Nỗi lo rạn nứt sau thành công của Google

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nhiều lãnh đạo Google cho rằng tập đoàn đang chịu nhiều tác hại bởi cách điều hành của CEO Sundar Pichai, bất chấp lợi nhuận kỷ lục.

Khó có thể nói rằng Google không thành công. Doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn liên tục lập kỷ lục sau từng quý. Công ty mẹ Alphabet đang có giá trị 1.600 tỷ USD, trong khi Google ngày càng bám rễ sâu trong đời sống của người dân Mỹ và thế giới.

Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai. Ảnh: AFP.
Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai. Ảnh: AFP.

Dù vậy, một loạt lãnh đạo Google lo ngại rằng đang xuất hiện rạn nứt trong nội bộ. Phong cách lãnh đạo quyết đoán và những ý tưởng lớn đang nhường chỗ cho phương pháp né tránh rủi ro và những bước tiến nhỏ. Một số lãnh đạo đã rời đi.

"Tôi liên tục được hỏi vì sao ra đi. Tôi nghĩ câu hỏi hợp lý hơn là tại sao tôi ở lại lâu đến vậy", Noam Bardin, người gia nhập Google năm 2013 sau khi công ty này mua lại dịch vụ bản đồ Waze, cho biết trong một bài viết chỉ hai tuần sau nghỉ việc. "Những thách thức với sự tiến bộ sẽ ngày càng gia tăng khi tinh thần chấp nhận rủi ro suy giảm", ông viết.

Nhiều lãnh đạo của Google cho rằng các vấn đề hiện nay bắt nguồn từ phong cách lãnh đạo của Sundar Pichai - CEO thường tỏ ra niềm nở và ít khoa trương của hãng.

15 lãnh đạo đương nhiệm và cựu lãnh đạo giấu tên của Google cho rằng hãng đang hứng chịu nhiều nhược điểm của một doanh nghiệp lớn và trưởng thành. Đó là tính quan liêu trì trệ, thiên về ít hành động và tập trung quá nhiều vào hình ảnh trước công chúng.

Một vài người trong số này thường xuyên tiếp xúc với Pichai, cho rằng CEO Google không hành động đủ nhanh trong nhiều lĩnh vực kinh doanh then chốt và điều chuyển nhân sự. Vị CEO nghiền ngẫm quyết định quá lâu và trì hoãn các hành động cần thiết.

Họ cũng cho rằng Google liên tục bị chấn động bởi những tranh cãi về văn hóa công sở. Nỗ lực hạ nhiệt của Pichai lại phản tác dụng, khiến các vấn đề ngày càng trầm trọng trong khi ông từ chối đưa ra những quan điểm cứng rắn và ít được sự ủng hộ.

Khó khăn của Google

Google đang phải đối mặt với những thách thức từ giới quản lý trong và ngoài nước Mỹ. Các chính trị gia Mỹ ngày càng tỏ ra không tin tưởng công ty, khiến Pichai liên tục phải xuất hiện trong những buổi điều trần trước quốc hội. Nhiều nhà phân tích cho rằng ông đã vượt qua những sự kiện này mà không chọc giận giới lập pháp hay để hở điểm yếu cho đối thủ khai thác.

Các lãnh đạo chỉ trích Pichai cũng thừa nhận điều này, cho rằng ông là lãnh đạo chu đáo và quan tâm đến mọi người. Họ nhận xét Google hiện nay có kỷ luật và trật tự hơn, được vận hành chuyên nghiệp hơn thời điểm Pichai tiếp quản cách đây 6 năm.

Trong thời gian Pichai lãnh đạo Google, đội ngũ nhân viên tập đoàn đã tăng gấp đôi - lên 140.000 người, giá trị của Alphabet cũng tăng gấp 3 lần. Việc công ty có quy mô như vậy tỏ ra chậm chạp hoặc không sẵn sàng mạo hiểm là điều bình thường. Pichai đã thực hiện một số bước đi để thay đổi điều này, trong đó có tái cấu trúc Google và thành lập bộ phận quản lý mới vào năm 2019 nhằm hạn chế những quyết định cần ông trực tiếp can dự.

Dù vậy, Google vẫn bị cho là đã qua thời kỳ đỉnh cao. Tại Thung lũng Silicon, nơi tuyển dụng và giữ chân nhân tài được coi là dấu hiệu thể hiện triển vọng của một doanh nghiệp, lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghệ cho biết rất dễ thuyết phục quản lý Google từ bỏ vị trí ổn định với mức lương hàng triệu USD/năm để tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.

Sundar Pichai trong một cuộc điều trần trước quốc hội Mỹ. Ảnh: AFP.
Sundar Pichai trong một cuộc điều trần trước quốc hội Mỹ. Ảnh: AFP.

Những chỉ trích nhắm vào Sundar Pichai

Pichai gia nhập Google năm 2004 và nhanh chóng thể hiện năng lực điều hành một công ty lớn. Năm 2015, ông trở thành CEO Google khi nó trở thành công ty con của Alphabet. Pichai tiếp tục được thăng cấp lên CEO Alphabet khi người đồng sáng lập Larry Page rời vị trí này vào năm 2019.

