Cụ thể, tối ngày 13-5, nhóm hiệp sĩ đường phố đã phát hiện một nhóm người đang bẻ khóa xe SH dựng trước nhà. Khi tổ chức vây bắt, những đối tượng này ngay lập tức rút dao tự chế trong người và đâm vào nhóm hiệp sĩ, sau đó bỏ chạy về hướng ngã sáu Dân Chủ (quận 3).
Vụ việc đã khiến ba người tử vong và nhiều người khác bị thương. Phía công an đang trích xuất camera dọc theo tuyến đường để tiến hành truy bắt kẻ gây án.
Ngay lập tức, trên Facebook đã xuất hiện khá nhiều tài khoản giả mạo nạn nhân bị cướp xe SH, đăng tải các nội dung gây sốc và thách thức dư luận nhằm câu Sub (lượt người theo dõi) và câu Fame (danh tiếng).
Nhiều Facebook giả mạo được lập ra. Ảnh: TIỂU MINH
Đa số ai cũng muốn mình được nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, không phải ai cũng đi lên bằng chính thực lực của mình, thay vào đó, họ lợi dụng người khác, nói xấu, giả mạo Facebook… hoặc làm mọi cách để kiếm danh tiếng từ người khác. Khi đã có lượng người theo dõi và danh tiếng nhất định, những tài khoản giả mạo này sẽ được đổi tên và bán lại cho những người có nhu cầu kinh doanh, bán hàng trên Facebook.
Facebook giả mạo nạn nhân đăng tải nhiều bài viết gây sốc, tuy nhiên không nhiều người nhận ra đây chỉ là Facebook giả mạo. Ảnh: TIỂU MINH
Nếu đã từng bán hàng trên Facebook, chắc chắn bạn sẽ hiểu được sự khổ sở khi mới bắt đầu, đăng ảnh sản phẩm chẳng ai thèm ngó ngàng, phải xin tham gia các group hoặc chạy quảng cáo nhưng hiệu quả lại không cao. Trong khi đó, nếu tài khoản có nhiều người theo dõi hoặc danh tiếng cao, việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Chính vì vậy mà nhiều người sử dụng đủ mọi chiêu trò để câu Fame, câu Sub bất chấp dư luận để sau đó bán tài khoản kiếm lợi hoặc tăng khả năng bán hàng trên Facebook.
Để tránh bị cuốn vào vòng xoáy tranh luận trên Facebook, người dùng cần để ý kĩ thời gian lập Facebook, theo dõi các bài viết đăng tải trước đó… để xác định đâu là tài khoản thật và đâu là giả mạo nhằm tránh bị dắt mũi trên mạng.
Theo PLO