Nguyễn Trần Bạt - "người vừa đánh cờ vừa đẽo quân"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS -  “Khi đã thành danh với công việc tư vấn, Anh Bạt dành sự quan tâm của mình sang lĩnh vực nghiên cứu. Đây là công việc Anh Bạt, một người có trí tuệ và đam mê, chọn để theo đuổi trong những năm cuối đời với mục đích khai sáng dân trí”, TS Hoàng Anh Tuấn viết.

Ông Nguyễn Trần Bạt tại cuộc gặp gỡ Kisssinger.
Ông Nguyễn Trần Bạt tại cuộc gặp gỡ Kisssinger.

"Anh giỏi thật đấy, vừa đánh cờ vừa đẽo quân!”

Doãn Thế Phương, nguyên Trưởng Đại diện Apco Việt Nam, công ty luật của Mỹ chuyên về PR, quan hệ chính phủ và tư vấn chiến lược cho các công ty Mỹ sang đầu tư hay buôn bán ở Việt Nam, bắt đầu sự nghiệp ở InvestConsult cuối năm 1989.

Anh đến công ty InvestConsult xin việc theo lời giới thiệu của một người quen. Lúc đó, Phương còn nhớ, ngoài tiếng Nga và bằng đào tạo ở Liên Xô về xây dựng, anh không có ưu thế gì khác nữa. Và người phỏng vấn anh là ông Nguyễn Trần Bạt, cố Chủ tịch và Tổng Giám đốc của InvestConsult vừa mới mất vì đột quị hôm 15/12 vừa rồi, Phương chia sẻ:

Sau khi hỏi han về nơi học, bằng cấp của Phương, ông Bạt có giới thiệu về công ty, điều kiện làm việc, và, quan trọng nhất là lương bổng khá cao. Phương buột miệng: “Thế là công ty mình làm việc theo chế độ xã hội chủ nghĩa anh nhỉ?”

Ông Bạt liền “mắng” cho Phương một trận. Ông nói rằng công ty của ông là công ty tư nhân, không phải công ty nhà nước mà làm theo chế độ xã hội chủ nghĩa.

“Nhưng có lẽ vì vậy mà ông nhận tôi, vì lời cãi ngang đó”, Phương hóm hỉnh nhận xét.

Phương nói công ty InvestConsult lúc đó chỉ có độ 6-7 người theo ông Bạt từ Investip, chuyên làm về sở hữu trí tuệ từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Với đội ngũ mới mẻ, tuy vẫn giữ ngành lõi là sở hữu trí tuệ, ông Bạt cùng anh em tự học hỏi để chuyển dần sang tư vấn đầu tư.

“Tôi và anh chị em, ngay cả ông Bạt, đã phải học thêm ngành luật vì tư vấn đầu tư mà không biết luật thì không làm được gì”, Phương nhớ lại. Anh nói thêm, ngoài luật, họ phải học thêm những thứ khác nữa, công việc xuất hiện thứ gì mới thì học thứ đó.

Có lần, Phương nói đùa với ông Bạt: “Anh giỏi thật đấy, vừa đánh cờ vừa đẽo quân!”

Đưa hình thức “teamwork” vào Việt Nam

Nguyễn Hy Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thiên Tô chuyên về tư vấn đầu tư, bạn với Phương từ hồi lớp 6, cũng chia sẻ điều tương tự. Anh có viết về ngành tư vấn đầu tư của những năm 80-90 của thế kỷ trước, trong có có phần nói ông Nguyễn Trần Bạt.

“Anh Bạt là người đầu tiên làm tư vấn cho người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam”, Nam nói với VietTimes. Trong số đó, người ta thấy những tên tuổi lớn trên thế giới như ANZ, Phillip Morris, Coca Cola, IBM và Citibank…

Nhưng cái khác so với những công ty tư vấn lần lượt mọc lên sau đó, hoặc chuyển sang ngành tư vấn, InvestConsult làm việc theo kiểu teamwork (phối hợp với nhau). “Anh Bạt không giỏi về tư vấn nên anh ấy sử dụng nhiều người giỏi bổ trợ cho nhau”, Nam nói.

Nam dẫn ra một số công ty nổi tiếng khác về tư vấn đầu tư của ông Xuân Nguyên, hay Lê Tư, cũng tách ra từ Investip. “Xuân Nguyên, hay Lê Tư rất giỏi về tư vấn đầu tư, vì vậy họ như superman (siêu nhân) ở công ty họ, và vì vậy gánh nặng chủ yếu trút lên vai họ”, Nam tinh tế nhận xét.

“Cũng có khả năng tổ chức giỏi về hình thức “teamwork như InvestConsult còn có công ty “Pham & Associates” của Phạm Vũ Khánh Toàn, một người cũng rất nổi tiếng của Investip. Nhưng Phạm Vũ Khánh Toàn làm sở hữu trí tuệ quá giỏi nên không có cơ hội thứ sức mình ở tư vấn đầu tư như ông Nguyễn Trần Bạt”, Nam tiếp tục nhận xét.

Nhưng cả hai công ty, theo Nam, đã đạt được chuẩn mực tư vấn quốc tế - đó là tư vấn theo giờ. “Cách tư vấn như vậy các nhà đầu tư nước ngoài thích hơn, chuyên nghiệp hơn”, Nam kết luận.

Ông Nguyễn Trần Bạt
Ông Nguyễn Trần Bạt

Những bài học có được từ InvestConsult

Phương, sau 10 năm làm tại InvestConsult và đạt được một vị thế nhất định (Phó Tổng Giám đốc) đã quyết định ra đi.

“Hồi đó, có một trào lưu phân tách khỏi InvetConsult, chủ yếu vì cách quản lý quá nghiêm khắc của ông Nguyễn Trần Bạt”, Phương nhận xét.

Bản thân, ông Nguyễn Trần Bạt trong các bài trả lời phỏng vấn báo chí những năm cuối của thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 đã từng nhận xét một quan điểm rất rõ ràng của ông về làm ăn là phải lương thiện, nếu ai vi phạm nguyên tắc này ông sẽ loại bỏ. Bản thân ông vì không chịu được nghèo khi làm nhà nước, và quyết không tham nhũng, nên đã quyết định ra làm tư nhân.

Phương ra đi không phải vì trào lưu này: Anh muốn thử sức mình! Mặc dù, do không được chuẩn bị chu đáo, anh đã thất bại trong năm đầu tiên khi thành lập công ty riêng, và phải hợp lực với một người bạn thành lập công ty mới. Nhưng rốt cuộc, anh vẫn phải đầu quân cho công ty Apco.

Phương nói: “Nhờ thời gian làm ở InvestConsult, tôi hiểu rất rõ về hệ thống xã hội Việt Nam, và điều này rất có ích cho việc phục vụ cho Apco, công ty chuyên về PR, quan hệ chính phủ…”

Ngoài ra, nhờ làm cho InvestConsult, Phương đã được làm việc với những tập đoàn, tổng công ty lớn, và mối quan hệ này rất có ích cho Apco. “Làm ở những công ty tư vấn nhỏ, chẳng bao giờ mình có những mối quan hệ này, chẳng hiểu những tập đoàn, tổng công ty lớn nghĩ gì để tư vấn cho Apco”, Phương chia sẻ.

Một người khác là Chủ tịch của Fulbright Việt Nam Đàm Bích Thủy lại có những trải nghiệm khác. Học tiếng Anh ở trường sư phạm ngoại ngữ, và vào làm ở Cục Sáng chế (Bộ Khoa học và Công nghệ), nhưng khi ông Bạt ra đi thành lập InvestConsult, chị đã cùng một số người khác đã theo ông.

“Lúc đó, tôi nghĩ rằng mình thích thú với việc làm một thứ chưa từng có ở Việt Nam”, chị Thủy nhớ lại.

