Nhật Bản phóng thử nghiệm thành công H3 - tên lửa thám hiểm, chinh phục Mặt Trăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sau lần phóng thất bại vào năm ngoái, tên lửa vận tải kiểu mới H3 của Nhật Bản cuối cùng đã phóng thử thành công vào ngày 17/2, mở ra trang mới cho công cuộc thám hiểm, chinh phục Mặt Trăng.

Khoảnh khắc tên lửa H3 rời bệ phóng hôm 17/2 (Ảnh: Kyodo).
Khoảnh khắc tên lửa H3 rời bệ phóng hôm 17/2 (Ảnh: Kyodo).

Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản vào tháng trước (1/2024) vừa thực hiện được một cuộc "hạ cánh nhẹ nhàng" của tàu thăm dò xuống bề mặt Mặt Trăng. Tên lửa mới H3 được thử nghiệm thành công lần này từ nay về sau sẽ phóng các tàu thăm dò cho dự án thám hiểm mặt trăng chung Nhật Bản - Ấn Độ và phóng các tàu vũ trụ chở hàng cho chương trình thám hiểm mặt trăng Artemis do Mỹ dẫn đầu.

Vào lúc 9h22 sáng theo giờ địa phương ngày 17/2, tên lửa vận tải H3 đã được phóng từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở miền nam Nhật Bản. Sau khi tên lửa thả thành công một vệ tinh nhỏ, các nhà khoa học tại trung tâm vũ trụ đã reo hò, đập tay và ôm chầm lấy nhau. Nhà nghiên cứu Masashi Okada của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), người chịu trách nhiệm phát triển tên lửa mới trong hơn một thập kỷ qua, phát biểu một cách ví von trong cuộc họp báo sau đó: "Tên lửa mới H3 đã cất lên tiếng khóc chào đời đầu tiên. Chúng ta cần phải nhanh chóng bắt tay chuẩn bị cho nhiệm vụ phóng tiếp theo".

Theo kế hoạch, tên lửa H3 sẽ thay thế mẫu tên lửa H-IIA đã phục vụ hơn 20 năm và loại tên lửa cũ này sẽ chính thức tuyên bố ngừng phục vụ sau khi thực hiện nốt hai nhiệm vụ phóng cuối. Việc phóng thử thành công H3 cũng giúp JAXA không rơi vào tình thế lúng túng “không có sẵn tên lửa để sử dụng” như Cục Vũ trụ châu Âu (European Space Agency, ESA) trước đây. Sau khi tên lửa Ariane-5 của Cục Vũ trụ châu Âu ngừng hoạt động vào tháng 7 năm ngoái, tên lửa Ariane-6 vốn dự kiến thực hiện ​​phóng lần đầu tiên vào năm 2020 đã tụt lại rất xa với tuyên bố mới nhất là phấn đấu phóng được trong năm 2024.

tau-tham-do-moon-sniper-1549.png
Tàu thăm dò Moon Snipe của Nhật hạ cánh xuống Mặt Trăng (Ảnh: DPA).

Trong lần phóng thử nghiệm đầu tiên hồi tháng 3 năm ngoái, động cơ giai đoạn (tầng) thứ 2 của tên lửa H3 đã không điểm hỏa được, buộc các nhân viên điều khiển dưới mặt đất phải phá hủy tên lửa 14 phút sau khi nó rời bệ phóng. 5 tháng trước, tên lửa cỡ nhỏ Epsero của JAXA cũng thất bại trong việc phóng thử nghiệm. Bước sang năm 2024, ngành hàng không vũ trụ Nhật Bản dường như đã trở lại đúng quỹ đạo. Cách đây không lâu, một tàu thăm dò không người lái mang tên “Moon Sniper” của Nhật Bản đã hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng, đưa nước này trở thành quốc gia thứ 5 đạt được thành tích này sau Mỹ, Liên Xô/Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Tên lửa kiểu mới H3 dài 63 mét và có thể mang tải trọng lên tới 6,5 tấn. Tên lửa mới này sử dụng cấu trúc đơn giản hơn và sử dụng rộng rãi các thiết bị điện tử ở cấp xe hơi. JAXA hy vọng sẽ giảm chi phí cho một lần phóng xuống mức 5 tỉ yen (khoảng 33 triệu USD), chỉ bằng một nửa so với một vụ phóng tên lửa kiểu cũ H-IIA.

Nhà sản xuất tên lửa Mitsubishi Heavy Industries hy vọng chi phí phóng thấp cũng sẽ thu hút được các khách hàng quốc tế. Khoảng 20 tàu vũ trụ của Nhật Bản dự kiến ​​sẽ được phóng bằng tên lửa H3 trước năm 2030, trong đó có vụ phóng tàu thăm dò mặt trăng LUPEX do Nhật Bản và Ấn Độ cùng phát triển vào năm 2025. Ngoài ra, H3 trong tương lai cũng sẽ phóng tàu vũ trụ chở hàng cho chương trình thám hiểm mặt trăng Artemis do Mỹ đứng đầu. Mitsubishi Heavy Industries cho biết mục tiêu dài hạn của công ty là phóng 8 đến 10 tên lửa loại này mỗi năm, nhưng năng lực sản xuất hiện tại của công ty hiện chỉ ở mức từ 5 đến 6 tên lửa mỗi năm.

ten-lua-h3-4730.jpg
Mô hình tên lửa H3 (Ảnh: Kyodo).

Tên lửa vận tải H3 là hệ thống sử dụng một lần. Cốt lõi của tên lửa H3 bao gồm hai tầng với động cơ sử dụng nhiên liệu đẩy tên lửa lỏng kết hợp hydro lỏng và oxy lỏng trong khi động cơ đẩy chính sử dụng thuốc phóng rắn. Tên lửa được phóng từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima. Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi và Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ (JAXA) chịu trách nhiệm thiết kế, chế tạo và vận hành H3.

Về thông số, tên lửa có thể đưa trọng tải không quá 4.000 kg vào quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) với mức giá khoảng 5 tỉ yen; đưa vật thể nặng không quá 4.000 kg (8.800 pound) vào quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO), vật thể hơn 6.500 kg vào Quỹ đạo chuyển động địa tĩnh (GTO). Cấu hình H3-24 sẽ có khả năng đưa trọng tải hơn 6.000 kg lên Quỹ đạo dịch chuyển mặt trăng (TLI) và 8.800 kg trọng tải tới Quỹ đạo dịch chuyển địa tĩnh (GTO).

Các thông số chính của tên lửa H3: dài (cao): 63m; đường kính: 5,27m; trọng lượng 574 tấn. Động cơ chính: SRB-3 sử dụng thuốc phóng rắn; tầng 1: 2 hoặc 3 động cơ LE-9 sử dụng nhiên liệu lỏng; tầng 2: 1 động cơ LE-5B-3 sử dụng nhiên liệu lỏng.

Tên lửa đã thực hiện 2 lần phóng thử. Lần thứ nhất ngày 7/3/2023 mang theo vệ tinh Khoa học thử nghiệm ALOS-3 (DAICHI-3) đưa lên Quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời (SSO), nhưng thất bại. Lần thứ hai ngày 17/2/2024 mang theo vệ tinh VEP-4 đưa vào Quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời thành công.

Theo Deutsche Welle