Năm 2018, hơn 10 phó chủ tịch Google đã viết email cảnh báo Pichai rằng công ty đang gặp khó khăn trong tăng trưởng. Họ khẳng định có nhiều vấn đề trong điều phối quyết định kỹ thuật và phản hồi từ các phó chủ tịch thường bị phớt lờ.

Các lãnh đạo này, trong đó nhiều người đã làm việc tại Google hơn 10 năm, cho rằng công ty mất quá nhiều thời gian cho những quyết định lớn và không thể hoàn thành bất kỳ mục tiêu nào. Họ không trực tiếp chỉ trích Pichai, nhưng phát thông điệp rõ ràng rằng Google cần những lãnh đạo quyết đoán hơn.

Kể từ đó, nhiều người ký vào email từ chức để tìm công việc khác. Ít nhất 36 phó chủ tịch Google đã rời tập đoàn kể từ năm ngoái.

Đây là vấn đề chảy máu chất xám rất lớn trong doanh nghiệp cần khoảng 400 phó chủ tịch, những người đóng vai trò xương sống của Google. Tập đoàn này cho biết tỷ lệ phó chủ tịch nghỉ việc vẫn chấp nhận được và đã ổn định suốt 5 năm qua.

Nhóm lãnh đạo giấu tên cho rằng sự cân nhắc chậm rãi của Pichai thường gây cảm giác ông muốn tìm phương án an toàn và luôn trả lời là "không".

Pichai cũng nổi tiếng vì chậm chạp trong những quyết định nhân sự. Google thăng cấp cho Kent Walker lên chủ tịch cấp cao phụ trách vấn đề toàn cầu vào năm 2018 và phải tìm kiếm người thay thế ông. Phải mất hơn một năm để Google chọn Halimah DeLaine Prado, thành viên lâu năm trong nhóm pháp lý của tập đoàn.

Sự miễn cưỡng của Pichai trong những biện pháp mang tính quyết định với Google cũng rất dễ nhận thấy.

Hồi tháng 12/2018, Timnit Gebru, đồng lãnh đạo nhóm Đạo đức AI của Google và một trong những nữ nhân viên da màu nổi tiếng nhất tập đoàn, thông báo đã bị sa thải sau khi chỉ trích cách tiếp cận của Google với thuê nhân viên thiểu số, sau đó viết tài liệu nghiên cứu nhằm chỉ ra những thiên kiến được tích hợp vào công nghệ AI của tập đoàn.

Ban đầu Pichai không can dự vào vấn đề này. Sau khi hơn 2.000 nhân viên ký tên phản đối quyết định sa thải Gebru, ông đã gửi email toàn tập đoàn và hứa sẽ khôi phục niềm tin của nhân viên, trong khi vẫn khẳng định Gebru không bị đuổi việc. Dù vậy, Gebru khẳng định đây không phải lời xin lỗi chân thành mà chỉ là chiêu xoa dịu một số nhân viên.

... và những người ủng hộ

Nhiều lời chỉ trích nhằm vào Pichai có thể bắt nguồn từ thử thách trong duy trì nền văn hóa thẳng thắn của Google với lực lượng nhân viên đông gấp nhiều lần trước kia. "Tôi không nghĩ có ai xử lý những vấn đề này tốt hơn Sundar", Luiz Barroso, một trong những lãnh đạo kỹ thuật kỳ cựu nhất của Google, nhận xét.

Aparna Chennapragada, Cựu phó chủ tịch Google, khẳng định Pichai luôn thể hiện mình không phải "đấng cứu thế tại nơi làm việc" - cụm từ để chỉ các lãnh đạo chuyên quyền thường được lãng mạn hóa trong ngành công nghệ nhưng có thể tạo ra môi trường làm việc độc hại cho nhân viên.

Pichai luôn chú trọng vào đội ngũ quản lý thay vì cái tôi cá nhân, điều đó khiến các thuộc cấp của Pichai có thể ra nhiều quyết định mà không cần đến ông. Ông chỉ thể hiện sự quyết đoán với những vấn đề đặc biệt quan trọng, như cho phép nhân viên làm việc từ xa khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Mỹ.

Những cuộc thảo luận về mua ứng dụng theo dõi hoạt động Fitbit kéo dài gần một năm khi Pichai soi xét từng mặt của thỏa thuận, bao gồm cách tích hợp công ty này vào Google, kế hoạch phát triển sản phẩm và bảo vệ dữ liệu người dùng.

"Ông ấy đã nhận ra nhiều vấn đề tiềm tàng mà tôi chưa phát hiện", Sameer Samat, Phó chủ tịch Google và là người thúc đẩy thương vụ này, thừa nhận. "Tôi có thể thấy nhiều cuộc thảo luận khiến mọi người cảm giác rằng chúng tôi chậm đưa ra quyết định. Thực tế đó là những quyết định rất lớn".

Theo VnExpress