Sang InvestConsult, nhiệm vụ chính của chị Thủy vẫn là dịch những cuộc gặp quan trọng của ông Bạt với các khách hàng nước ngoài. “Những cuộc gặp quan trọng đó giúp tôi hiểu biết được rõ hơn quan điểm và lập luận của anh Bạt, và điều đó giúp cho tôi rất nhiều sau này”, chị Thủy chia sẻ.

Nhưng cũng do những cuộc gặp như vậy mà chị Thủy phát hiện ra rằng muốn đầu tư phải có tài chính, và chị đã nộp đơn cho quỹ Fulbright, và được chấp nhận cho khóa MBA về tài chính năm 1994. Chị đi sau lứa của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Đại sứ Nguyễn Vũ Tú (người cũng từng gắn với Fulbright) và Đại sứ Nguyễn Trung Thành đúng một năm.

“Lúc đầu anh Bạt phản ứng rất mạnh, nhưng sau đó, hiểu ra, anh lại ủng hộ tôi cũng rất mạnh”, chị Thủy nói.

Còn trong bài trả lời phỏng vấn với Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, ông Nguyễn Trần Bạt, khi nói về thành công của Đàm Bích Thủy, có nói rằng InvestConsult không làm nên thành công của Đàm Bích Thủy, nhưng ông đã khích lệ chị rất nhiều.

Theo Doãn Thế Phương, với những ai chấp nhận nguyên tắc quản lý của ông Nguyễn Trần Bạt, họ cũng được ông Bạt tạo điều kiện để phát triển. Ông cho thành lập các công ty con trong tập đoàn InvestConsult để họ có đất diễn.

Sách do ông Nguyễn Trần Bạt viết và xuất bản.

Sách do ông Nguyễn Trần Bạt viết và xuất bản.

Viết để khai sáng dân trí

Sau khi tốt nghiệp MBA tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (trong top 8 trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ), chị Thủy đã sang Singapore làm cho ANZ với nhiều chức vụ quan trọng, và về Việt Nam trở thành người Việt Nam đầu tiên làm tổng giám đốc một ngân hàng nước ngoài (ngân hàng ANZ), chị vẫn liên hệ chặt chẽ với Sếp cũ. Chị trao đổi những suy nghĩ, và tiếp tục đọc sách của ông để tìm ra những tư tưởng mới.

“Chúng giúp ích rất nhiều cho tôi, nhất là khi tôi sang trường Fulbright”, chị Thủy nhận xét.

Chia sẻ ý nghĩ này với chị Thủy còn có Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký ASEAN, trên facebook, khi nghe tin ông Nguyễn Trần Bạt qua đời. Được ông cho phép trích dẫn, VietTimes xin chia sẻ suy nghĩ của ông về các bài viết của ông Nguyễn Trần Bạt.

“Khi đã thành danh với công việc tư vấn, Anh Bạt dành sự quan tâm của mình sang lĩnh vực nghiên cứu. Đây là công việc Anh Bạt, một người có trí tuệ và đam mê, chọn để theo đuổi trong những năm cuối đời với mục đích khai sáng dân trí”, TS Hoàng Anh Tuấn viết.

“Có thể bạn không đồng ý với nhiều lập luận và kết luận khi trao đổi với Anh Bạt, nhưng có điều chắc chắn đó là những lập luận rút ra được từ sự chiêm nghiệm cuộc đời dưới góc nhìn của một triết gia, sự trải nghiệm và "lọc lõi" tinh đời của một doanh nhân và cái tinh tế, nhạy bén của người làm tư vấn. Và tất nhiên, cả cái cương trực, nhưng không dễ "nuốt" của một nhà nghiên cứu chân chính”, Phó Tổng Thư ký ASEAN kết luận.

Chủ tịch công ty Thiên Tô Nguyễn Hy Hoài Nam lại có nhận xét khác biệt. “Những suy nghĩ mà anh Bạt viết trong các cuốn sách của anh không hẳn đã là suy nghĩ của anh”, Nam nói.

