Ông Trump tiếp tục gây tranh cãi khi trao chức vụ cho bố chồng con gái út

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống đắc cử Mỹ Trump tiếp tục gây dị nghị khi quyết định đưa thêm một vị thông gia khác vào bộ máy chính quyền trong nhiệm kỳ sắp tới.

Ông Donald Trump và thông gia Massad Boulos (phải). Ảnh: Yahoo News.
Ông Donald Trump và thông gia Massad Boulos (phải). Ảnh: Yahoo News.

Đề cử thông gia làm cố vấn cấp cao trong Nhà Trắng

Hôm 1/12, ông Donald Trump cho biết ông sẽ đề cử doanh nhân người Mỹ gốc Lebanon Massad Boulos làm cố vấn cấp cao về các vấn đề Arab và Trung Đông. Năm 2022, con trai của Massad Boulos là Michael Boulos kết hôn với Tiffany Trump, con gái út của ông Trump. Tuy nhiên, ông Trump đã không đề cập đến mối quan hệ gia đình này trong thông báo đề cử của mình.

Hãng tin Anh Reuters đưa tin ông Trump công bố tin này trên trang mạng xã hội "Truth Social" của ông. Ông Boulos trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã nhiều lần gặp gỡ các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Arab và các lãnh tụ cộng đồng tín đồ Hồi giáo.

Ông Massad Boulos đã hỗ trợ ông Trump vận động để tranh thủ sự ủng hộ của những người Mỹ gốc Lebanon và Arab Saudi, hai quốc gia mà ông Boulos có quan hệ chặt chẽ.

Ông Trump cho biết trong một tuyên bố rằng Massad Boulos là một "nhà lãnh đạo được kính trọng trong cộng đồng doanh nghiệp" với kinh nghiệm dày dặn trên trường quốc tế.

"Massad Boulos là bậc thầy về đàm phán và là người ủng hộ nhiệt thành cho hòa bình ở Trung Đông. Ông ấy sẽ là một người ủng hộ hòa bình ở Trung Đông, người ủng hộ mạnh mẽ cho nước Mỹ và lợi ích quốc gia, và tôi rất vui mừng khi có ông ấy gia nhập đội ngũ của tôi!”, ông Trump nói.

Ong Boulos.png
Massad Boulos, người được ông Trump đề cử làm cố vấn cao cấp về vấn đề Ả Rập và Trung Đông. Ảnh: NYT.

Ông Trump cũng ca ngợi ông Boulos là "người ủng hộ đảng Cộng hòa và các giá trị bảo thủ”, người đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử và giúp ông giành được sự ủng hộ của người Mỹ gốc Arab.

Thông tin cho thấy Massad Boulos sinh ra ở Lebanon, chuyển đến Texas ở Mỹ khi còn là thiếu niên và có bằng luật của Đại học Houston. Ông hiện là Giám đốc điều hành các doanh nghiệp của gia đình ông là Boulos Enterprises và SCOA Motors, hai công ty này hiện thống trị thị trường ô tô và xe máy ở Nigeria.

Theo Reuters, cha và ông nội của ông Boulos là các chính trị gia người Lebanon, còn bố vợ ông cũng là một vị nguyên lão, thành viên sáng lập quan trọng của “Free Patriotic Movement” (Phong trào Yêu nước Tự do), một đảng chính trị của người theo Cơ đốc giáo liên kết với Hezbollah. Ông Boulos tuyên bố có mối quan hệ thân thiết với chính trị gia người Lebanon Suleiman Frangieh, người lãnh đạo đảng chính trị "Phong trào Marada" của tín đồ Cơ đốc giáo phái Maronite.

Massad Boulos đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử năm nay của ông Trump, giúp ông giành chiến thắng ở Michigan, một trong những bang chiến trường. Các thành viên trong nhóm tham mưu chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết ông Boulos đã giúp giành được sự ủng hộ của các cử tri người Mỹ gốc Arab và Hồi giáo, những người chủ yếu ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Joe Biden vào năm 2020 nhưng nay phản đối các chính sách của chính quyền Biden đối với Israel, Gaza và Lebanon.

Một số nguồn tin cho biết Boulos duy trì liên lạc với các chính trị gia Lebanon thuộc các phe phái khác nhau, điều cực kỳ hiếm gặp trong bối cảnh chính trị phức tạp của Lebanon. Tờ The Hill của Quốc hội Mỹ cho rằng do ông Boulos có mối liên hệ nhất định với giới chính trị Lebanon nên có thể đóng vai trò trong việc chính quyền Trump thúc đẩy thỏa thuận hòa bình Trung Đông.

Tifani và Michael.png
Tiffany, con gái út ông Trump và Michael Boulos, con trai Massad Boulos. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, Đài truyền hình tiếng Arab Al Jazeera lưu ý rằng ông Boulos vẫn giữ im lặng về các vấn đề Trung Đông và chưa bao giờ nêu quan điểm chính trị cũng như lập trường chính sách của mình.

Ông Trump cũng là một đồng minh trung thành của chính phủ Netanyahu của Israel, đã chuyển đại sứ quán Mỹ ở Israel đến Jerusalem trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, bất chấp những cam kết nhiều lần của ông là thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza và ngăn chặn tình hình leo thang thêm.

Truyền thống “ban thưởng” chính trị bị chỉ trích

Đây là lần thứ hai trong vài ngày gần đây ông Trump bổ nhiệm người thân vào các vị trí quan trọng trong chính phủ.

Hôm 30/11, ông Trump cho biết ông đã đề cử ông trùm bất động sản bang New Jersey Charles Kushner, cha của Jared Kushner, chồng con gái lớn Ivanka Trump, làm đại sứ Mỹ tại Pháp. Đề cử này đã gây nên nhiều tranh cãi vì Charles Kushner từng bị kết án tù nhưng được ông Trump ký lệnh ân xá sau khi ông trở thành Tổng thống Mỹ năm 2017.

CNN chỉ ra rằng việc Trump liên tiếp bổ nhiệm các thành viên trong gia đình vào các vị trí chính trị, điều này đặt ra câu hỏi về chế độ gia đình trị. Ivanka Trump và Jared Kushner từng là cố vấn cho ông Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên. Ivanka tuyên bố sẽ không trở lại Nhà Trắng nhưng Kushner được cho là sẽ tiếp tục cố vấn cho Trump dù ở bên ngoài Nhà Trắng.

Từ lâu, ở Mỹ đã có một "truyền thống chính trị" là "thưởng chức vụ” Đại sứ cho các nhà tài trợ hoặc các đồng minh quan trọng. Sau khi ông Barack Obama trở thành tổng Thống Mỹ vào năm 2009, ông đã đề cử nhiều nhà tài trợ của đảng Dân chủ làm Đại sứ tại các nước Châu Âu và Châu Mỹ Latinh. Ví dụ, luật sư Howard Gutman được bổ nhiệm làm đại sứ tại Bỉ vì đã quyên góp được 500.000 USD cho chiến dịch tranh cử của ông Obama.

Sau khi ông Biden nhậm chức vào năm 2021, ông cũng bổ nhiệm nhiều người ủng hộ tài chính làm đại sứ. Ví dụ, bà trùm bất động sản New York Constance Milstein trở thành đại sứ Mỹ tại Malta. Bà là nhà tài trợ lâu dài của đảng Dân chủ.

Tạp chí Foreign Policy của Mỹ từng chỉ ra rằng đảng Dân chủ và Cộng hòa đã tiếp nối chiến lược này trong vài thập kỷ qua, nhưng trên thực tế, ngày càng có nhiều nhà cựu ngoại giao, chuyên gia và thành viên các đảng chính trị chỉ trích cách làm này. Họ cho rằng cách làm này là thể chế hóa tham nhũng chính trị, đã làm suy yếu khả năng ngoại giao của Mỹ.

Tạp chí này cũng chỉ ra rằng hiếm nước nào bổ nhiệm các nhà tài trợ giàu có làm đại sứ như Mỹ.

Theo Guancha, Singtao