Nhà khoa học thế hệ 8x đầu tiên của Việt Nam được trao giải thưởng mang tên Noam Chomsky là ai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Ngày 9/12, tại lễ trao Giải kết nối toàn cầu Noam Chomsky năm 2020 diễn ra tại trụ sở Hiệp hội các nhà nghiên cứu Hàn lâm Liên quốc gia (STAR) ở Mỹ, một nhà khoa học Việt Nam đã được xướng tên ở hạng mục Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu 2020.

PGS. Trần Xuân Bách nhận Giải thưởng kết nối toàn cầu mang tên Noam Chomsky ở hạng mục 'Ngôi sao toả sáng thành tựu nghiên cứu'
PGS. Trần Xuân Bách nhận Giải thưởng kết nối toàn cầu mang tên Noam Chomsky ở hạng mục 'Ngôi sao toả sáng thành tựu nghiên cứu'

Người được xướng giải là một Phó giáo sư trẻ tuổi của Đại học Y Hà Nội

Giải thưởng kết nối toàn cầu Noam Chomsky ra đời tháng 10 năm 2020 nhằm tôn vinh sức mạnh của việc kết nối con người, vinh danh những cá nhân có ảnh hưởng sâu sắc, thúc đẩy sự phát triển xã hội và dịch chuyển toàn cầu.

Trần Xuân Bách - Phó trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y tế dự phòng, Trường Đại học Y Hà Nội và là giáo sư kiêm nhiệm (adjunct professor) Đại học John Hopkins (Mỹ) là một trong 2 người (người kia là PGS.TS Trần Thị Lý, người Việt, sống và làm việc tại Đại học Deakin, Australia) được trao Giải thưởng kết nối toàn cầu Noam Chomsky ở hạng mục 'Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu' năm nay, vì anh có các nghiên cứu áp dụng mô hình kinh tế - dịch tễ học để khám phá các yếu tố quyết định sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm, đánh giá mức độ dễ bị tổn thương của các quốc gia, xác định hệ thống đáp ứng có tính chi phí - hiệu quả cao và các chiến lược kiểm soát dựa trên tâm lý - xã hội - và hành vi của con người.

Mặc dù chúng tôi có mối quan hệ khá thân thiết, nhưng nhà khoa học trẻ vẫn lắc đầu khi biết tôi muốn viết về anh. Liên lạc với GS.TSKH. Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước- người khá hiểu về công việc khoa học của PGS.TS. Trần Xuân Bách, thì lại được ông chia sẻ những thông tin thú vị về Noam Chomsky.

GS.TSKH. Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước
GS.TSKH. Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước

GS. Trần Văn Nhung cho biết: "Tôi rất mừng khi thấy PGS. Trần Xuân Bách nằm trong số ít người trên thế giới được nhận giải Noam Chomsky. Mừng nhưng tôi không ngạc nhiên, vì Trần Xuân Bách là một trong các GS, PGS Việt Nam trẻ, giỏi, tích cực tham gia, cống hiến và góp phần chăm lo sức khỏe cho cộng đồng. Những nghiên cứu y học và ứng dụng mà PGS.Trần Xuân Bách cùng các đồng nghiệp ở Đại học Y Hà Nội, các đồng nghiệp Việt Nam và quốc tế tiến hành trong thời gian qua, cũng như nỗ lực của anh tại các cơ sở y tế ở những vùng khó khăn trong cả nước, đã góp phần cùng cộng đồng khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19. Nhà khoa học giỏi phải dấn thân, hy sinh vì Tổ quốc và con người, và PGS. Bách là một trong những người như thế.

Giải thưởng kết nối toàn cầu Noam Chomsky, đặt theo tên một nhà khoa học lớn người Mỹ (cha mẹ ông là người Nga, gốc Do Thái, tới Mỹ năm 1913). "Chomsky là nhà nghiên cứu ngôn ngữ hàng đầu thế giới, đa tài trên nhiều lĩnh vực và có nhiều cống hiến, kết nối nhân loại. Uy tín của nhà bác học Chomsky đã được toàn thế giới khẳng định. Điều cần phải nói thêm: Ông là nhà khoa học thiên tài nhưng luôn dấn thân vì cộng đồng, vì nhân loại tiến bộ. Đó mới là mục đích nhân văn cuối cùng của khoa học. Vì thế những người được trao giải thưởng mang tên ông, rất vinh dự.” - GS. Trần Văn Nhung nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Xuân Bách

PGS.TS Trần Xuân Bách

Uy tín chuyên môn cao ở cả Việt Nam và Mỹ

Ở tuổi 36, nhưng PGS.TS Trần Xuân Bách từ lâu đã khẳng định được mình. Năm ngoái, anh là người Việt Nam duy nhất trong lĩnh vực y tế công cộng được bổ nhiệm chức danh giáo sư kiêm nhiệm của Đại học Johns Hopkins. Đây là niềm tự hào của y học Việt Nam, vì Đại học Johns Hopkins có quy chế xét phong học hàm giáo sư cơ hữu và kiêm nhiệm rất chặt chẽ. Ứng viên phải được hai Hội đồng cấp khoa và trường thẩm định, ngoài ra còn trải qua vòng phản biện kín và độc lập của các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.

Hiện, PGS.TS Trần Xuân Bách còn là giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học ở Úc, Canada, châu Âu, Singapore v.v. Anh thường xuyên đi giảng dạy ở nhiều nước, có nhiều công bố nghiên cứu khoa học có giá trị trong phát triển y tế toàn cầu. Các nghiên cứu của PGS.TS. Trần Xuân Bách tập trung vào tính chi phí và hiệu quả của can thiệp y tế, các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong y học, y học hành vi và sức khỏe tâm thần, các chính sách kiểm soát dịch bệnh toàn cầu v.v.

Trước đó, năm 2011, PGS.TS Trần Xuân Bách đã bảo vệ luận án tiến sĩ loại xuất sắc tại Đại học Alberta, Canada và học sau tiến sĩ tại Đại học Johns Hopkins năm 2013. Năm 2016, anh được biết tới là phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam - được phong học hàm phó giáo sư khi mới 32 tuổi.

Nhà khoa học trẻ Trần Xuân Bách
Nhà khoa học trẻ Trần Xuân Bách

Năm 2014, anh được chọn là lãnh đạo trẻ về Y tế khu vực châu Á của Hội đồng các Viện Hàn lâm quốc tế (IAP); tham gia giảng dạy chương trình lãnh đạo trẻ về y tế thế giới của Viện Hàn lâm Y học New York và Hội đồng các Viện hàn lâm quốc tế, chủ trì phiên họp về lãnh đạo Y tế công cộng tương lai tại Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới tại Berlin (Đức) năm 2015. Anh cũng đại diện cho các lãnh đạo trẻ về Y tế thế giới của IAP tham dự Đại hội đồng Y tế thế giới của LHQ tại Thụy Sĩ.

PGS.TS Trần Xuân Bách đã được Đại học Alberta, Canada trao Giải thưởng Khởi đầu sự nghiệp vào năm 2017. Năm 2018, anh được bầu vào Hội đồng điều hành Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu, thuộc Viện Hàn lâm quốc gia Đức (Leopoldina).

PGS.TS Trần Xuân Bách (thứ ba từ phải sang) trong chuyến công tác ở vùng cao đầu tháng 12/2020

PGS.TS Trần Xuân Bách (thứ ba từ phải sang) trong chuyến công tác ở vùng cao đầu tháng 12/2020

Không chỉ làm khoa học, giảng dạy, PGS. Trần Xuân Bách còn tham gia các hoạt động xã hội. Anh hiện là Ủy viên BCH Trung ương Đoàn TNCS HCM; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.

Việc PGS. Trần Xuân Bách trở thành giáo sư kiêm nhiệm của Đại học Johns Hopkins – trường đại học hàng đầu thế giới về lĩnh vực Y tế công cộng, nay lại được trao giải Noam Chomsky, đã không chỉ chứng tỏ tài năng của nhà khoa học trẻ Việt Nam, mà còn cho thấy tiềm năng của nền khoa học Việt đã và đang tiệm cận với những giá trị khoa học thế giới.

Dấu ấn Noam Chomsky với Việt Nam

Theo GS. Trần Văn Nhung, vốn hiểu biết về những công trình của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực toán học, ngôn ngữ học v.v., GS. Noam Chomsky luôn đánh giá cao, vì theo ông, các nhà khoa học Việt Nam có thể thực hiện các nghiên cứu trong điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn của Việt Nam nhưng vẫn đạt những kết quả được thế giới công nhận.

Đặc biệt, GS. Trần Văn Nhung còn chia sẻ thêm: GS. Noam Chomsky năm nay 92 tuổi, là một trong những học giả đương đại xuất sắc nhất. Là tác giả của hơn 100 cuốn sách về ngôn ngữ học, chính trị, chiến tranh, truyền thông đại chúng, Noam Chomsky là một trong các tác giả hiếm hoi được trích dẫn nhiều nhất ngay khi ông còn sống...

