Đây thực sự là niềm tự hào của y học Việt Nam, vì được "lọt" vào danh sách giáo sư kiêm nhiệm của Đại học Johns Hopkins không hề dễ dàng và rất hiếm ở các nước đang phát triển. Như các trường đại học danh giá ở Mỹ, Đại học Johns Hopkins có quy chế xét phong học hàm GS cơ hữu và kiêm nhiệm rất chặt chẽ. Ứng viên phải được hai hội đồng cấp khoa và trường thẩm định, ngoài ra còn trải qua vòng phản biện kín và độc lập của các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.
PGS.TS Trần Xuân Bách được giới thiệu trên website của Đại học Johns Hopkins
|
Trần Xuân Bách từng là cái tên rất "hot" trên báo chí khi anh được phong học hàm PGS lúc mới 32 tuổi và là PGS trẻ nhất Việt Nam thời điểm đó. PGS.TS Trần Xuân Bách cho biết anh từng học sau tiến sĩ vào năm 2013 tại Đại học Johns Hopkins. Hiện anh cũng là một trong những giáo sư trẻ tuổi nhất của Đại học Johns Hopkins. Trước đó, năm 2011, anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ loại xuất sắc tại Đại học Alberta, Canada.
PGS.TS Trần Xuân Bách hiện là Ủy viên BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và thường xuyên có nhiều công bố nghiên cứu khoa học có giá trị.
Dù còn trẻ, nhưng từ lâu, Trần Xuân Bách đã chứng tỏ tài năng, kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực phát triển và y tế toàn cầu. Anh đã được Đại học Alberta, Canada trao Giải thưởng Khởi đầu sự nghiệp vào năm 2017. Một năm sau, 2018, nhà khoa học trẻ Trần Xuân Bách được bầu vào Hội đồng điều hành Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu, thuộc Viện Hàn lâm quốc gia Đức.
PGS.TS Trần Xuân Bách tại Đại học Johns Hopkins
|
Thành tích nổi bật của GS. kiêm nhiệm Trần Xuân Bách được Đại học Johns Hopkins trân trọng giới thiệu trên website của Trường: Là Phó trưởng Bộ môn Kinh tế y tế, Viện Đào tạo y tế dự phòng, các nghiên cứu của tác giả Trần Xuân Bách tập trung vào tính chi phí và hiệu quả của can thiệp y tế, các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong y học, y học hành vi và sức khỏe tâm thần, phòng chống HIV/AIDS...
PGS.TS Trần Xuân Bách cho biết, với việc được bổ nhiệm làm GS kiêm nhiệm tại Đại học Johns Hopkins, anh sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình thực hành sức khỏe toàn cầu tại Việt Nam cho các bác sĩ và nghiên cứu sinh tại Đại học Johns Hopkins và Trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời, giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ của Đại học Johns Hopkins và có thể sử dụng hạ tầng nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins trong các nghiên cứu trong tương lai.
Việc một người Việt nằm trong danh sách GS kiêm nhiệm của trường đại học hàng đầu và lâu đời nhất thế giới về lĩnh vực Y tế công cộng, cũng là trường đại học nghiên cứu có uy tín cao của Mỹ, như Đại học Johns Hopkins, đã cho thấy tài năng và tầm vóc của các nhà khoa học trẻ Việt Nam không thua kém trên bản đồ nghiên cứu y học thế giới.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu