1. Covidiot
Một từ mới 100% chưa từng được xuất hiện trước đây được sinh ra trong thời đại Covid-19. Covidiot là ghép của 02 từ “Covid-19”, viết tắt “Cov” và “idiot” có nghĩa “kẻ ngốc”, khái niệm chỉ những kẻ phớt lờ các biện pháp an toàn xã hội khiến đại dịch lan nhanh và rộng khắp.
Theo Urban Dictionary, danh từ Covidiot có thể hiểu theo 02 nghĩa. Nghĩa 01, Covidiot chỉ “kẻ ngu ngốc, ngoan cố phớt lờ các quy tắc giữ khoảng cách xã hội, làm tăng nguy cơ lây truyền Covid-19”.
Nghĩa 02, Covidiot chỉ “kẻ ngu xuẩn tích trữ hàng hóa không cần thiết khiến những người khác không có để sử dụng, gieo rắc tâm lý sợ hãi về Covid-19”.
Tóm lại, “Covidiot” ám chỉ những kẻ hành động ngu ngốc (di chuyển và tiếp xúc không cần thiết, tích trữ hàng hóa) khiến dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Các “Covidiots” tại chợ hoa Columbia Road, Đông Luân Đôn, nước Anh. Ảnh: Dino Sofos/Twitter.
|
“Covidiot” đã được vào các từ điển tiếng Anh nhưng có lẽ chưa được cập nhật trong các từ điển Anh-Việt. Hashtag #Covidiot cũng đã xuất hiện trên các mạng xã hội như Tweeter, Facebook, Instagram với hàng ngàn bức ảnh được cư dân mạng lan truyền về những “Covidiots” đi bar, đi hòa nhạc, tụ tập tắm nắng tại các bãi biển, đến công viên ngắm hoa anh đào hay leo núi mà không đeo khẩu trang.
2. Flattened the curves
Trong dịch tễ học, “the curves” (đường cong) là số lượng các ca nhiễm bệnh mới dự kiến trong một khoảng thời gian. “Flattened the curves” (làm phẳng đường cong) là áp chế sự gia tăng số lượng các ca nhiễm bệnh “mới” trong thời gian dài hơn.
“Làm phẳng đường cong” là mục tiêu được đưa ra trong công tác đối phó với dịch bệnh để giảm các tác động và thiệt hại. Các hệ thống y tế trên toàn cầu không đủ nguồn lực thể đối phó nhanh và kịp thời với nhiều ca nhiễm bệnh trong cùng một lúc.
Theo đó, để đạt được mục tiêu này, cần làm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh bằng các biện pháp như giữ khoảng cách xã hội và hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Thời gian cho giai đoạn tăng tốc và đạt đỉnh lây lan của dịch bệnh sẽ được kéo dài, “đường cong” được làm “giãn”. Gánh nặng chăm sóc y tế từ đó cũng được “giãn” và người bệnh được chăm sóc tốt hơn, tỷ lệ tử vong thấp hơn.
Chẳng hạn, khi bệnh viện đủ tải, mỗi người bệnh dùng một máy thở và được nhiều y tá, bác sỹ chăm sóc, khả năng bình phục cao. Nhưng khi bệnh viện quá tải, nhiều người bệnh phải luân phiên dùng chung một máy thở, một y tá phải chăm sóc cho nhiều bệnh nhân.
Điều này dẫn đến những câu chuyện đau lòng thời Covid-19 như cụ bà Suzanne Hoylaerts 90 tuổi ở Bỉ chấp nhận cái chết để nhường máy thở cho người bệnh trẻ hơn, hay các bác sỹ ở Ý phải lựa chọn cứu những người có khả năng sống sót cao thay vì những ca bệnh nguy kịch và khó cứu chữa.
Tóm lại, “san phẳng đường cong” là mục tiêu nhằm làm giảm số lượng người nhiễm bệnh trong cùng một lúc, tránh quá tải cho hệ thống chăm sóc y tế ở cùng một thời điểm. Từ đó giúp các bác sĩ, bệnh viện, cảnh sát và nhà sản xuất vắc-xin có thời gian chuẩn bị và ứng phó.
Các “Covidiots” tụ tập trên bãi biển tại bãi biển Bondi, thành phố Sydney, tiểu bang New South Wales, nước Úc. Ảnh: Tom Steinfort/Twitter.
|
3. Outbreak, epidemic, pandemic
“Outbreak” là “ổ dịch”, sự gia tăng đột ngột về tỷ lệ mắc bệnh ở một khu vực hoặc một nhóm người. “Epidemic” là “dịch”, bệnh lây lan tại một số địa phương và không phổ biến lâu dài và “pandemic” là “đại dịch”, lây lan trên toàn thế giới tại mọi quốc gia và vùng lãnh thổ.
