Nhiều sai phạm trong quảng cáo của YouTube tại Việt Nam

Nhiều thương hiệu sản phẩm lớn tại Việt Nam đang chạy quảng cáo ngay trên các video YouTube có nội dung phản cảm, bạo lực, tuyên truyền thông tin xấu độc, chống phá chế độ.
Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do trả lời phỏng vấn VietNamNet. Ảnh: H.P.
Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do trả lời phỏng vấn VietNamNet. Ảnh: H.P.

Sau một thời gian giám sát, Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) – Bộ TT&TT – đã phát hiện tình trạng các thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh tại Việt Nam có những vi phạm nghiêm trọng trong các clip quảng cáo chạy trên YouTube. PV VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này.

- Ông có thể cho biết cụ thể những sai phạm mà Cục PTTH&TTĐT đã xác định được trong các quảng cáo chạy trên YouTube?

- Trong thời gian qua, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục PTTH&TTĐT đã phát hiện và giám sát một số nội dung quảng cáo chèn vào các video YouTube có nội dung phản cảm, bạo lực, tuyên truyền các thông tin xuyên tạc sự thật, chống phá nhà nước Việt Nam và bôi xấu hình ảnh các lãnh tụ, nguyên thủ của Việt Nam qua các thời kỳ.

Cụ thể, sau một quá trình theo dõi, giám sát, cơ quan chức năng phát hiện hai tình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng trên YouTube. Thứ nhất, đó là các clip có nội dung xấu độc trên YouTube lại xuất hiện quảng cáo của các nhãn hàng đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam, ví dụ như: Sản phẩm Vaseline, Comfort (Unilever); sản phẩm Pampers, Ariel (P&G); Vinhomes; Sendo (FPT), Samsung Việt Nam, Yamaha .v.v.

Nhiều sai phạm trong quảng cáo của YouTube tại Việt Nam ảnh 1
Quảng cáo Comfort xuất hiện bằng tiếng Việt trong video clip phản động bôi xấu hình ảnh lãnh đạo Đảng và nhà nước của Việt Nam. (ảnh chụp màn hình).


Thứ hai, dù người sử dụng đang xem các nội dung giải trí lành mạnh trên YouTube, chẳng hạn như ca nhạc trong nước, tính năng gợi ý video liên quan (Suggest) ở bên phải giao diện màn hình YouTue vẫn cố tình giới thiệu kèm thêm các clip chứa nội dung xấu độc, chống phá nhà nước Việt Nam.

Các nội dung quảng cáo nói trên đều đã được đăng ký, kiểm duyệt và cấp phép quảng cáo tại thị trường Việt Nam, có nội dung lành mạnh và đã xuất hiện trên các báo điện tử, các đài truyền hình. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các nội dung quảng cáo này lại được phát trong các clip xấu độc trên YouTube, có thể ngay đầu clip hoặc chèn giữa hay cuối nội dung clip. 

Qua nghiên cứu phân tích, cơ quan chức năng của Bộ TT&TT nhận thấy đây là sai phạm nghiêm trọng cần xử lý ngay. Việc xử lý các sai phạm này không chỉ trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, mà cần cả sự phối hợp của các bộ ngành khác, chẳng hạn như Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VH-TT-DL).

- Từ góc nhìn của cơ quan quản lý thì ai phải chịu trách nhiệm về các sai phạm này?

- Trách nhiệm trong các sai phạm này thuộc về đơn vị cho phát các đoạn quảng cáo này trong các video clip có nội dung xấu độc, cụ thể là mạng xã hội YouTube. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp sở hữu các sản phẩm được quảng cáo trên các video có nội dung xấu độc của YouTube cũng chịu trách nhiệm liên đới. Dù có ủy quyền thì các nhãn hàng không thể phó mặc hết cho Youtube muốn phát quảng cáo ở bất cứ đâu cũng được. 

Một ví dụ đơn giản, chẳng hạn như khi doanh nghiệp đặt biển quảng cáo ngoài trời và thuê một công ty bên thứ ba thực hiện, doanh nghiệp cũng cần biết rõ vị trí đặt quảng cáo là ở địa điểm nào, có đúng quy định pháp luật hay không, có làm ảnh hưởng tới sự an toàn của cộng đồng hay không. Khoản 5 điều 8 của Luật quảng cáo đã quy định rõ về việc hoạt động quảng cáo không được gây ảnh hưởng tới người xem và cộng đồng, không được ảnh hưởng tới sự tôn nghiêm của Quốc ca, Quốc kỳ, ảnh hưởng tới hình ảnh lãnh tụ, lãnh đạo Đảng và nhà nước…

Trách nhiệm liên đới tiếp theo thuộc về các công ty quảng cáo trung gian. Theo tìm hiểu của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp có thể mua quảng cáo trực tiếp với YouTube, nhưng cũng có thể mua gián tiếp thông qua các đại lý quảng cáo trung gian chuyên khai thác quảng cáo trên YouTube. Trong trường hợp này, các công ty quảng cáo trung gian cũng phải có trách nhiệm, không thể phó mặc cho YouTube muốn đặt quảng cáo ở đâu cũng được.

