Những tựa game hay nhất mọi thời đại trên Steam (Phần 5)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

VietTimes –  Steam là nền tảng chơi game hàng đầu thế giới với hàng nghìn tựa game khác nhau. Tuy nhiên, đâu mới là những tựa game xứng đáng để bạn trải nghiệm? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

Ở phần trước bạn đã được xem qua 12 tựa game được đánh giá rất cao trên Steam . Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm 3 game đáng chơi nhất trên nền tảng này nhé.

13. Final Fantasy XV

Giá: 34,99 USD

Ảnh: Tech Radar

Ảnh: Tech Radar

Final Fantasy XV lần đầu tiên được công bố vào năm 2006 với cái tên Final Fantasy XIII Versus và được cộng đồng để ý đến, có lẽ do lối chơi lôi cuốn và dàn nhân vật cực “ngầu” gồm 4 chàng trai, trái ngược với nhân vật nữ chính của tựa game này. Tuy nhiên, vì một vài lý do đội ngũ Square Enix đã quyết định hủy bỏ việc phát triển Final Fantasy XIII Versus và làm lại dưới cái tên Final Fantasy XV, dành cho PS4 và XBox One sau này là trên Steam. Đối với những game thủ trung thành với dòng game này họ đã phải đợi hơn 10 năm để được trải nghiệm siêu phẩm này. Vậy 10 năm họ chờ đợi liệu có xứng đáng?

Ở thời điểm ra mắt, dòng game theo hướng nhập vai thế giới mở đã dần trở thành xu hướng với hàng loạt bom tấn như The Witcher 3, Fallout. Bên cạnh đó những dòng game JRPG dần đã “lụi tàn” theo thời gian khi người chơi không còn quá ưa chuộng nữa. Vì vậy, Square Enix đã có một số thay đổi đáng kể so với những phiên bản trước tuy nhiên vẫn giữ lại được cái “chất” vốn có của dòng game JRPG.

Không còn là những cơ chế chiến đấu theo lượt, nay Square Enix như muốn tạo sự khác biệt cho dòng game khi gỡ bỏ lối chơi cũ và thay vào đó là hệ thống chiến đấu mới toanh: Active X Battle (hệ thống chiến đấu chủ động). Hơn nữa, chế độ này cho phép bạn tự do đụng độ với kẻ thù ngay trước mặt mà không phải ngẫu nhiên nhảy vào trận đấu một cách bất đắc dĩ như những phiên bản trước.

Tuy vậy, Final Fantasy XV vẫn khéo léo giữ lại một số “di sản” vốn đã nổi tiếng ở lối chiến đấu cũ như khi bạn dùng item, trò chơi sẽ tạm thời dừng lại để bạn sử dụng. Nhịp độ một trận đấu trong Final Fantasy XV diễn ra rất nhanh, không chỉ nhờ vào cơ chế chiến đấu Active X Battle mới, mà Square Enix còn cung cấp cho Noctis - nhân vật chính những kỹ năng khác giúp đưa tốc độ trận chiến lên đến đỉnh điểm. Ngoài lối đánh mới lại đẹp mắt cùng với hàng loạt kĩ năng mạnh mẽ của Noctis, nhà làm game vẫn giữ lại kĩ năng Summon (triệu hồi) là yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ tựa game Final Fantasy nào. Ở Final Fantasy XV cũng vậy, bạn có thể triệu hồi 4 vị thần: Shiva, Titan, Ramuh, Leviathan trong quá trình chiến đấu.

Final Fantasy XV đem đến cho bạn hàng loạt nhiệm vụ từ chính đến phụ với độ khó cao thấp khác nhau. Thêm vào đó, hệ thống Bounty Hunt cũng sẽ khiến bạn bận rộn không kém gì những nhiệm vụ kể trên, hệ thống này sẽ đưa cho bạn danh sách các quái vật cần tiêu diệt và phần thưởng mà nó đem lại cũng chính là nguồn thu nhập chính trong game. Square Enix còn khéo léo lồng ghép một số minigame vào đứa con cưng của mình. Điển hình như kỹ năng câu cá của Noctis, tuy không bắt chước toàn bộ hệ thống câu cá như một tựa game mô phỏng chuyên nghiệp nhưng vẫn đủ sức khiến bạn cảm thấy hứng thú. Hình ảnh và âm thanh của Final Fantasy XV gần như không có gì phải chê trách mọi thứ đều ở mức tuyệt vời, chúng kết hợp với nhau tạo nên bức tranh hình âm rất sống động.

Dẫu vậy, khá đáng tiếc khi Final Fantasy XV cũng gặp phải một số phê bình không đáng có từ người dùng. Đầu tiên, cốt truyện của game khá khó hiểu cho những ai chưa từng xem qua tựa phim Final Fantasy XV: Kingslaive hay Brotherhood: Final Fantasy XV. Không chỉ dừng lại ở đó, trong quá trình thưởng thức cốt truyện của game, hàng loạt những điểm bất hợp lý cần được giải thích thường xuyên xuất hiện nhưng cho đến khi kết thúc trò chơi, người viết vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng. Hệ thống chiến đấu mới tuy đột phá và tạo cho tựa game cảm giác khác lạ khi trải nghiệm nhưng nó vẫn tồn tại khuyết điểm không đáng có. Góc nhìn của Final Fantasy không quá tốt khi nhiều lúc di chuyển, tấn công nhanh camera thường xuyên chiếu vào những góc khuất khiến người chơi khó có thể theo được nhân vật.

