Hiện nay, Internet đã trở nên quá quen thuộc và trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống. Nếu một nơi nào đó bị "mất kết nối mạng" thì cũng gần như "mất mạng" theo nghĩa đen. Internet giờ đây không chỉ gắn với công việc, mưu sinh, giải trí của nhiều người mà nó còn mang lại những giá trị to lớn cho nền kinh tế và xã hội thế giới.
Được nhen nhóm từ những năm 1970 và cho đến nay Internet đang tiếp tục phát triển với sự ra đời của những công nghệ mới như web 3.0, web 4.0, mạng kết nối thần kinh, thực tế hỗn hợp...
Chúng ta, đặc biệt là giới trẻ - những người tiếp xúc với Internet thường xuyên nhất - sẽ tận dụng lợi ích của Internet như thế nào. Ngày đầu xuân Quý Mão, VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam xoay quanh chủ đề này.
PV: Internet đã trải qua một chặng đường phát triển tương đối dài, khoảng hơn 30 năm. Cho đến nay nó là một trong những phát minh vĩ đại của nhân loại. Vừa qua, một số nhà khoa học với các công trình về Internet của mình đã được vinh danh tại giải thưởng VinFuture 2022. Xin ông chia sẻ câu chuyện về những ngày đầu Internet được đưa vào Việt Nam?
Ông Vũ Hoàng Liên: Thời gian đầu mọi người hay hỏi: "Internet là gì?". Các phương tiện truyền thông luôn tranh thủ phỏng vấn và quảng bá thông tin về Internet. Lúc đó, các báo in, báo nói, báo hình, nhất là VTV luôn là nguồn cổ vũ hiệu quả cho Internet.
Những người làm trong lĩnh vực CNTT và Internet luôn được đặt câu hỏi về Internet. Hầu hết đều trả lời rằng Internet là " Mạng máy tính toàn cầu". Câu trả lời rất ngắn gọn, rất công nghệ, không sai nhưng chẳng bao giờ thỏa mãn.
Về sau, tôi mới hiểu là vì sao có câu trả lời rồi mà truyền thông cứ hỏi mãi. Tất nhiên là giới chuyên môn có kèm theo nhiều giải thích thêm nữa. Càng giải thích, truyền thông càng sôi động và lại càng kích thích hiếu kỳ. Vậy là Internet đã chiếm thời gian, chiếm niềm mong mỏi của mọi người.
Có thể nói, sự ủng hộ của người dân, cộng đồng và truyền thông đã đóng góp một phần quan trọng vào khởi sự Internet của VN. Tất nhiên chúng ta không quên ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, lãnh đạo các bộ ngành; không quên ơn các chuyên gia, các kỹ thuật viên, các đối tác đã quyết định cho ra đời Internet Việt Nam.
Nhiều năm đã qua, Internet đã trở thành thiết yếu với xã hội và sẽ còn huyền diệu nhiều hơn nữa và giới truyền thông vẫn cứ lẳng lặng cổ vũ cho Internet mà chẳng màng công lao. Vào cái buổi ban đầu ấy, tôi có định nghĩa với báo chí rằng: "Internet là cái chợ giời thông tin". Nó có đủ tin thật, tin giả; tin tốt, tin xấu; có đủ cả mua, bán, xin, cho, ăn cắp. Nói vui vậy thôi, chứ mọi người đều đã rõ những mặt rất tích cực của Internet và cả những mặt trái của nó.
PV: Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 9 năm 2022, Việt Nam có 72,1 triệu người sử dụng Internet (chiếm 73,2% dân số). Mức độ sử dụng IP (IPv4, IPv6) thuộc top 20-30 quốc gia trên toàn cầu, tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt 53% với hơn 50 triệu người dùng IPv6, top 10 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi IPv6. Bước phát triển Internet thần tốc này sẽ giúp Việt Nam đạt được những thành công như thế nào thưa ông?
Ông Vũ Hoàng Liên: Trước hết Internet đã trở thành thiết yếu với người dân. Việt Nam có cơ hội rút ngắn khoảng cách số với các nước phát triển, rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn. Internet tác động vào mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần nâng cao văn hóa, dân trí, dân chủ, xây dựng nền văn minh. Internet cũng góp phần xây dựng uy tín quốc gia và hội nhập quốc tế.
Internet là động lực cho phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và phát triển nền công nghiệp số, mà trong đó, công nghiệp nội dung số sẽ có vị thế hàng đầu trong tương lai để đem lại giá trị tiêu dùng thông tin cũng như nguồn thu kinh doanh đáng kinh ngạc.