“Người ta viết một hay hai cuốn đầu để khẳng định bản thân, và thường là suy nghĩ, chiêm nghiệm của riêng người ta. Nhưng viết tiếp những cuốn sau chắc chắn phải có đam mê, sự thôi thúc nội tại”, Nam lý luận.

Theo Nam, ông Nguyễn Trần Bạt không có chiến lược rõ ràng khi viết sách. Ông phản biện rất nhiều vấn đề, thay vì chọn một vài lĩnh vực mình nắm rõ. “Tôi có cảm tưởng nhiều phản biện của ông trong các cuốn sách không hẳn là ý nghĩ của riêng ông”, Nam nghi ngờ.

Khi tôi phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt lần đầu tiên, ông Bạt cũng nói là ông gặp gỡ giới tinh hoa trong các lĩnh vực, các ngành, hay các bộ. Như vậy, rất có thể ông bị ảnh hưởng tư tưởng từ họ.

Nam cũng hay viết facebook. Ví dụ, bài viết gần đây gây tiếng vang và tranh cãi lớn trên mạng xã hội là “Gorbi (Gorbachov) – nhiều người nợ ông một câu xin lỗi”. Anh đã viết cả 4 bài về Gorbachov, Yeltsin, Medvedev và Putin, nhưng mới chỉ đăng về Gorbachov.

Nam nói: “Tôi nói ngay cả khi tôi thấy thích và viết chuyển ý người khác thành ý mình, cũng rất khó khăn. Đằng này anh Bạt, ở cái tuổi cũng đã cao mà vẫn ham viết, chắc hẳn phải có đam mê, và mục đích rất rõ ràng.”

Ông Nguyễn Trần Bạt có lần đã nói khi trả lời phỏng vấn báo chí, rằng ở tuổi 55, khi đã hoàn thành việc cấu trúc công ty, ông dành thời gian để viết nhằm khai phóng dân trí. Tất nhiên, việc đó không thể làm một mình, và ông đã gặp gỡ rất nhiều người giỏi để trao đổi tư tưởng, tư duy, để từ đó ông đưa vào những cuốn sách hay bài viết của mình.

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn hoàn toàn chia sẻ quan điểm này khi viết trên facebook: “Khi đã thành danh với công việc tư vấn, Anh Bạt dành sự quan tâm của mình sang lĩnh vực nghiên cứu. Đây là công việc Anh Bạt, một người có trí tuệ và đam mê, chọn để theo đuổi trong những năm cuối đời với mục đích khai sáng dân trí.”

Còn Chủ tịch Trường Fulbright Việt Nam Đàm Bích Thủy có chia sẻ với VietTimes: “Khi nghe anh ấy mất, tôi nghĩ về những cuốn sách anh ấy định viết mà chưa thực hiện được. Anh ấy nói với tôi rất nhiều về việc chúng ta phải thay đổi định nghĩa về giáo dục. Tôi nghĩ anh ấy có thể nói và viết rất nhiều về chủ đề này.”

“Dư luận viên cao cấp”?

Sau khi tôi thực hiện bài phỏng vấn đầu tiên với ông Nguyễn Trần Bạt, một người bạn của tôi có nhắc tôi là có người đã tố ông là “dư luận viên cao cấp”, và khuyên tôi đừng chớ dại.

Tôi chợt nhớ trong khi phỏng vấn, động đến những sai lầm trong quá khứ của một số quan chức Việt Nam mà người ta đã thừa nhận trực tiếp hoặc gián tiếp, nhưng ông Nguyễn Trần Bạt đã nêu rõ quan điểm của ông là không thích nói về sai lầm trong quá khứ của bất kỳ ai.

“Sao lại thế nhỉ? Ông là nhà phân tích độc lập mà. Với lại nhắc lại sai lầm để tránh mắc nó trong tương lai, các cụ dạy thế mà”, tôi thắc mắc.

Gặp anh Nguyễn Phạm Mười, cựu phóng viên Dow Jones và hiện vẫn là chủ kênh thông tin Toàn Việt có mặt trong hệ thống Factiva cùng Dow Jones, Reuters, AP, hay Nikkei, biết anh cũng là một trong những người được ông Nguyễn Trần Bạt mời đến trao đổi gần đây.