Nhìn chung, đây vẫn là một tựa game rất đáng trải nghiệm trên Steam với hình ảnh, âm thanh và game play tuyệt vời. Final Fantasy XV hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn những phút giây giải trí thoải mái nhất.

14. Doom Eternal

Giá: 29,99 USD

Ảnh: Forbes

Ảnh: Forbes

Trước sự thất bại của Doom3 và Doom4 khiến cho trước khi Doom Eternal được ra mắt không ít game thủ vẫn giữ thái độ nghi ngại đối với tựa game này. Nhưng ngay vào ngày 20/3 - khi tựa game này ra mắt, tất cả sự nghi ngờ đó đã nhường chỗ cho sự hưng phấn tột cùng của game thủ.

Lối chơi của Doom Eternal vẫn không có gì khác biệt với những đàn anh đi trước. Game thủ vẫn được bước vào một màn chơi, nơi bạn phải tàn sát tất cả những con quỷ ngáng đường và giải một vài câu đó để hoàn thành màn chơi. Tuy nhiên, không giống như những tựa game trước thì nay nhân vật chính của chúng ta được cung cấp hàng loạt vũ khí hiện đại và ta phải sử dụng, phối hợp liên tục giữa chúng để tạo ra hiệu quả cao nhất.

Sẽ thật thiếu sót khi nói đến Doom Eternal mà không nhắc đến bối cảnh của tựa game. Không còn là Sao Hỏa hay Địa ngục như những tựa game trước nay Doom Eternal đã đưa ta đến một Trái Đất vừa quen thuộc lại vừa xa lạ. Khi chúng ta vẫn thấy được những cao ốc, biển quảng cáo, xe cộ... nhưng hiện nay nó bị bao trùm bởi dung nham và quái vật. Người chơi đánh giá rất cao về đồ họa và ngôn ngữ thiết kế của Doom Eternal.

Điểm trừ duy nhất của Doom Eternal là cốt truyện chưa thực sự hay. Trong game cũng không có quá nhiều những đoạn hội thoại mà chủ yếu tập trung vào lối chơi và hành động dồn dập. Ngoài ra khi chơi game vẫn hay bị giật, lag và gặp những lỗi vặt như văng game. Tuy nhiên, Doom Eternal vẫn xứng đáng là một trong những tựa game offline hay nhất năm 2020. Doom Eternal rất xứng đáng cho sự chờ đợi suốt 4 năm của các game thủ.

15. Half-Life: Alyx

Giá: 19,99 USD

Ảnh: Tech Radar

Ảnh: Tech Radar

Cách đây không lâu, khi Valve Software công bố sẽ ra mắt tựa game Half-Life: Alyx, tựa game này đã bị hoài nghi khá nhiều bởi Alyx là một trong những trò chơi tích hợp công nghệ thực tế ảo VR đầu tiên của Valve. Tuy nhiên, đây là trò chơi xứng đáng để nối tiếp thành công của Half-Life mà Valve đã để lại vào năm 2007.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Half-Life: Alyx được người chơi đánh giá rất cao về đồ họa. Đội ngũ kỹ sư và họa sĩ tạo nên tựa game này đã làm rất tốt khi gần như đã tái hiện lại City 17 với độ chính xác cao chưa từng có trong thế giới game thực tế ảo. Không thể không nhắc đến sự trải nghiệm thực tế ảo - VR trên tựa game này. Bạn thật sự được nấp, bắn và đôi khi bạn còn phải khuỵu gối để né đạn nữa. Ngoài ra, khi bạn muốn sử dụng gói hồi máu, bạn phải cắm nó vào ngực, vào đùi theo nghĩa đen để sử dụng nó và bóp lựu đan trong tay để kích hoạt chúng trước khi ném.

Trong hầu hết thời lượng tựa game, người chơi phải tìm đường để đi qua từng màn một và mỗi màn lại có những câu hỏi hóc búa khác nhau. Về cơ chế chiến đấu của Half-Life Alyx được mô phỏng vô cùng chân thực. Tựa game cung cấp cho bạn nhiều loại súng khác nhau cùng cách thức vận hành, ngắm bắn và nâng cấp vô cùng khác biệt.

Có lẽ điểm trừ duy nhất của tựa game này là dễ gây đau đầu, chóng mặt cho những người mới chơi giống như hàng loạt tựa game thực tế ảo khác. Về tổng thể, Half-life Alyx là ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu Game of The Year của năm 2020 này.

Dịch tổng hợp từ: Tech Radar, Digital Trends, Roadtovr, Forbes