Tờ Chinanews Trung Quốc cho hay Cố vấn nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi đang có chuyên thăm Nhật Bản, thời gian thăm từ ngày 1 đến ngày 5/11/2016.
Trong thời gian chuyến thăm, ngoài hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe và Ngoại trưởng Fumio Kishida, bà Aung San Suu Kyi sẽ còn gặp gỡ lãnh đạo giới doanh nghiệp Nhật Bản để thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Myanmar.
Báo chí Nhật Bản cho rằng bà Aung San Suu Kyi chủ trương thực hiện hòa bình toàn diện giữa các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số và quân đội chính phủ, đồng thời coi phát triển kinh tế là chính sách quan trọng.
Do đó, Nhật Bản đẩy nhanh viện trợ kinh tế và đầu tư là một nhân tố không thể thiếu.
Hãng tin Kyodo, Nhật Bản ngày 2/11 cho hay vào buổi chiều tối cùng ngày tại Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe đã tổ chức hội đàm với bà Aung San Suu Kyi. Ông Shinzo Abe cho biết trong 5 năm tới, Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ cung cấp viện trợ 800 tỷ yên (khoảng 7,8 tỷ USD) cho Myanmar.
Bà Aung San Suu Kyi bày tỏ hoan nghênh đối với vấn đề này, cho rằng điều này sẽ có lợi cho phát triển đất nước Myanmar. Ông Shinzo Abe còn cho biết trong 5 năm tới sẽ còn cung cấp 40 tỷ yên dùng để viện trợ cho các dân tộc thiểu số Myanmar.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 2/11 cho rằng trong bối cảnh Myanmar có chính quyền mới dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi, Nhật Bản muốn tăng cường quan hệ kinh tế với Chính phủ mới của Myanmar, cam kết cung cấp viện trợ to lớn cho Myanmar.
Khi bắt đầu hội đàm, ông Shinzo Abe cho biết "hy vọng cùng bà (Aung San Suu Kyi) bắt tay thúc đẩy quan hệ hai nước có bước phát triển nhảy vọt", đồng thời cho biết sau khi thực hiện cải cách, Myanmar và Nhật Bản có cùng các quan niệm giá trị cơ bản như quyền cơ bản của con người và pháp chế, Nhật Bản sẽ tiến hành hỗ trợ cho các nỗ lực của Myanmar.
Bà Aung San Suu Kyi cho biết: "Myanmar đang viết nên một chương mới trong lịch sử. Tin rằng có thể tiếp tục cùng Nhật Bản bắt tay tiến bước như là một đối tác đáng tin cậy", đồng thời cho biết "dựa vào cơ hội này, bày tỏ cảm ơn đối với việc Nhật Bản cung cấp viện trợ cho sự phát triển của Myanmar".
Myanmar có tài nguyên thiên nhiên phong phú, hiện có khoảng trên 300 doanh nghiệp Nhật Bản tiến hành đầu tư làm ăn ở Myanmar.
Trong cuộc họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: “Myanmar là một quốc gia pháp trị... đây là quan niệm giá trị chung của hai bên”.
Đồng thời, ông Shinzo Abe cho biết Nhật Bản cung cấp chi viện toàn diện cho Myanmar để thúc đẩy hòa bình và giải quyết vấn đề đói nghèo ở trong nước.
Ông Shinzo Abe cho biết trong 5 năm tới Nhật Bản sẽ cung cấp chi viện kinh tế trị giá 40 tỷ yên cho các dự án thủy điện và các khu vực dân tộc thiểu số của Myanmar.
Đồng thời, trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ dành 800 tỷ yên viện trợ kinh tế để hỗ trợ Myanmar xây dựng hạ tầng cơ sở và hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đến Myanmar đầu tư làm ăn.
Tại cuộc họp báo, bà Aung San Suu Kyi cho rằng sự chi viện của Nhật Bản có đóng góp to lớn đối với xây dựng nền hòa bình và phát triển đất nước của Myanmar, đồng thời bày tỏ cảm ơn Nhật Bản.
Trong chuyến thăm lần này, bà Aung San Suu Kyi sẽ còn hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, thăm hỏi Thiên hoàng Nhật Bản; đồng thời đến thăm Đại học Kyoto – nơi bà Aung San Suu Kyi từng đến học trong vòng 10 tháng hồi năm 1985, khi đó bà được trao bằng Tiến sĩ.