Ông bà ta có câu “Không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời” nhưng với cách làm bóng đá như Nam Định, khán giả thành Nam cho rằng thầy trò ông Nguyễn Văn Sỹ còn thấp thỏm không biết bao giờ mới có thể "giàu". Kể từ khi trở lại V.League, chưa mấy khi trên khuôn mặt GĐKT Văn Sỹ nở nụ cười tươi. Nỗi lo cơm, gạo, áo, tiền đã khiến cho khuôn mặt già nua của ông lại càng khắc khổ.
Như một gia đình
Ông Nguyễn Quân, một cổ động viên cao tuổi của Nam Định tự hào: “Chúng ta là một gia đình, không khách sáo, không khoảng cách”. Tiền ít nên BHL và ông Sỹ “mải nói chuyện” chờ cho cầu thủ ăn xong, trên mâm còn lại mới đến lượt cha chú. Văn Sỹ quan niệm bọn trẻ, đang tuổi ăn, tuổi lớn cần ăn đủ năng lượng để còn tập luyện.
Hơn ai hết ông Nguyễn Quân và người dân thành Nam hiểu tình cảnh đội bóng. Nam Định là đội bóng duy nhất luôn lâm vào cảnh ăn đợ, ngủ nợ hết năm này qua năm khác. Bà chủ nhà hàng và ông chủ khách sạn nằm cạnh sân Thiên Trường vui vẻ cho đội bóng Nam Định nợ, phần thì thương các em, phần vì tin chú Sỹ.
Một phần do bản tính, một phần do hoàn cảnh đội bóng, Văn Sỹ như người cha trụ cột trong gia đình nghèo, đông con. Ảnh FBNV
|
Cũng như SLNA, do kinh phí hàng năm dành cho đội bóng ít và muộn nên đội chủ sân Thiên Trường luôn phải chạy ăn đong từng bữa. Trong quá khứ, có khi chậm lương vài ba tháng Văn Sỹ đã từng phải cầm sổ đỏ nhà mình để lấy tiền nuôi anh em cầu thủ qua ngày ba, tháng tám. Điều đó, cầu thủ biết, khán giả biết… nhưng không biết những người có trách nhiệm có ai hay không?
Mùa giải năm ngoái, có tiền chậm nên 4 anh em cầu thủ trụ cột đành phải dứt áo ra đi nhưng khi Sỹ Minh không có chỗ đứng chân ở Than Quảng Ninh, Văn Sỹ đã giang tay đón học trò trở về. Ngay cả trường hợp Lâm Anh Quang, đứa con thành Nam lưu lạc đã lâu, nhưng chỉ khi trở lại sân Thiên Trường mới phát huy được hết năng lực, phẩm chất của mình.
Đúng là ở đội bóng Nam Định, giữa thầy và trò, giữ trò mới - trò cũ đều không có khoảng cách. Trong đó dù ở vai trò HLV hay GĐKT thì Nguyễn Văn Sỹ như một người cha, người chú trong gia đình. Anh uốn nắn các học trò từng lời ăn, tiếng nói cả trong sinh hoạt, tập luyện, là nơi các học trò tìm đến khi cuộc sống đời thường có trắc trở.
Một phần do bản tính, một phần do hoàn cảnh đội bóng, Văn Sỹ như người cha trụ cột trong gia đình nghèo, đông con. Nhiều công việc đã vượt qua khỏi nhiệm vụ của một người làm chuyên môn, nhưng quả là nếu không làm thế, đội bóng khó có thể trụ hạng được.
Lựa cơm, gắp mắm
Cách “dùng binh” của Nam Định thời Văn Sỹ cũng rất khác. Họ chắt chiu từng trận đấu trên sân Thiên Trường, tận dụng sự cỗ vũ nhiệt tình của khán giả để giành điểm. Phải nói anh em nhà Văn Sỹ là những người truyền lửa rất tốt, không có trong tay nhiều cầu thủ chất lượng nhưng họ vẫn hạ đo ván nhà đương kim vô địch Hà Nội, làm khổ, làm sở TP.HCM và hàng loạt đội bóng nhóm trên bằng lối chơi rập rình chờ cơ hội.
Trong 2 trận thua trên sân nhà thì có lẽ đáng trách nhất là để thất bại 1-2 trước S.Khánh Hòa bởi lỗi có phần chủ quan của cả BHL và cầu thủ. Trận thua Quảng Nam được coi như “định mệnh”, khi đang dẫn 2-1 thì sân Thiên Trường mất điện, làm tụt cảm hứng chơi bóng của cầu thủ…Nam Định là đội duy nhất mùa trước không có trận thắng nào trên sân khách, đơn giản là Văn Sỹ biết lực của đội mình chỉ có thế, không thể căng ra mà đá.
Tình cảm nhưng nghiêm khắc
Hơn ai hết, khán giả thành Nam hiểu “ông bố” Văn Sỹ là người sống tình cảm. Những chuyến làm từ thiện ở Lào Cai, Hà Giang, hay tặng quà các gia đình ở Vụ Bản, Nghĩa Hưng, hay thăm viếng nữ cổ động viên xấu số thì Văn Sỹ luôn đi đầu, lòng thành. Anh thực sự là cầu nối giữa đội bóng với khán giả, giữa các Mạnh thường quân với anh em cầu thủ.
Người dân Nam Định ước ao có một mùa bóng, ông thầy Văn Sỹ rủng rỉnh hầu bao “đi chợ” mua sắm cầu thủ tốt, đá một mùa tưng bừng xem sao. Ảnh NĐFC
|
Khi cần, Văn Sỹ vẫn là người thầy nghiêm khắc. Khi cầu thủ nhập tịch Lê Văn Phú bơ vơ, Văn Sỹ đã thuyết phục trung vệ của Hải Phòng về với sân Thiên Trường. Nhưng cuối mùa khi phát hiện cầu thủ này “bị chích” anh sẵn sàng cất lên ghế dự bị, dành chỗ cho cầu thủ nội. Nam Định là đội bóng mà mọi thành viên được đối xử bình đẳng, công bằng và công minh.
Người dân Nam Định ước ao có một mùa bóng ông thầy Văn Sỹ rủng rỉnh hầu bao “đi chợ” mua sắm cầu thủ tốt, đá một mùa tưng bừng xem sao. Không biết bao giờ điều này mới đến khi thành Nam đất chật, người đông không có nhiều ưu đãi của đất trời, chỉ có lòng người, tình người là mênh mông.