Ông Vũ Hoàng Liên: Sự vào cuộc của các nhà xã hội học trong thế giới số là vô cùng quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Ngày nay, Internet đã trở thành phổ biến trên toàn cầu và đem lại nhiều giá trị cho  đông đảo người sử dụng. Ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam đã có đôi lời chia sẻ với bạn đọc VietTimes.
Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam
Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam

PV: Trước hết, với sự phổ biến của Internet trên toàn cầu, cả thế giới đã trở thành một xã hội số khổng lồ. Vậy ông nghĩ gì về cuộc sống số của mọi thành viên trong xã hội ngày nay?

Ông Vũ Hoàng Liên: Có thể nói công nghệ số hay dữ liệu số đang tác động rất lớn vào đời sống kinh tế xã hội. Điều đó cũng làm thay đổi rất nhiều đến văn hoá, hành vi và kể cả mục tiêu của toàn xã hội. Đó là những tác động trông thấy và trong tương lai sẽ còn chuyển hoá rất nhiều. Và việc tận dụng những giá trị của dữ liệu số là ai cũng phải quan tâm vì nếu không thì sẽ thua thiệt rất lớn.

Tuy vậy theo tôi thì những tác động của dữ liệu số chưa đủ lớn để trở thành một cán cân với vận động kinh tế hiện tại. Và chúng ta mong rằng trong tương lai, những tác động của dữ liệu số sẽ ngày càng nhiều hơn. Nhiều hơn đó là phải đẩy mọi hoạt động kinh tế xã hội lên môi trường số chứ không phải là để thay thế.

Vì thế, nếu chúng ta cực đoan về vấn đề dữ liệu và số hoá thì rất có thể sẽ là mất cân bằng. Bởi vì giá trị cuối cùng vẫn là toàn bộ nền kinh tế xã hội. Cho nên, phải nhìn nhận rằng số hoá dữ liệu đang tác động mạnh vào đời sống và tận dụng được cơ hội là rất quan trọng. Nhưng mục tiêu vẫn là của con người trong đời sống xã hội. Việc tận dụng và kết hợp với những mục tiêu thật của đời sống kinh tế xã hội phải luôn nhìn nhận đúng mức.

Tôi nghĩ, việc tận dụng cơ hội số hoá của chúng ta hiện nay là chưa nhiều mặc dù nói đang thay đổi rất mạnh với nền kinh tế xã hội. Nhưng có lẽ điều này sẽ còn phải bùng nổ hơn nữa, phải được tận dụng nhiều hơn nữa.

PV: Với sự bùng nổ của xã hội số và kinh tế số, chính các chuyên gia xã hội học cũng phải giành mối quan tâm. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Ông Vũ Hoàng Liên: Đó là điều chắc chắn phải như thế. Bởi vì dữ liệu hay nội dung số là giá trị tiêu dùng của cả hạ tầng công nghệ. Và đó là giá trị tiêu dùng cuối cùng là hàng hoá mà toàn bộ hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin tạo ra. Cho nên, những giá trị này phải sử dụng được một cách hiệu quả mới quyết định thành công.

Sự bùng nổ của thế giới số đòi hỏi phải có những nghiên cứu xã hội học

Sự bùng nổ của thế giới số đòi hỏi phải có những nghiên cứu xã hội học

Tuy nhiên, để hiệu quả thì những giá trị này phải gắn với cuộc sống, phải trả lời cho những đòi hỏi của cuộc sống. Như thế, các chuyên gia xã hội học chính là những người phân tích những mối quan hệ giữa con người với môi trường số để nhìn ra các nhu cầu giá trị hữu hiệu. Cho nên, sự vào cuộc của các nhà xã hội học trong thế giới số là vô cùng quan trọng.

Việc nắm được các quy luật sống của con người trong xã hội số thì chỉ có khoa học xã hội mới có thể phân tích được. Và chỉ khi phân tích được thì mới nhắm trúng nhu cầu. Và lượng thông tin dữ liệu tiêu dùng đem lại lợi ích, hiệu quả chính là ở đây. Vì thế, tôi khẳng định là các nhà xã hội học cần phải vào cuộc.

PV: Cuối cùng, ông nghĩ gì về vai trò của các công nghệ về trí tuệ nhân tạo trong xử lý dữ liệu trên môi trường Internet?

Ông Vũ Hoàng Liên: Chắc chắn, khi đã nói đến xử lý dữ liệu thì khoa học về trí tuệ là vô cùng quan trọng. Chính nhờ có trí tuệ nhân tạo thì khối lượng dữ liệu được xử lý sẽ tăng lên gấp bội. Và không những tăng được tốc độ xử lý, khối lượng xử lý mà còn gia tăng hàm lượng thông tin thông minh. Căn cứ vào trí tuệ nhân tạo, chúng ta sẽ tạo ra được nhiều lớp dữ liệu có giá trị gia tăng, thêm được nhiều dữ liệu có thể giúp ích được cho đời sống kinh tế xã hội.

Rõ ràng, vai trò của trí tuệ nhân tạo là ai cũng biết. Nhưng làm thế nào để trí tuệ nhân tạo vào được, tạo thêm được nhiều dữ liệu có giá trị mới, giá trị thông minh thì đó không phải là vấn đề công nghệ mà cuối cùng vẫn là con người. Vấn đề là con người sẽ dùng trí tuệ nhân tạo như thế nào để đạt được mục tiêu và đem lại giá trị gia tăng trong những tập hợp dữ liệu mà chúng ta cần có.

PV: Xin cám ơn ông!