Tuy nhiên, trách nhiệm chính vẫn là của YouTube. Mạng xã hội chia sẻ video này có các thuật toán, công cụ kỹ thuật và hợp đồng với khách hàng quảng cáo để hướng quảng cáo tới những người dùng cụ thể. Tuy nhiên, từ góc độ của cơ quan quản lý, chúng tôi nghĩ rằng họ phải tuân thủ các quy định đối với pháp luật Việt Nam chứ không thể chỉ phục vụ hoàn toàn mục đích lợi nhuận.

- Ông có thể mô tả cụ thể hơn về sai phạm trong tính năng gợi ý video liên quan của YouTube?

 - Đối với tính năng gợi ý video liên quan (Suggest) của YouTube, một số nội dung xấu độc, không liên quan đến nội dung mà người dùng đang xem vẫn được YouTube đưa vào khu vực gợi ý các clip tương tự khác. Nhiều người sử dụng YouTube ở Việt Nam phản ánh tới Cục PTTH&TTĐT rằng khi họ đang xem nội dung lành mạnh như các clip ca nhạc thì ở cột phải giao diện YouTube lại giới thiệu một cách tình cờ các nội dung phản động hoặc bạo lực, gây ảnh hưởng xấu tới trẻ em. Những người phản ánh đề xuất cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp hạn chế và kiểm soát các nội dung này để không gây ảnh hưởng xấu tới cộng đồng sử dụng Internet tại Việt Nam.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, qua tìm hiểu thực tế, Cục PHTH&TTĐT nhận thấy hiện tượng được phản ánh là có thật, và những yêu cầu của người sử dụng tại Việt Nam về thông tin lành mạnh đối với YouTube nói riêng và các mạng xã hội nói chung là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi tin rằng để làm lành mạnh môi trường Internet VN, cần có sự vào cuộc của người sử dụng trong việc thông báo những thông tin xấu độc có hại để các cơ quan quản lý nắm bắt kịp thời.

- Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Cục PTTH&TTĐT sẽ xử lý các sai phạm này như thế nào?

- Về hướng xử lý trước mắt đối với các sai phạm nói trên, ngay sau khi có đầy đủ thông tin, bằng chứng các sai phạm, Bộ TT&TT đã có những chỉ đạo quyết liệt để xử lý ngay. Cụ thể, cơ quan chức năng đã đề nghị các đơn vị doanh nghiệp sở hữu các quảng cáo phải gỡ bỏ ngay các hình ảnh quảng cáo trên các video có nội dung xấu độc, đồng thời có báo cáo giải trình về lý do xảy ra những sai phạm này, dù là lý do khách quan hay chủ quan.

Thứ hai, chúng tôi cũng phối hợp Bộ VH-TT-DL để có những biện pháp xử lý đối với các công ty quảng cáo để không lặp lại tình trạng này.

Thứ ba, chúng tôi cũng đã có công văn mời làm việc khẩn với đại diện của YouTube và Google để phối hợp xử lý những sai phạm nói trên theo Thông tư số 38 của Bộ TT&TT về quản lý thông tin công cộng qua biên giới.

Về giải pháp lâu dài, vừa qua Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 38, trong đó quy định rất chi tiết về yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet, mạng xã hội ở nước ngoài khi khi cung cấp vào Việt Nam phải có biện pháp phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo vệ người dùng Internet và mạng xã hội ở Việt Nam trước thông tin xuyên tạc, bịa đặt, vi phạm thuần phong mỹ tục, xấu độc... Hiện chúng tôi đã triển khai lịch làm việc với nhiều nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, YouTube, Google và các dịch vụ mạng xã hội khác.

Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều đang phải đối mặt với vấn đề thông tin trên Internet sai sự thật, nội dung không lành mạnh, phản giáo dục ảnh hưởng tới người sử dụng, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, thiếu nhi. Mỗi quốc gia đều phải có những biện pháp để hạn chế và kiểm soát các nội dung này, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. 

Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng các biện pháp quản lý này nhằm bảo vệ và tạo nên môi trường Internet Việt Nam phát triển lành mạnh, bảo vệ người sử dụng Internet tại Việt Nam trước các thông tin xấu độc, đặc biệt là gây ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ. 

- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi.

Theo VietNamNet