên tòa, đã bất ngờ xuất hiện nhiều tài liệu chỉ ra những điểm bất thường của vụ án, đặt ra câu hỏi nghi vấn về quá trình bảo quản, thu thập, xử trí vật chứng của các cơ quan chức năng.
Phiên xét xử Hoàng Công Lương và 4 bị cáo và tháng 6/2019.
Phiên xét xử Hoàng Công Lương và 4 bị cáo và tháng 6/2019.

Vật chứng trong bản án chỉ còn 14 chiếc can nhựa

Ngày 18/8/2017, Bản kết luận giám định số 3492/C54 (p4) của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an ghi nhận: “Hệ thống lọc nước RO2 có hai màng lọc không đảm bảo chất lượng để sử dụng lọc nước chạy thận nhân tạo; Đồng hồ hiển thị độ dẫn điện trên hệ thống lọc RO2 có sai số quá lớn không đảm bảo để sử dụng. Hệ thống lọc nước RO1 có hai van chất lượng kém (bị dò nước khi đóng kín) là các van nối tắt lọc làm mềm nước RO1, van tẩy màng lọc RO1Ngoài ra van tiệt trùng cũng không còn đảm bảo kỹ thuật sử dụng để nước vẫn chảy qua dù đang đóng kín”.

 Bên cạnh đó, bản kết luận cũng đề cập đến hàng trăm loại mẫu vật do cơ quan điều tra thu giữ và gửi để trưng cầu giám định.

Những vật chứng rời rạc, tan tành trong quá trình xét xử vụ án

Những vật chứng rời rạc, tan tành trong quá trình xét xử vụ án

Đây được đánh giá là những vật chứng quan trọng nhất trong vụ án này. Theo điều 89, điều 90 Bộ Luật tố tụng hình sự, toàn bộ các vật chứng đề cập trong Kết luận giám định đều phải được coi là các vật chứng của vụ án, trong đó, có những vật chứng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, ở bản kết luận điều tra và cáo trạng, các vật chứng lại hoàn toàn không được đề cập. Tại bản án số 08/2019 ngày 30/01/2019 của Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình, các vật chứng quan trọng không xuất hiện, mà chỉ còn ghi nội dung: “Về vật chứng: Áp dụng điều 41 Bộ Luật hình sự 1999 và Điều 104 Bộ Luật tố tụng hình sự: Tịch thu tiêu hủy 12 can nhựa loại 25 lít và 02 can nhựa loại 20 lít”, tức là chỉ còn 14 chiếc can nhựa làm vật chứng.

Mặt khác, cũng trong bản án số 8, Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình áp dụng điều 41 Bộ luật hình sự 1999 và điều 104 Bộ Luật tố tụng hình sự 2018 để xử lý vật chứng. Trong khi đó, Điều 41 Bộ Luật hình sự quy định cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Điều 104 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định: Các tài liệu đồ vật khác trong vụ án. Như vậy, 2 điều luật này không quy định về việc xử lý vật chứng, cũng không có nội dung liên quan tới vật chứng.

Vậy, câu hỏi đặt ra hiện nay là các vật chứng quan trọng khác đang ở đâu, vì sao không được đưa vào trong bản án? Tại sao Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình áp dụng 2 điều luật này để xử lý vật chứng, trong khi vật chứng phải được bảo quản nghiêm ngặt?

Biên bản kiểm tra tình trạng thiết bị có dấu hiệu sửa chữa, không đủ tin cậy.
Biên bản kiểm tra tình trạng thiết bị có dấu hiệu sửa chữa, không đủ tin cậy. 

Giám định vật chứng sơ sài

Không chỉ "mập mờ" về tình trạng của vật chứng, việc giám định vật chứng cũng chưa được cơ quan chức năng thực hiện đúng.

Ngay trong phiên xét xử phúc thẩm, TS. Lê Thanh Hải – Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình Y tế (Bộ Y tế) nêu luận điểm khoa học về tình tiết 3 chiếc van bị hỏng trong hệ thống lọc nước RO 1 sau khi sự cố xảy ra, nhưng Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình liên tục ngắt lời, không cho ông Hải nói và khẳng định Viện Khoa học hình sự đã làm đúng và chịu trách nhiệm.

Trong vụ án, nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân thiệt mạng là gì vẫn còn là một câu hỏi lớn. Nguyên nhân này có liên quan gì tới 3 chiếc van hỏng hay không? Ông Hải cũng từng nhấn mạnh việc Viện Khoa học hình sự giám định và tìm ra 3 chiếc van bị hỏng, nhưng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình không điều tra và thực nghiệm về ảnh hưởng của 3 van hỏng này với toàn bộ hệ thống.

Liệu có bỏ sót nguyên nhân tử vong thực sự là nước ô nhiễm đa chất gây tử vong cho người bệnh?

Nhận định của các nhà khoa học về lĩnh vực hồi sức cấp cứu, pháp y, trang thiết bị y tế, hóa học, độc chất và pháp lý của Bộ Y tế là việc hệ thống RO1 hỏng 3 van nước đã nối thẳng nguồn nước ô nhiễm đa chất, bao gồm javen và các chất bong, trôi, do bị sục ngược từ hệ thống lọc thô chưa qua màng lọc RO của hệ thống RO1 vào tank RO2 cho máy chạy thận nhân tạo, chính là nguyên nhân khiến 8 người bệnh tử vong (Đây là tình tiết mới chưa có trong Kết luận điều tra) chứ không thể là tồn dư chất HF.

Một câu hỏi khác cũng được đặt ra, cơ quan chức năng có thực nghiệm điều tra rồi mới đưa ra những kết luận khách quan, chính xác về tình trạng kỹ thuật của cả hệ thống theo điều 204 Bộ Luật tố tụng hình sự hay không?

Theo luật sư Hoàng Ngọc Biên – người từng tham gia bảo vệ cho Hoàng Công Lương tại phiên tòa sơ thẩm, thì các luật sư đã yêu cầu thực nghiệm điều tra lại, khám nghiệm hiện trường, vẽ hệ thống RO trong hiện trường nhưng không được đáp ứng.

Các chuyên gia về y tế, luật pháp, khoa học hình sự bàn luận về vụ án chạy thận Hòa Bình
Các chuyên gia về y tế, luật pháp, khoa học hình sự bàn luận về vụ án chạy thận Hòa Bình

Luật sư Hoàng Ngọc Biên cũng chia sẻ: “Trong biên bản làm việc, cơ quan điều tra ghi là có quay video, có bản ảnh vật chứng, nhân chứng nhưng chúng tôi yêu cầu đưa video, ảnh ra thì không có. Sau đó, việc thu thập các mẫu nước để xét nghiệm chỉ được lấy vẻn vẹn trong vài chiếc xi lanh. Một đại diện của cơ quan giám định (Bộ Công an) chia sẻ với tôi rằng nguồn nước để giám định một lần đã thiếu, không còn đủ mẫu để giám định lại. Vậy khi lấy mẫu nước, bảo quản chứng cứ cẩu thả, nhưng vẫn sử dụng những tài liệu này để buộc tội, là cán bộ điều tra và viện kiểm sát đã vi phạm luật nghiêm trọng”.

Bên cạnh đó, luật sư Biên cũng khẳng định vụ án có rất nhiều tình tiết không được xem xét khách quan, bản án thoát ly ra khỏi chứng cứ gỡ tội, chỉ sử dụng các chứng cứ buộc tội. Với quá nhiều lỗ hổng trong quá trình xét xử vụ án, liệu bản án dành cho 5 bị cáo có còn khách quan, thực sự đúng người, đúng tội?