Không chỉ được đánh giá là một trí thức “quái kiệt”, nhà ngôn ngữ học hàng đầu thế giới ở thế kỷ XX, GS. Noam Chomsky còn được biết tới là một trong những trí thức tiêu biểu đầy tinh thần dấn thân và dấn thân bằng các hoạt động xã hội. Từ cuối những năm 1960, Chomsky đã là một trí thức lớn của Mỹ lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Năm 1970, sang thăm Việt Nam lần đầu tiên và giảng bài tại Trường Đại học Bách Khoa, ông rất lấy làm thú vị và ngạc nhiên khi thấy các nhà khoa học Việt Nam quan tâm nhiều đến khoa học hơn là chiến tranh đang diễn ra.

GS. Noam Chomsky trên bìa cuốn "Nhận diện quyền lực" nổi tiếng mà ông là tác giả
GS. Noam Chomsky trên bìa cuốn "Nhận diện quyền lực" nổi tiếng mà ông là tác giả

“Có một chi tiết rất thú vị mà tôi được nghe. Những bài giảng của GS. Chomsky tại Việt Nam năm 1970 rất khó, vì những ứng dụng của toán học hiện đại vào ngôn ngữ học. Khi dịch thuật Anh - Việt - Anh đang gặp khó khăn và trục trặc, thì có một ông già bước từ phía dưới lên dịch thay. Nhìn thái độ tự tin, mạch lạc của ông dịch giả già tự nguyện và sự tiếp nhận hồ hởi của thính giả, GS. Chomsky rất ngạc nhiên. Các bạn có biết dịch giả già đó là ai không? Đó là GS. Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

“Tại sân bay Việt Nam trước khi về lại Mỹ, giáo sư Chomsky nói: Tôi đã đi giảng bài ở nhiều nước trên thế giới và đã gặp nhiều người, nhưng một Bộ trưởng uyên thâm như giáo sư Tạ Quang Bửu thì tôi chưa từng gặp. Giáo sư, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu còn giúp dịch Pháp - Việt - Pháp nhiều báo cáo khoa học khó khi các nhà khoa học Pháp đến Việt Nam. Ở nước ta, một số nhà khoa học giỏi đã tích cực góp phần dịch và phổ biến những tư tưởng lớn, cuốn sách quý của giáo sư Chomsky vào Việt Nam, như GS.TS Nguyễn Đức Dân, GS.TS Hoàng Văn Vân, ...” - GS. Trần Văn Nhung kể lại.

Đón đọc bài trên VietTimes về nguồn gốc, diễn biến của giải thưởng Chomsky Global Connections Awards và mối quan hệ của giải thưởng này với nhà khoa học tài danh đương đại Noam Chomsky.

PGS.TS. Trần Xuân Bách hiện là thành viên Các mạng lưới kết nối tri thức toàn cầu và là Tổng thư ký Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu của Trung ương Đoàn.

Năm 2018, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất được tổ chức với chủ đề: “ Phát huy sức mạnh trí thức trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0”. Tại buổi lễ, PGS. TS. Trần Xuân Bách đã phát biểu: “...mỗi trí thức trẻ đều mang một sứ mệnh đi tiên phong, là đại sứ của tinh thần thanh niên xung kích trong khoa học và công nghệ, để lan tỏa, mở rộng đội hình, nuôi dưỡng, bồi đắp các ý tưởng, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, cộng hưởng để phát triển.”

Năm 2019, tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần 2 với chủ đề: “Hướng đến các mục tiêu Phát triển Bền vững Đất nước”, PGS.TS. Trần Xuân Bách nêu quan điểm: “Chúng ta không thể chỉ làm khoa học bằng đôi-tay và khối-óc! Hãy mở tất cả các giác-quan, để trái-tim có thể lắng nghe được những đòi hỏi của cuộc sống! Để ta bình thản đến với thử-thách! Để những nỗ lực và hy sinh trong khoa học sẽ tạo ra những giá trị xã hội rộng lớn hơn! Cho con người, cho dân tộc và đất nước!”

Năm 2020, tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần 3 với chủ đề: “Việt Nam 2045”, PGS.TS. Trần Xuân Bách chia sẻ: Khát vọng Việt Nam 2045 hiện đại và thịnh vượng đặt ra với thanh niên hôm nay, không chỉ còn là mong ước hay lựa chọn, mà là một sứ mệnh có tính lịch sử.