Bộ Y tế: Không thể đánh đồng, so sánh giá các loại test kit xét nghiệm COVID-19 với nhau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo Bộ Y tế, giá các loại test xét nghiệm phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc, số lượng mua,… nên không thể đánh đồng, so sánh giá test kit xét nghiệm ở các thời điểm khác nhau.
Nhân viên y tế ghi chép mẫu xét nghiệm COVID-19 của người dân (Ảnh - Minh Thuý)
Nhân viên y tế ghi chép mẫu xét nghiệm COVID-19 của người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Hiện nay, giá test xét nghiệm COVID-19 đang trở thành vấn đề nóng khiến dư luận dậy sóng. Mới đây, báo chí đã đăng thông tin về 1 doanh nghiệp có thể mua test kit xét nghiệm với giá 50.000 đồng/test (giá nhập khẩu đến Việt Nam đã bao gồm các loại thuế phí). Đặc biệt, đã có doanh nghiệp gửi thư đến cấp có thẩm quyền, sẵn sàng bán với số lượng không giới hạn kit xét nghiệm nhanh giá 2,4 USD/bộ (khoảng 56.000 đồng, đã bao gồm thuế phí), rẻ hơn so với giá Bộ Y tế đề nghị mua.

Trước đó, thông tin trên báo chí, ông Đặng Hồng Anh – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam – cho rằng: “Giá mua test nhanh tại nước ngoài chỉ khoảng 1,5 USD/test (khoảng 35.000 đồng). Nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỉ đồng”.

Giá các loại test kit xét nghiệm khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Trước thông tin phản ánh trên báo chí về giá test kit xét nghiệm COVID-19, sáng nay, ngày 29/9, Bộ Y tế đã thông tin chính thức về vấn đề này.

Bộ Y tế cho biết: Giá xét nghiệm phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành gồm: Giá của các test kit, vật tư xét nghiệm, chi phí thực hiện xét nghiệm. Có thể thấy, giá các loại test xét nghiệm khác nhau phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh cũng như sự khan hiếm của thị trường, giá tại thời điểm mua. Ví dụ như các loại test xét nghiệm đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Âu, Hoa Kỳ hoặc có xuất xứ từ châu Âu hay từ Hoa Kỳ thường có giá cao hơn mặt bằng chung giá test kit của các nước khác. Khi mua test kit vào thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp, căng thẳng ở nhiều nước, thị trường khan hiếm thì giá test kit xét nghiệm thường cao, số lượng mua càng lớn thì giá càng giảm.

Vì vậy, Bộ Y tế khẳng định: Không thể đánh đồng tất cả các loại test kit với nhau, cũng như không thể so sánh giá test kit xét nghiệm ở các thời điểm khác nhau mà phải phụ thuộc cả vào các yếu tố chất lượng (độ nhạy, độ đặc hiệu), tình hình diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu mua sắm test xét nghiệm trong nước và quốc tế.

Người dân được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Người dân được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Sẽ đưa test COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá

Theo Bộ Y tế, trong năm 2020 khi dịch COVID-19 trên thế giới có diễn biến phức tạp ở nhiều nước, nguồn cung và chủng loại các loại test xét nghiệm COVID-19 hạn chế, nhu cầu ở thị trường các nước lớn khiến cho giá các loại test xét nghiệm còn ở mức cao (test xét nghiệm khoảng 200.000đồng/test, test Real-time PCR gần 1.000.000đồng/test), Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ đưa ra hướng dẫn về giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/1 mẫu nghiệm, test Real-time PCR là 734.000 đồng/1 mẫu nghiệm.

Mức giá này được áp dụng cho tới trước ngày 1/7, được đề xuất trên cơ sở các quy định tại thông tư của Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong thông tư của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp.

Sau ngày 1/7, đối với test nhanh, do nhiều công ty nhập test và trong nước đã sản xuất được test xét nghiệm nên dải giá test rất khác nhau. Do đó, Bộ Y tế đã có yêu cầu thực hiện thực thanh thực chi - thanh toán theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu.

Mẫu xét nghiệm của người dân được phân loại, ghi chép cẩn thận (Ảnh - BYT)

Mẫu xét nghiệm của người dân được phân loại, ghi chép cẩn thận (Ảnh - BYT)

Bên cạnh đó, với hình thức gộp mẫu nhằm đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, cũng như tiết kiệm chi phí, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về mức giá của gộp mẫu, cụ thể: Mức giá của việc lấy và bảo quản bệnh phẩm: 100.000 đồng/mẫu. Ví dụ: mức giá việc thực hiện xét nghiệm bằng 634.000 đồng chia cho số mẫu gộp. (nếu gộp 5 mẫu vào 1 xét nghiệm thì chia 5, gộp 10 mẫu thì chia 10,...).

Bộ Y tế cũng đã hoàn thiện các loại định mức xét nghiệm và đã dự thảo thông tư về mức giá xét nghiệm xin ý kiến các Bộ, đơn vị để ban hành và tổng hợp ý kiến để đề nghị đưa test xét nghiệm COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá do chưa được quy định trong luật.

Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 loại test xét nghiệm

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký tạo cạnh tranh giảm giá, hằng tuần, Bộ Y tế đã tổng hợp và thường xuyên cập nhật, công bố danh sách sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được cấp số đăng ký lưu hành, cấp giấy phép nhập khẩu kèm theo thông tin về: đơn vị sản xuất/nhập khẩu, thông tin tóm tắt hiệu năng sản phẩm, khả năng cung ứng và giá bán do đơn vị sản xuất, cung ứng tự công bố và chịu trách nhiệm. Bộ Y tế đã công bố và cập nhật 9 lần (lần gần nhất tại công văn số 7878/BYT-TB-CT ngày 21/9)

Hiện, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 loại test xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 35 loại test xét nghiệm Real-time PCR, 39 loại test xét nghiệm kháng nguyên (33 loại test nhanh và 6 loại test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 loại test xét nghiệm kháng thể (4 loại test nhanh và 19 loại test chạy máy).

​Bộ Y tế chỉ tiếp nhận vật tư, sinh phẩm y tế, test kit xét nghiệm nhanh, test Real- time PCR qua các nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp

Thời gian qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều đơn vị trong và ngoài ngành y tế đã tiếp nhận vật tư, sinh phẩm, test kit xét nghiệm nhanh, test Real- time PCR của Cơ quan đại diện Chính phủ, Đại sứ quán, Lãnh sự quán các nước, các Hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, đại diện tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị sản xuất, phân phối, nhập khẩu và kinh doanh test xét nghiệm thực hiện công khai giá, cập nhật giá để các đơn vị và người dân dễ dàng tra cứu. Trước đó, vào ngày 11/8, Bộ Y tế đã có công văn gửi các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và cung ứng trang thiết bị y tế, nghiêm cấm việc tăng giá tùy tiện hoặc đầu cơ, tích trữ; thực hiện việc cập nhật, rà soát, công khai, minh bạch về giá trang thiết bị y tế trên cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế của Bộ Y tế và chịu trách nhiệm về giá công bố, tính chính xác, đầy đủ các thông tin liên quan đến hàng hóa theo quy định.

Cùng với đó, Bộ Y tế đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra các cơ sở, đơn vị và có nhiều văn bản gửi các đơn vị trong ngành y tế thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trôi nổi trên thị trường và hiện tượng lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để nâng giá, đội giá, đảm bảo chất lượng và giá cả thị trường.

Bộ Y tế đã có văn bản về việc chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm COVID – 19. Theo đó, trường hợp cơ sở y tế công lập thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng không thuộc phạm vi chi trả của BHYT và ngân sách nhà nước: Cơ sở y tế công lập thực hiện thu theo mức giá theo hướng dẫn của Bộ Y tế; không thực hiện mức giá dịch vụ theo yêu cầu đối với xét nghiệm COVID-19.

Cán bộ y tế làm việc ở phòng xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - BYT)

Cán bộ y tế làm việc ở phòng xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - BYT)

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố phải tăng cường thanh tra, kiểm tra. Trường hợp cần thiết báo cáo UBND cấp tỉnh chỉ đạo công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định về giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế tư nhân; yêu cầu các cơ sở y tế phải thực hiện việc xây dựng, quyết định mức giá và kê khai, công bố công khai giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo quy định của pháp luật về giá. Xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm COVID-19 nói riêng.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, triển khai đúng các văn bản của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 79, 86. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện, giá test xét nghiệm đang có xu hướng giảm dần. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do tình hình dịch COVID-19 trên thế giới giảm, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối, nhập khẩu và đơn vị trong nước sản xuất được và bán phi lợi nhuận thì có một phần rất lớn từ nguyên nhân chủ quan là do kết quả của sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế.

Tăng nguồn cung test xét nghiệm

Nhằm tăng nguồn cung test xét nghiệm, Bộ Y tế chủ động liên hệ hoặc thông qua kênh ngoại giao để họp, trao đổi, đàm phán trực tuyến với các nhà sản xuất test kit có uy tín trên thế giới để có thể mua lại test xét nghiệm với số lượng lớn và giá thấp nhất có thể, đồng thời, vận động các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước mua test kit chất lượng cao từ các nhà sản xuất uy tín trên thế giới và bán lại cho các địa phương, đơn vị trong nước với giá phi lợi nhuận, bằng với giá nhà sản xuất bán ra.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng vận động các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước tiếp cận để tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất test kit từ các nhà sản xuất ở châu Âu, Hoa Kỳ để có thể sản xuất ngay tại Việt Nam các sản phẩm có chất lượng cao với giá thấp để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch và chủ động nguồn cung trong nước.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã triển khai đấu thầu tập trung (thông qua Bệnh viện Nhi Trung ương) để có thể mua số lượng lớn với giá thấp nhất, qua đó làm cơ sở để các địa phương, đơn vị nghiên cứu, tham khảo trong việc đấu thầu, mua sắm test xét nghiệm.