Khi có đủ “ổ dịch” ở những nơi nằm ngoài vị trí ban đầu sẽ tạo ra “dịch”. Ban đầu, Covid-19 là “epidemic” khi nó mới chỉ bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) nhưng nay nó đã là “pandemic”. Tóm lại, về mức độ lây lan, có thể hiểu Outbreak (ổ dịch) < epidemic (dịch) < pandemic (đại dịch).
4. Aerosol
“Aerosol” hay “sol khí” là hệ keo của các hạt chất rắn hoặc các giọt chất lỏng phân tán trong không khí hoặc chất khí khác. Aerosol có nguồn gốc từ tự nhiên (sương mù, dịch tiết của rừng và mạch nước phun) hoặc nhân tạo (sương mù do ô nhiễm, bụi, ô nhiễm không khí và khói).
Trong dịch tễ học, “aerosol’ là các hạt nhỏ (dưới 5 µm) có chứa virus hoặc tác nhân truyền nhiễm khác. Những hạt này được phát tán ra trong một màn sương mịn khi người nhiễm bệnh nói hoặc thở và sau đó có thể dễ dàng bị người khác hít vào.
Các hạt lớn hơn (trên 5 µm) được gọi là các giọt hô hấp bị phát tán ra ngoài khi ho hoặc hắt hơi. Những giọt này rơi xuống đất trong vòng 1-2m, trong khi aerosol có thể tồn tại trong không khí lâu hơn và lan xa hơn.
Nếu một tác nhân truyền nhiễm trở nên lơ lửng trong không khí với các hạt nhỏ, nó được gọi là khí dung. Sự lây lan của bệnh qua không khí là truyền khí dung hoặc lây truyền qua đường không khí. Virus gây ra Covid-19 đã được biết đến là lây lan qua đường hô hấp, qua các giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu mức độ lan truyền của SARS-CoV-2 qua các “aerosol”.
Biểu đồ minh họa “Flatten the curve”. Ảnh: Viện ITIM.
|
5. Panic buying
“Panic buying” (mua sắm hoảng loạn) là hiện tượng người tiêu dùng mua hàng tích trữ với một lượng lớn bất thường khi nhận thấy một thảm họa (dịch bệnh, thiên tai,...) xảy ra trước mắt. “Panic buying” là một dạng của hành vi đám đông, tâm lý bầy đàn trong sự lo sợ và hoang mang.
“Panic buying” tại siêu thị Walmart, tiểu bang Minnesota, nước Mỹ. Ảnh: Stewboy/Twitter.
|
6. Social distancing
“Social distancing” hay “cách ly xã hội”, “giữ khoảng cách xã hội” là một nhóm các biện pháp duy trì khoảng cách vật lý giữa người này với người khác ở một mức đủ xa, hoặc hạn chế tiếp xúc trực tiếp để dịch bệnh không thể lây lan.
“Cách ly xã hội” có nhiều cấp độ, từ chỗ đứng cách nhau tối thiểu 2m (hoặc 6 feet) đến hạn chế hoặc hủy bỏ các hoạt động tập trung đông người (như hội nghị, lớp học, lễ nhà thờ, hòa nhạc, thể thao), xa hơn là hạn chế đi lại, làm việc tại nhà và họp hành qua video call, cách ly người bị bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, phong tỏa khu vực có người nhiễm bệnh.
7. Lockdown, shutdown
“Panic buying” tại siêu thị Walmart, tiểu bang Minnesota, nước Mỹ. Ảnh: Stewboy/Twitter.
|
“Lockdown” (phong tỏa) là biện pháp mà người dân không được đi lại, ra vào tự do một tòa nhà, trong một khu vực hay một đất nước. Tất cả đều phải ở trong nhà hay ở yên một chỗ và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Đôi khi “shutdown” cũng được sử dụng cho nghĩa tương tự.
8. Zoonotic
Zoonotic hay zoonosis là bệnh truyền nhiễm từ động vật (kể cả vật nuôi và động vật hoang dã) sang người hoặc từ người sang động vật. Covid-19 được cho là một zoonotic theo môt báo cáo từ WHO cho thấy dơi có thể là vật chủ của virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục truy tìm nguồn gốc của dịch bệnh này. Các zoonotic phổ biến hiện nay là bệnh Lyme, sốt xuất huyết, tiêu chảy, sán mang, Ebola,... Theo CDC, khoảng 75% các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện ở người là đến từ động vật.
Tay vịn cầu thang cuốn cũng có thể là một fomite nhiễm virus SARS-CoV-2
|
9. Fomite
Formite là một vật thể (ví dụ như tay nắm cửa, nút bấm thang máy) bị nhiễm các sinh vật truyền nhiễm (ví dụ như virus) và là tác nhân phục vụ cho quá trình lây lan, truyền bệnh của chúng khi con người chạm tay hay có sự tiếp xúc da trực tiếp.
Covid-19 là bệnh lây truyền qua việc chạm vào các formite nhiễm virus (chứa dịch tiết hô hấp của người nhiễm bệnh).