PV: Mặc dù tỷ lệ người sử dụng Internet khá cao, nhưng dường như vẫn có tỷ lệ lớn dân số, đa phần là giới trẻ, sử dụng Internet chỉ để giải trí, chơi Facebook, TikTok… Ông có cho rằng đây là điều không nên làm?
Ông Vũ Hoàng Liên: Một khi đã thành nhu cầu thì đều có cái lý của nó. Tiêu dùng mỗi loại hình thông tin đều có ý nghĩa riêng. Việc mất cân đối hành vi hàng ngày theo mục tiêu của mỗi cá nhân mới là điều đáng nói.
Dù sao, cũng thấy rằng có số lượng không ít người dùng trẻ vào Internet để tiêu dùng thời gian chứ chưa phải tiêu dùng thông tin. Tiêu dùng thời gian cũng là chính đáng nhưng có điều kiện để tiêu dùng thông tin thì vẫn hơn.
Đồng ý rằng trên Internet cũng có nhiều thông tin gây hại. Tuy nhiên gây hại cho ai, hại cho cộng đồng nào là vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm và có giải pháp. Thông tin quảng cáo có thể bị coi là ô nhiễm mạng với người này nhưng lại cần cho người khác. Chúng ta nên nghĩ đến động lực văn minh và hãy để cuộc sống vận động theo quy luật khách quan của nó.
PV: Theo ông thì giới trẻ nên sử dụng Internet như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất cho phát triển bản thân và cho xã hội?
Ông Vũ Hoàng Liên: Có thể nói Internet là một môi trường thông tin. Giới trẻ nên khai thác tối đa các cơ hội trên Internet bao gồm cả thông tin, tiện ích, dịch vụ, trao đổi giá trị.
Internet dần trở thành một nửa của cuộc sống nên cần giới trẻ cũng phải trang bị kỹ năng sống thích hợp với thời đại số. Internet là cơ hội và năng lực, văn hóa, tổ chất bản thân vẫn là nền tảng quyết định tương lai của các bạn. Internet chỉ mạnh khi có số đông.
Giới trẻ cũng cần có ý thức cộng đồng vì ở đó các bạn không chỉ đóng góp xây dựng mà chính là nơi các bạn được nuôi dưỡng cơ hội và giành được giá trị cho bản thân. Hãy xây dựng văn minh Internet cho mình và cho cộng đồng.
PV: Trong năm 2023, Hiệp hội Internet Việt Nam có kế hoạch gì để đẩy mạnh hơn nữa tỷ lệ sử dụng Internet ở Việt Nam hay không?
Ông Vũ Hoàng Liên: Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) vẫn có chương trình hàng năm. Trong sự kiện Internet Day, VIA đều có đưa ra kế hoạch của mình, các bạn có thể tham khảo trong các tài liệu đã trình bày. Tuy nhiên 2023, VIA sẽ quan tâm hơn nữa các hoạt động về Cloud, Blockchain, AI, hạ tầng CNTT, an ninh an toàn, chuyển đổi số; sẽ có các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, người dùng internet và an toàn hiệu quả cho trẻ em trên mạng. VIA sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trên cơ sở uy tín ngày càng tăng để thúc đẩy phát triển Internet.
PV: Gần đây, người ta nói nhiều đến những công nghệ Internet thế hệ mới như web3 (hay còn gọi là web 3.0), mạng kết nối thần kinh. Ông dự đoán những công nghệ kết nối mới sẽ thay đổi thế giới như thế nào? Loài người có thể đạt được những thành tựu gì qua các công nghệ Internet mới này?
Ông Vũ Hoàng Liên: Đặc điểm của Internet là kết nối. Xu hướng chắc chắn phải mở rộng số lượng và đối tượng kết nối. Triển vọng là các đối tượng ảo và IoT.
Môi trường kết nối sẽ minh bạch và phi tập trung hóa. Internet sẽ trở thành sân chơi của các đối tượng được làm chủ chính mình.
Internet sẽ chuyển từ kết nối theo không gian sang kết nối trao đổi dữ liệu và hướng tới là kết nối trao đổi giá trị. Internet và công nghệ số sẽ thâm nhập sâu vào lĩnh vực sinh hóa và tạo ra môi trường sống sẵn sàng phục vụ thay vì sự điều khiển của con người. Quản lý vận động kinh tế - xã hội sẽ có sự thay đổi về nguyên lý.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này. Ngày xuân năm mới, chúc ông nhiều sức khỏe và niềm vui. Chúc Hiệp hội Internet Việt Nam có thêm nhiều hoạt động hữu ích góp phần vào sự phát triển của kinh tế số, xã hội số Việt Nam!