Ông Nhậm Chính Phi than Mỹ muốn Huawei chết; Tổng thống Trump không gia hạn việc bán TikTok

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước lệnh cấm mới của Mỹ, Huawei sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng đứt nguồn cung cấp chip bắt từ 15/9 tới! Ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei  than vãn “một số chính trị gia Mỹ muốn chúng tôi chết", nói Huawei đang ở trong một giai đoạn đặc biệt khó khăn. Trong khi đó Tổng thống Trump khẳng định sẽ không gia hạn việc ByteDane bán TikTok cho doanh nghiệp Mỹ.
Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi cho rằng "một số chính trị gia Mỹ muốn chúng tôi chết" (Ảnh: AP).
Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi cho rằng "một số chính trị gia Mỹ muốn chúng tôi chết" (Ảnh: AP).

Theo China Times ngày 11/9, trang web giao lưu nhân viên của Huawei có tên “Xinshengshequ” mới đây đã đăng tải bài nói chuyện mới nhất của ông Nhậm Chính Phi với nhân viên vào cuối tháng trước. Trong đó ông nói: “Huawei hiện đang ở trong một giai đoạn lịch sử tương đối khó khăn và có thể gặp phải những khó khăn không thể tưởng tượng nổi, nhưng đây cũng là thời kỳ có cơ hội lớn nhất”. Ông đề cập, định vị chiến lược của Huawei là một công ty thương mại và kỳ vọng sẽ thành công trong kinh doanh, không có định vị chiến lược nào khác. Nếu làm những việc khác, sẽ không thể thành công nếu không có năng lực. Do đó, Huawei phải thu hẹp khả năng ở mức hợp lý và đạt được thành công trong khía cạnh này.

Ông chỉ ra rằng Huawei đang trong một giai đoạn đặc biệt khó khăn, những tài năng đặc biệt ưu tú đang trưởng thành. Hệ thống R&D (nghiên cứu và phát triển) của Huawei có hơn 90.000 người. Nếu như có thể nhận được nguồn lực chất lượng cao như các công ty phương Tây, thì không cần quá nhiều người như thế hoặc có thể đạt được kết quả tốt hơn và tạo ra giá trị cao hơn, nhưng khó khăn này sẽ sinh ra nhiều anh hùng hơn.

Việc khủng hoảng nguồn cung ứng chip ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất của Huawei (Ảnh: ugudu.com).
Việc khủng hoảng nguồn cung ứng chip ảnh hưởng nghiêm trọng  đến việc sản xuất của Huawei (Ảnh: ugudu.com).

Nhậm Chính Phi nói, sau một văn bản (trừng phạt) ở Mỹ ban ra, Huawei đã phải thay đổi hàng nghìn bảng mạch và thay thế các linh kiện, thuật toán cũng sẽ khác; vừa mới thay xong lại phải thay hàng nghìn bảng khác. Sau đó lại thay đổi cách trừng phạt, lại phải thay thế; mấy nghìn bảng mạch thay thế là có bấy nhiêu anh hùng hào kiệt. Lý do tại sao không có cải cách cơ cấu trong R&D là để tạo cho họ một môi trường thoải mái, cho phép họ thích nghi, tin rằng đội ngũ này đã trở nên có trình độ năng lực và mạnh mẽ hơn khi đối mặt với khó khăn.

Ông Nhậm Chính Phi cũng trích dẫn lời của Đô đốc Mỹ Martin Dempsey, nói rằng “Hãy để tư tưởng giành chiến thắng trở thành một niềm tin; không lùi bước là con đường dẫn đến chiến thắng” để cổ vũ nhân viên của mình và nhấn mạnh rằng tinh thần học hỏi người Mỹ sẽ không thay đổi chỉ vì Mỹ đã tấn công Huawei.

Bị áp chế bởi lệnh cấm của Mỹ, Huawei sẽ không thể sản xuất chip Kirin sau ngày 15/9. Kirin 9000 được gắn trên điện thoại Huawei Mate 40 được tung ra thị trường vào mùa thu này có thể là chip cao cấp cuối cùng của Huawei.

IT House trích dẫn ý kiến của nhà phân tích cấp cao trong giới truyền thông Hoàng Hải Phong chỉ ra rằng, Kirin 9000 loại chip cao cấp thế hệ cuối cùng của Huawei hiện trữ lượng khoảng 10 triệu chiếc, có nghĩa là 10 triệu điện thoại di động Huawei Mate40 có thể sử dụng chip này. Vì vậy sau khi lệnh cấm có hiệu lực, Huawei chỉ có thể cầm cự khoảng nửa năm.

Trong một động thái liên quan đến việc trừng phạt công ty công nghệ Trung Quốc khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10/9 tuyên bố ông sẽ không gia hạn thời hạn cho chủ sở hữu TikTok bán nó cho các doanh nghiệp Mỹ vào thứ Sáu tới (15/9). Ông Trump nói với các phóng viên: “Thời hạn cuối cùng cho TikTok sẽ không được trì hoãn”.

Trước đó, Bloomberg dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này đưa tin chính quyền của Tổng thống Trump đang cân nhắc cho phép ByteDance thêm thời gian để thu xếp việc bán TikTok.

Vào thời điểm ông Trump đưa ra phản ứng liên quan, vụ giao dịch TikTok đang dần đến hạn chót, nhưng chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu mới đối với TikTok, gây ra trở ngại nghiêm trọng đối với vụ giao dịch.

Trước đó, vào hôm 10/9, hãng truyền thông Mỹ Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết ByteDance đã cố gắng thảo luận về các thỏa thuận mua lại có thể có với chính phủ Mỹ vì thương vụ mua lại TikTok có khả năng bị lỡ thời hạn. Ngoài ra, các quy định mới của Trung Quốc đã khiến các cuộc đàm phán trở nên phức tạp hơn.

Theo nguồn tin từ Bloomberg, ByteDance đã biết trong cuộc đàm phán sơ bộ với các quan chức Trung Quốc rằng bất kỳ đề xuất nào cũng phải được đệ trình lên chính phủ Trung Quốc để phê duyệt và cung cấp thông tin chi tiết về các vấn đề kỹ thuật và tài chính, đồng thời việc xem xét sẽ có tính thực chất và cần thời gian.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ không gia hạn thời hạn cho chủ sở hữu TikTok bán nó cho các doanh nghiệp Mỹ vào thứ Sáu tới (15/9) (Ảnh: Singtao).
Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ không gia hạn thời hạn cho chủ sở hữu TikTok bán nó cho các doanh nghiệp Mỹ vào thứ Sáu tới (15/9) (Ảnh: Singtao).

Chính phủ Mỹ đã ban hành lệnh cấm đối với TikTok vào tháng 8, yêu cầu công ty phải bán toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh của mình tại Mỹ nếu không sẽ phải đóng cửa. Trong lệnh hành pháp vào ngày 6/8, Nhà Trắng đã cho TikTok 45 ngày để đàm phán, kết thúc vào ngày 20/9. Khoảng một tuần sau, Nhà Trắng đã kéo dài thời gian đàm phán TikTok lên 90 ngày, cho đến ngày 12/11.

Sau đó, vào cuối tháng 8, chính phủ Trung Quốc đã đưa hai loại công nghệ của TikTok vào danh sách quản chế, điều này đã gây ra áp lực không nhỏ đối với các giao dịch của Bytedance tại Mỹ. Hoạt động này được cho là gây ảnh hưởng đến vụ giao dịch TikTok.

Các nguồn tin của Reuters ngày 2/9 cho biết hiện tại, các công ty mua lại tiềm năng của TikTok đang thảo luận về bốn cách thúc đẩy việc mua lại, một trong số đó là bán TikTok, nhưng loại trừ các công nghệ bị hạn chế như thuật toán của nó. Cách tiếp cận này nhằm vòng tránh các quy tắc kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng nó sẽ mang lại áp lực công ngệ rất lớn cho các công ty mua lại tiềm năng như Microsoft hoặc Oracle. Hai công ty sẽ cần nhanh chóng đề xuất các giải pháp thay thế kỹ thuật.

Một cách khác là tìm kiếm giấy phép từ chính phủ Trung Quốc, nhưng vẫn chưa biết liệu ByteDance có thể xin được giấy phép trước thời hạn mà Mỹ đề ra hay không.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Josh Hawley nói với Reuters hôm thứ Năm 10/9 ông không cho rằng TikTok nên được gia hạn, cũng như không ủng hộ kết quả của việc bán một phần doanh nghiệp.

Josh Hawley nói: “Tôi chắc chắn rằng TikTok có rất nhiều backdoor (cửa hậu) được tích hợp sẵn và Bytedance biết rõ chúng là gì, vì vậy chúng tôi cần phải tiến hành làm sạch, rõ ràng và hoàn toàn (với các nguồn rủi ro)”.