Theo Washington Post, đã có ít nhất năm công ty, bao gồm các nhà bán lẻ như The North Face và trang web tuyển dụng Upwork đã tham gia chiến dịch tẩy chay #StopHateForProfit của các tổ chức công dân như NAACP (Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu - tổ chức dân quyền lớn nhất tại Mỹ), Anti-Defamation League.
“Hãy gửi thông điệp mạnh mẽ tới Facebook: Không bao giờ quảng bá sự thù địch, phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, bạo lực chỉ vì lợi nhuận”, nội dung lời kêu gọi. Ngoài ra, những tổ chức trên cũng yêu cầu các công ty dừng chi tiền cho quảng cáo trên Facebook và Instagram trong tháng 7.
Bê bối nhiều, Facebook vẫn thu nhập tỷ USD
Cho đến nay, nhiều sai lầm và bê bối của Facebook chẳng mấy ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh của mạng xã hội này.
Giới hoạt động nhân quyền nhận định Facebook sẽ không thay đổi chính sách của mình trừ khi bị đe dọa về tài chính. Những năm gần đây, doanh thu của công ty chỉ có tăng mà không giảm, ngay cả khi Facebook vướng vào hàng loạt vụ bê bối.
Năm 2019, công ty này đối mặt với sự chỉ trích toàn cầu vì cho phép các chính trị gia nói dối trên nền tảng của mình, đồng thời yếu kém trong quản lý, bảo mật quyền riêng tư của khách hàng. Tuy nhiên, cũng trong năm đó, Facebook thu được gần 70 tỷ USD doanh thu quảng cáo, tăng 27% so với năm 2018.
Ngay sau thông báo của The North Face, các nhà bán lẻ khác là Patagonia và REI cũng cho biết họ sẽ tẩy chay quảng cáo trên Facebook, điều cho thấy hành động của một công ty có thể gây ra hiệu ứng domino lên các đối thủ cạnh tranh.
"Khi nhiều công ty trên cả nước đang nỗ lực đảm bảo rằng người Mỹ có quyền tham gia các cuộc bầu cử tự do và công bằng, chúng tôi càng không thể đứng nhìn, đóng góp nguồn lực cho những công ty góp phần gây ra vấn đề đó", đại diện Patagonia trả lời.
Theo Wall Street Journal, 360i - một công ty quảng cáo lớn vận động khách hàng ủng hộ việc tẩy chay này. Trong tuần trước, chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng nói với những công ty dùng dịch vụ quảng cáo của Facebook rằng họ có ảnh hưởng rất lớn đến việc buộc mạng xã hội này giải quyết thông tin sai lệch.
"Các công ty sử dụng dịch vụ quảng cáo có quyền ngăn cản nền tảng này quảng bá thông tin nguy hiểm và thậm chí đe dọa đến tính mạng người khác", bà Nancy phát biểu tại một hội nghị.
Tồn đọng hạn chế
Đến nay, hầu hết công ty chỉ cam kết không sử dụng dịch vụ quảng cáo trong một tháng. Nhiều thương hiệu lớn vẫn chưa cho biết họ sẽ tham gia hay không. Hiện tại, số công ty tham gia tẩy chay chỉ là một phần nhỏ trong nhiều nhãn hàng đang chi tiền cho quảng cáo trên Facebook.
Facebook đã đầu tư nhiều khoản lớn để cải thiện hệ thống và các bộ phận có nhiệm vụ tìm ra nguồn gốc nội dung phân biệt chủng tộc, thông tin sai lệch về sức khỏe và các nội dung độc hại khác kể từ sau bê bối từ cuộc bầu cử năm 2016.
Tuy nhiên, gần đây công ty này hầu như không đưa ra biện pháp xử lý những bài đăng từ Tổng thống Trump dù nội dung một số bài vi phạm chính sách của họ. Điều này làm gia tăng căng thẳng với các nhà lãnh đạo nhân quyền và Đảng Dân chủ.
Cụ thể, Facebook không đưa ra giải quyết cho một bài đăng của ông Trump nói rằng “cướp bóc dẫn đến súng nổ”, trong khi Twitter gắn cờ bài viết này vì vi phạm chính sách của Twitter về tôn vinh bạo lực.
“Chúng tôi rất tôn trọng quyết định của bất kỳ thương hiệu nào và vẫn tập trung vào công việc quan trọng là loại bỏ ngôn từ kích động thù địch, cùng thông tin chỉ trích cuộc bầu cử”, Carol Carolyn Everson, phó Chủ tịch cấp cao tại Facebook tuyên bố.
“Những cuộc trò chuyện của chúng tôi với các nhà tiếp thị và tổ chức nhân quyền là về việc làm thế nào để có thể cùng nhau hành động cho những điều tốt đẹp hơn", ông Carol cho biết.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu