Cuối năm 2013, tôi dự kỷ niệm 30 năm thành lập Trung tâm Báo chí Nước ngoài (Bộ Ngoại giao), nơi tôi làm việc trước đây, ở Nhà khách Chính phủ. Ra đến chỗ gửi xe, tôi nhìn thấy Nguyễn Vũ Tú, vừa kết thúc nhiệm kỳ đại sứ tại Philippines và đang làm Phó Chủ tịch SOM Việt Nam. Tú đang bận nên chúng tôi hẹn gặp nhau một buổi khác.
Trong buổi gặp lại, Tú mời tôi đi ăn chả cá Lã Vọng. Vẫn như mọi khi, Tú kể chuyện, còn tôi lẳng lặng ngồi nghe.
Tú kể với tôi những thứ Tú đã làm trong nhiệm kỳ đại sứ ở Philippines. Lần cuối chúng tôi gặp nhau là khi Tú chuẩn bị sang Philippines.
Tú kể ông có quan hệ rất chặt chẽ với Văn phòng Tổng thống Philippines, khi nước này tiến hành vụ kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA). Mỗi lần chuẩn bị gửi đơn lên tòa, Văn phòng Tổng thống Philippines đều thông báo đầy đủ cho Đại sứ quán Việt Nam, và Tú đều báo cáo về nước.
Tứ kể chuyện khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm Philippines, trong chương trình biểu diễn văn nghệ đón đoàn của buổi Quốc Yến có tiết mục “Trống cơm”. Khi bài này vang lên, Bộ trưởng Minh khẽ liếc Tú, mỉm cười. Đây là bài mà Minh và Tú đã biểu diễn hồi học ở Trường Luật pháp và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts (Hoa Kỳ).
Khi kết thúc bữa ăn, Tú đề nghị được đưa tôi về. Tú nói: “Tớ phải đưa Ngọc về mới yên tâm, Ngọc nhớ giữ gìn sức khỏe nhé.” Đến lúc đó, Tú mới nhắc tôi nhớ là tôi đang ốm (tôi bị tai biến gần một năm trước).
Tự nhiên, tôi thấy đang gặp lại một người bạn thuở xưa. Không hề thay đổi theo năm tháng…
Tú và mẹ, Vũ Thị Xuân Dung, nguyên chuyên viên cao cấp Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao.
|
Bạn đi chợ ngày xưa
Tú chuyển đến khu 151 Lê Duẩn lúc tôi lên cấp 3. Không hiểu vì sao chúng tôi lại thân nhau rất nhanh.
Cũng có thể cô Dung, mẹ Tú, học lớp ba tôi dạy ở Trường Ngoại giao. Cũng có thể do hai chúng tôi cùng phải đi chợ, nấu cơm. Em gái Tú quá nhỏ, còn nhà tôi chỉ toàn con trai. Sau này gặp lại tôi, Tú vẫn thường đùa: “Bạn đi chợ ngày xưa đấy.”
Nhưng chúng tôi hay trao đổi việc học hành. Tú học giỏi, chăm chỉ, và có suy nghĩ chín chắn hơn nhiều so với tuổi của Tú.
Bẵng đi mấy năm, tôi đi học Liên Xô, rồi bị đuổi về nước do mải chơi, bỏ thi. Tú vào học Đại học Ngoại giao, học năm thứ 4, và đã chuyển nhà về Đường Thanh Niên. Về gặp lại, chúng tôi cảm thấy không hề có thời gian xa cách.
Tôi nhớ mãi buổi tối ngày 15.7.1980. Tôi đang buồn chán vì đang chờ xin vào trường trong nước, đang vật vờ hút thuốc trước cổng, thì thấy Tú đi chiếc xe đạp Diamond tới. Tôi hỏi “Tú đến có việc gì”, Tú nhỏ nhẹ bảo “hôm nay sinh nhật Ngọc mà”.
Không hoa, không lời chúc tụng, mà tôi vẫn nhớ ngày sinh nhật năm ấy.
Tôi còn nhớ hồi đó đang có phong trào hát tiếng Anh ở Hà Nội. Các bài hát của ABBA, BEEGEES, SMOKIES, rồi BACCARA… vang lên khắp nơi, từ sinh nhật, gặp gỡ bạn bè, đến biểu diễn văn nghệ trường học, cơ quan.
Hồi đó, bạn tôi Nguyễn Văn Trực, học trường Kinh tế Quốc dân, nay đã định cư ở Đức, nổi tiếng là người hát ABBA, hay SMOKIES, giống nhất Hà Nội. Trực lại bảo với tôi rằng người nghe băng và chép lời tiếng Anh chuẩn nhất là Nguyễn Vũ Tú.
Năm 1981, Tú tốt nghiệp Đại học Ngoại giao, trong top đầu cùng (Đại sứ) Nguyễn Trung Thành, hay Nguyễn Nguyệt Nga (sau này là phu nhân Bộ trưởng Phạm Bình Minh). Theo sáng kiến của một số quan chức BNG, năm sau Phạm Bình Minh và Nguyễn Nguyệt Nga đi sứ quán Anh làm tùy viên, còn Nguyễn Trung Thành đi sứ quán Úc…
Riêng Tú phải ở nhà. Tú bị hen, người phù hết lên.
Cũng năm đó, Tú chuyển vào công tác ở Sở Ngoại vụ TP HCM, vì khí hậu trong Sài Gòn hợp với người bị hen. Tú khỏe lên, và tiếp tục lại những cơ hội mình bỏ lỡ trước đó.
Nguyễn Vũ Tú và Tổng thống Hàn Quốc.
|
Dấu ấn của Nguyễn Vũ Tú tại Fulbright
Trong thời gian học thạc sĩ ở Trường Luật pháp và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts (Hoa Kỳ), cùng với Phạm Bình Minh và Nguyễn Trung Thành, sang năm thứ hai Nguyễn Vũ Tú đã chọn ngành kinh tế. Ông đã quyết định đúng, bởi ông sẽ tiếp tục sống và làm việc tại TP HCM, chứ không phải Hà Nội.
Về nước, ông tham gia Hội đồng Điều hành Fulbright tại Việt Nam, đóng ở TP HCM, với tư cách quan chức Sở Ngoại vụ. Ông lại trực tiếp phiên dịch cho các khóa giảng dạy của Fulbright.
“Vừa phiên dịch cho lớp xong, giờ giải lao lại cười nói, tán chuyện với người giảng dạy, với tư cách quan chức. Một hiện tượng rất lạ, và ông Tú đóng hai vai rất đạt”, Bùi Văn, Phó Giám đốc Fulbright lúc đó, nhận xét.
Cùng với Phạm Xuân Hoàng Ân, con trai cố nhà báo – điệp viên Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Xuân Thành và Nguyễn Quý Tâm thuộc Fulbright, Nguyễn Vũ Tú đã giúp hình thành nhóm phiên dịch nổi tiếng nhất thành phố. Nhóm này chuyên dịch cho các lãnh đạo cao cấp khi phải đón tiếp các lãnh đạo nước ngoài, hay các doanh nhân nổi tiếng nước ngoài.
Theo Bùi Văn, Nguyễn Vũ Tú có sáng kiến mở chương trình đào tạo về kiến thức kinh tế và thuật ngữ kinh tế cho các phiên dịch. “Chương trình này được đánh giá rất cao trong Sài Gòn”, Bùi Văn nhận xét.
Từ đó, sau này Fulbright còn tiếp nối bằng cách mở các lớp đào tạo về kiến thức cho các phóng viên chuyên viết về kinh tế.
Nguyễn Vũ Tú cùng ca sỹ Cẩm Vân (giữa) tại Hàn Quốc.
|
Cũng theo Bùi Văn, Nguyễn Vũ Tú, cùng với một nhóm đi học Mỹ về, đã tham mưu rất nhiều cho lãnh đạo thành phố trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là từ Mỹ. “Họ góp ý nên ứng xử với các doanh nghiệp nước ngoài thế nào”, Bùi Văn nói.
Tôi cũng được hưởng lợi từ mối quan hệ của Tú với các nhà đầu tư Mỹ. Ví dụ như Tú đã bật mí cho tôi về người chắp bút cho bài diễn văn của Thượng Nghị sĩ Max Baucus tại Hội Châu Á về quan hệ Việt – Mỹ năm 2006, được xây dựng dần dần qua hình ảnh một cô gái mặc áo dài. Đó là Demetrios Marantis, đầu những năm 2000 làm Trưởng Cố vấn Pháp lý cho Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt của bà Ginny Foote.
Hai năm tích lũy vốn sống về Việt Nam và người Việt đã giúp cho Luật sư Marantis làm cho bài diễn văn gây được tiếng vang lớn trong chiến dịch vận động Quốc hội Mỹ trao qui chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam
Sau này, khi Marantis trở thành Phó Đại diện Thương mại Mỹ thời Tổng thống Obama, tôi có dịp gặp ông ở Trường Đại học Ngoại thương. Nghe nhắc lại kỷ niệm cũ, mà ít người biết, Marantis rất vui. Tôi thì nhận được những thông tin tốt từ ông để có bài viết hay, và còn bảo ông phải đứng cùng các nữ sinh mặc áo dài để tôi chụp ảnh.
Một thầy giáo trong vỏ nhà ngoại giao
Phạm Sanh Châu, người ở cùng Nguyễn Vũ Tú ở Hà Lan và Na Uy, khi cả hai học tập tại đó, kể rằng những khi Sanh Châu bị ốm, Tú săn sóc rất chu đáo, lo cơm cháo, thuốc thang, dặn tỉ mỉ từng li từng tí xem cần làm gì cho khỏi ốm.
“Mình có thói quen nghe theo anh Tú từ thời đó, anh Tú bảo gì cũng nghe. Đến mức sau này, các anh trong nhà mình, rồi đồng nghiệp, bảo với mình rằng chỉ có Sanh Châu mới chịu nghe những lời dạy bảo của Tú như thế”, Phạm Sanh Châu chia sẻ.
Nguyễn Vũ Tú.
|
Tôi bảo với Sanh Châu rằng, qua kinh nghiệm chơi bao nhiêu năm với Tú, tôi thấy ông có phẩm chất một ông thầy giáo, hơn là nhà ngoại giao, mặc dù công việc ngoại giao Tú cũng làm rất tốt. Tú có thói quen “educate” những người xung quanh mình, theo những cách khác nhau, để họ tốt lên, theo nhìn nhận của Tú.
Tôi nhớ cuốn giáo trình tiếng Anh đầu tiên mà tôi có được là cuốn sổ ô li Tú chép tay các mẩu chuyện cười bằng tiếng Anh. Qua đó, tôi bắt đầu yêu thích tiếng Anh.
Hôm Tú đến nhà tôi chơi, lúc ra Hà Nội phục vụ APEC 2006, con trai tôi mới thi đỗ vào Đại học Ngoại thương. Tú lại tặng cho con trai tôi cuốn “How to Win Friends and Influence People” (Đắc nhân tâm). Tú muốn cháu học cách ứng xử với mọi người, khi bước vào tuổi trưởng thành.
Còn trong TP HCM, Tú kể với tôi rằng ông vẫn mở các lớp luyện thi Toefl cho sinh viên đi học đại học hay thạc sĩ ở nước ngoài. Tú không dạy theo kiểu dạy theo kiểu cốt thi được điểm Toefl cao để qua kỳ sát hạch, mà dạy cho họ có các kỹ năng thực sự để sau này có thể tiếp tục học ở nước ngoài.
“Tớ vẫn dạy theo kiểu thầy Hoàng Túy (bố tôi, cựu giảng viên Đại học Ngoại giao) dạy bọn tớ ngày xưa”, Tú nói.
Bùi Văn nói rằng Nguyễn Vũ Tú vẫn tham gia giảng dạy tại Trường Nghiệp vụ Ngoại giao do Sở Ngoại vụ TP HCM mở ra. Các sở ngoại vụ, hay phòng ngoại vụ, của các tỉnh phía Nam vẫn thường xuyên cử cán bộ đi học ở các khóa này.
Trong thời gian ở sứ quán Việt Nam ở Philipinnes, Tú kể rằng ngày nào Tú cũng đào tạo các nhân viên trẻ qua hoạt động đọc báo, để học cách lấy tin, làm tin, và thể hiện được thông điệp mà nhà ngoại giao muốn nói. Chắc bây giờ, bên sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Tú vẫn tiếp tục công việc này.
Tôi nghĩ, khi về hưu, Tú vẫn tiếp tục dạy học. Ngoài tiếng Anh, chắc chắn những kinh nghiệm ngoại giao của Tú sẽ tiếp tục giúp cho nghề dạy học của Tú thành công.
Ông Nguyễn Vũ Tú tốt nghiệp Cử nhân Quan hệ Quốc tế tại Học viện Ngoại Giao Việt Nam năm 1981. Ông nhận bằng Thạc sỹ Quan hệ Quốc tế với học bổng Fulbright tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts, Massachusetts, Mỹ, năm 1994. Ông Tú được bổ nhiệm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Đại Hàn Dân Quốc ngày 16 tháng 5 năm 2016 và tới Seoul nhận nhiệm vụ tháng 3/2017. Ông là Giám đốc Sở Ngoại Vụ Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 3/2015 đến tháng 11/2016; Phó Giám đốc Sở Ngoại Vụ TPHCM từ tháng 10/2007 đến tháng 01/2010; chuyên viên tại nhiều đơn vị của Sở (Phòng Chính trị-Kinh tế, Phòng Thông tin-Báo chí, Phòng Lãnh sự, Văn phòng) từ năm 1982 đến 2002. Ông được bổ nhiệm Vụ Trưởng - Trưởng SOM ASEAN Việt Nam tháng 12 năm 2014 và Phó Trưởng SOM ASEAN Việt Nam tháng 9 năm 2013. Trước đó, ông là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Philippines từ tháng 02/2010 đến tháng 08/2013. Đại sứ Nguyễn Vũ Tú là thành viên của Ban Thư ký APEC Quốc gia khi Việt Nam là Chủ tịch APEC năm 2006. Ông từng là Tham tán Chính trị tại Đại sứ quán Việt Nam tại Washington D.C. từ 2002 đến 2005. Ông sử dụng tiếng Anh lưu loát và biết chút tiếng Pháp. |
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu