Nhật Bản thông qua kế hoạch xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra đại dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhật Bản thông qua kế hoạch bắt đầu xả 1,5 triệu tấn nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào đại dương trong năm 2023, phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản cho biết.
Khu vực Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tháng 4/2022. Ảnh Kyodo News /AP File.
Khu vực Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tháng 4/2022. Ảnh Kyodo News /AP File.

Theo tuyên bố này, Nhật Bản sẽ bắt đầu xả nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân, bị sóng thần tàn phá năm 2011 ra Thái Bình Dương vào khoảng “mùa xuân hoặc mùa hè năm nay”.

Kế hoạch đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tán thành, nhưng chính phủ cho biết Tokyo sẽ đợi “một báo cáo toàn diện” từ cơ quan giám sát của Liên Hợp Quốc trước khi công bố.

Tháng 3/2011, trận động đất lớn dưới đáy biển ngoài khơi bờ biển Nhật Bản đã gây ra một cơn sóng thần khổng lồ. Vào thời điểm đó, 2 trong số 6 lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi đang hoạt động. Khi những con sóng khổng lồ tràn ngập các máy phát điện dự phòng, hệ thống làm mát bị hỏng, khiến các lò phản ứng rơi vào tình trạng tan chảy.

Mỗi ngày, nhà máy sản xuất 100m³ nước bị ô nhiễm, hỗn hợp của nước ngầm, nước biển và nước được sử dụng để làm mát các lò phản ứng kể từ sau vụ tan chảy.

Nguồn nước này sau đó được lọc để loại bỏ các hạt nhân phóng xạ khác nhau và chuyển đến bể chứa. Nhưng với hơn 1,3 triệu m­3 lưu trữ tại chỗ, không gian sử dụng đã không còn khả năng lưu trữ thêm.

“Xả nước đã qua xử lý ra biển là một giải pháp thực tế,” Thủ tướng Yoshihide Suga phát biểu tại một cuộc họp Nội các. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo nước vượt xa tiêu chuẩn an toàn.”

Nước sẽ được lọc một lần nữa và pha loãng trước khi thải ra ngoài để đảm bảo mức độ của những hạt phóng xạ nhất đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia. Sau đó, nước sẽ được xả vào Thái Bình Dương thông qua một đường ống dài 1 km (0,6 dặm) dưới nước.

Ngoài ra, một quan chức chính phủ Nhật Bản làm rõ, việc xả nước thải thử nghiệm dần dần có thể bắt đầu sau 2 năm và phải mất tới 40 năm để hoàn thành.

Nhưng kế hoạch đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước láng giềng, những quốc gia Thái Bình Dương và cộng đồng ngư dân địa phương. Người dân và các quốc gia ven Thái Bình Dương lo ngại nước xả thải sẽ ảnh hưởng đến sinh kế và khai thác nguồn thủy sản. Các nhà khoa học biển cũng bày tỏ lo ngại về tác động có thể có của việc xả thải đối với sinh vật biển và nghề cá.

Henry Puna, tổng thư ký của Diễn đàn Đảo Thái Bình Dương đã nói với trang tin tức Stuff: “Các dân tộc Thái Bình Dương là những dân tộc ven biển và đại dương là một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống mưu sinh của những quốc gia này.

“Chúng tôi đã đồng ý rằng chúng tôi có quyền truy cập vào tất cả các bằng chứng khoa học độc lập và có thể kiểm chứng trước khi việc xả thải này diễn ra. Nhưng Nhật Bản đã không hợp tác.”

IAEA cho biết việc xả thải nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukyshima đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn quốc tế và "sẽ không gây ra bất kỳ tác hại nào đối với môi trường".

Vụ tan chảy Fukushima được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau thảm họa Chernobyl, Ukraine tháng 4/1986, dẫn đến việc Tokyo phải tuyên bố sơ tán dân cư trong khu vực 30 km xung quanh nhà máy Nhật Bản. 7 năm sau thảm họa, một báo cáo của Greenpeace cho thấy, mức độ phóng xạ trong khu vực lân cận tiếp tục cao hơn bình thường tới 100 lần.

Doanh nghiệp điều hành nhà máy, Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) hiện đang tham gia vào nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ để ngừng hoạt động của nhà máy, 4 giám đốc điều hành của công ty gần đây đã bị tòa án yêu cầu nộp phạt khoảng 13 nghìn tỷ yên (80 tỷ bảng Anh) đền bù thiệt hại vì đã bỏ qua cảnh báo sóng thần.

Theo E&T