Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn trên thế giới giảm xuống mức chưa từng thấy

VietTimes -- Việc phong tỏa tạm thời, giãn cách xã hội và nhiều nhà máy công nghiệp phải đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 khiến ô nhiễm không khí giảm xuống mức chưa từng thấy, CNN cho biết.
Việc hạn chế đi lại do Covid-19 khiến tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn giảm mạnh. Ảnh: CNN
Việc hạn chế đi lại do Covid-19 khiến tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn giảm mạnh. Ảnh: CNN

Các thành phố lớn từng được coi là những khu vực ô nhiễm nhất thế giới đã chứng kiến mức giảm các hạt vật chất (Particulate Matter - viết tắt là PM còn được gọi là các hạt ô nhiễm trong không khí có kích thước vi mô) tới 60% so với năm trước chỉ trong vòng 3 tuần phong tỏa.

Các nhà nghiên cứu của IQAir, một công ty công nghệ thông tin về chất lượng không khí toàn cầu đã nghiên cứu 10 thành phố lớn trên thế giới có số người mắc Covid-19 tương đối cao và đã thực hiện biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại.

Nghiên cứu đã so sánh mật độ các hạt bụi mịn gây ô nhiễm siêu nhỏ được gọi là PM 2.5 tại một số thành phố lớn. Hạt gây ô nhiễm này, có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet (trong khi tóc người có đường kính 70 micromet, lớn hơn 30 lần so với PM2.5).

PM 2.5 là một trong những hạt vật chất đặc biệt nguy hiểm vì nó có thể xâm nhập vào phổi và di chuyển đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể, gây ra những vấn đề nghiêm trong đối với sức khỏe con người.

7 trong 10 thành phố được nghiên cứu, bao gồm New Delhi, Seoul, Vũ Hán và Mumbai đã chứng kiến sự cải thiện đáng kể trong chất lượng không khí. Những khu vực từng có mật độ PM 2.5 cao trong lịch sử đã chứng kiến mức độ nhiễm giảm đáng kể.

Các nhà phân tích đã lựa chọn khung thời gian để nghiên cứu là 3 tuần, đây cũng là khoảng thời gian các biện pháp phong tỏa được thực hiện chặt chẽ nhất hoặc như Vũ Hán, có thời gian phong tỏa lâu hơn.

Báo của IQAir được đưa ra đúng vào ngày kỷ niệm 50 năm Ngày Trái Đất, năm tập trung vào các hành động bảo vệ môi trường.

Ô nhiễm không khí được coi là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, khiến 7 triệu người chết mỗi năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Việc ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu là cách tốt nhất để bảo vệ không khí và làm giảm những cái chết liên quan đến ô nhiễm không khí, các nhà khoa học cho biết.

Các tác giả của báo cáo cho biết họ hy vọng rằng sau khi các nền kinh tế hoạt động trở lại, “chúng ta có thể thấy những thay đổi tích cực trong cách xã hội tác động đến môi trường và bầu khí quyển của chúng ta,” chuyên viên tiếp thị IQAir, bà Kelsey Duska nói.

Ảnh: CNN
Mật độ PM 2.5 tại các thành phố lớn đều giảm mạnh trong thời gian hạn chế đi lại do Covid-19. Ảnh: CNN

Không khí trong lành hơn trên toàn cầu

New Delhi, thủ đô của Ấn Độ, nơi thường xuyên đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới - đã chứng kiến mức giảm 60% mật độ PM 2.5 từ 23/3 - 13/4 so với cùng kỳ năm 2019.

Cả New Delhi và trung tâm thương mại của đất nước đều có chất lượng không khí tốt nhất vào tháng 3/2020.

Trong thời gian phong tỏa 3 tuần đầu tiên, số giờ được đánh giá là “không tốt cho sức khỏe” tại New Delhi đã giảm từ 68% vào năm 2019 xuống còn 17% vào năm 2020.

Ảnh: The Guardian
Hình ảnh bầu không khí trước và sau khi có lệnh cách ly xã hội tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: The Guardian

Vào ngày 25/3, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu hạn chế đi lại đối với 1.3 tỷ dân của mình, các nhà máy, chợ, cửa hàng, nơi tổ chức các nghi lễ tôn giáo bị buộc phải đóng cửa, các dịch vụ giao thông công cộng tạm ngừng hoạt động. Sự phong tỏa lớn nhất thế giới này được kéo dài đến ngày 3/5.


Ấn Độ được coi là một trong những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới và mật độ bụi mịn tại quốc gia này cao hơn 500% so với ngưỡng PM 2.5 an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra.

Trong khi đó, thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng chứng kiến mức giảm chỉ số PM 2.5 54% từ ngày 26/2 đến ngày 18/3 so với năm trước.

Hàn Quốc được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xếp vào danh sách những quốc gia có chất lượng không khí tồi tệ nhất, với mức độ các hạt bụi mịn gây ô nhiễm cao nhất. Vào tháng 3 năm ngoái, chính phủ quốc gia này đã tuyên bố ô nhiễm không khí là một “thảm họa xã hội”.

Tháng 2/2020, Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh mẽ ở Hàn Quốc, khiến quốc gia này trở thành vùng dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn tích cực đã giúp Hàn Quốc từng bước ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh.

Thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát của dịch bệnh cũng chứng kiến mức giảm ô nhiễm không khí tới 44% từ ngày 26/2 đến 18/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Thành phố 11 triệu dân này cũng là nơi đầu tiên Bắc Kinh áp dụng các biện pháp đóng cửa và phong tỏa triệt để nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, một động thái trước đó chưa từng có tiền lệ.

Sau 75 ngày phong tỏa, những hạn chế đó đã bắt đầu được dỡ bỏ vào ngày 8/4, cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 của Trung Quốc khi nước này báo cáo rằng không có trường hợp nhiễm bệnh nhiễm bệnh mới nào.

Trong suốt 10 tuần Vũ Hán bị phong tỏa, thành phố này đã trải nghiệm chất lượng không khí sạch nhất từ trước đến nay trong khoảng thời gian tháng 2 và tháng 3. Mật độ trung bình của PM 2.5 đã giảm từ 63.2 và 43.9 microgram/m3 vào tháng 2 và tháng 3 năm 2019 xuống còn 36.8 và 32.9 microgram/m3 vào cùng thời điểm năm nay. Trong khi đó, chỉ số an toàn với sức khỏe theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 25 microgram/m3.

Ảnh: CNN
Thành phố Milan, Ý được chụp vào ngày 8/1/2020 (trái) và 17/4/2020 (phải). Ảnh: CNN

Tại các thành phố lớn khác, không khí đều có dấu hiệu trong lành hơn. Los Angeles đã chứng kiến tình trạng không khí trong sạch kéo dài nhất trong lịch sử, trong vòng 18 ngày từ ngày 7 đến ngày 28/3. Mật độ PM 2.5 đã giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 51% so với mức trung bình của 4 năm trước đó.


Tại Châu Âu, Luân Đôn, Madrid và Rome, chỉ số PM 2.5 đều giảm so với năm 2019 trong thời gian phong tỏa.

Lời kêu gọi các “giải pháp xanh”

Mặc dù việc đóng cửa tất cả các nhà máy và cấm các phương tiện giao thông không phải là giải pháp lâu dài để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nhưng nó đã cho chúng ta thấy được hành vi của con người đang tác động sâu sắc đến môi trường như thế nào. Các nhà nghiên cứu IQAir cho biết có nhiều cách khác để giữ cho không khí trong lành hơn.

Các biện pháp này bao gồm các gói hỗ trợ của chính phủ cho các thỏa thuận xanh (green deal), chuyển sang các nguồn năng lượng xanh, hạn chế mua hàng hóa (các cá nhân chỉ nên mua những mặt hàng thiết yếu), lựa chọn các phương tiện giao thông “sạch” hơn - bao gồm đi bộ và đi xe đạp, theo Duska.

“Trong quá trình phục hồi sau đại dịch, điều quan trọng là chúng ta phải cố gắng giữ gìn môi trường trong sạch hơn, bảo vệ sức khỏe của chúng ta trước một kẻ giết người vô hình khác: ô nhiễm không khí. Chúng tôi hy vọng tính cấp bách trong việc giải quyết đại dịch toàn cầu sẽ được kết hợp để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí,” cô nói.

Theo CNN