Hỏi anh câu hỏi đó, anh Mười trả lời: “Có những người không thích làm những chuyện đó. Đang làm nhiệm vụ khai phóng dân trí, thế mà báo chí cứ trích dẫn ông chửi chỗ nọ, chỗ kia, gây ức chế cho những người cần ông ấy khai phóng, hỏi có chịu được không?”

Lời giải thích đơn giản của anh Mười khiến tôi cảm thấy yên tâm. Tôi lại hăm hở hẹn ông phỏng vấn về các đại gia trong kinh tế Việt Nam, và ông đồng ý tiếp bất cứ lúc nào. Tôi hẹn thứ 4, ngày 16/12, vì thứ ba, 15/12 tôi có cuộc phỏng vấn khác.

Rất tiếc, ông đã bị đột quỵ, và ra đi tối 15/12.

Tôi viết bài này, với tất cả hiểu biết của những người mà tôi nghĩ rất hiểu ông. Như một nén nhang ngày tiễn biệt!

TIỂU SỬ TÓM TẮT CỦA ÔNG NGUYỄN TRẦN BẠT

- Sinh năm 1946 tại Hưng Nguyên, Nghệ An.

- 1963 - 1966 gia nhập quân đội

- 1967 - 1972 học Đại học Xây dựng Hà Nội.

- 1972 trở lại quân đội với tư cách là kỹ sư, trợ lý công binh. Năm 1973 tham gia làm đường mòn Hồ Chí Minh. Đến 1976 ra quân.

- 1976 - 1985 (sau khi ra khỏi quân đội) làm Cán bộ nghiên cứu, giữ cương vị Quyền Chủ nhiệm bộ môn Nền móng và Công trình ngầm, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải.

- 1985 công tác tại Hội Xây dựng Việt Nam thuộc uỷ ban Xây dựng Cơ bản Nhà nước.

- 1986 - 1989 công tác tại Cục Sáng chế - Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước (nay Bộ Khoa học và Công nghệ).

- 1987 thành lập Văn phòng Xúc tiến và Hỗ trợ các hoạt động Sở hữu Công nghiệp, tiền thân của Công ty Sở hữu Công nghiệp INVESTIP thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

- 1989 thành lập Công ty Tư vấn đầu tư và Chuyên giao Công nghệ (Investconsult Group) là một trong bốn công ty tư vấn đầu tiên được Chính phủ cấp phép hoạt động tư vấn trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, là Tổng Giám đốc và Chủ tịch Công ty cho tới nay.

- 1990 - 1995 học tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tốt nghiệp cử nhân luật.

- Phó Chủ tịch Hội Sở hữu Công nghiệp Việt Nam . Thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội. Hội viên Hiệp hội nhãn hàng Quốc tế (INTA). Hội viên EuroCham tại Việt Nam . Hội viên Hiệp hội các Luật sư Patent châu Á (APPA). Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Nguyên uỷ viên Ban Chấp hành Hội luật gia Hà Nội. Nguyên Trưởng ban Quốc tế, Hội luật gia Việt Nam . Nguyên thành viên Hội đồng Phát triển kinh tế Australia ( Australia Economic Development Committee).

- Các tác phẩm đã xuất bản

1. Suy tưởng, NXB: Hội nhà văn 2005

2. Cải cách và sự phát triển, NXB: Hội nhà văn, 2005, tái bản 2006, 2011

3. Văn hoá và Con người, NXB: Hội nhà văn 2005, tái bản 2006, 2011

4. Cội nguồn cảm hứng, NXB: Hội nhà văn, 2008, tái bản 2011;

5. Đối thoại với tương lai, NXB: Hội nhà văn, 2010, tái bản 2011

6. Vượt qua những giới hạn, NXB Hội nhà văn, 2013, tái bản 2014

7. Con người là tinh hoa của nhau, NXB Hội nhà văn, 2015, tái bản 2016

8. Tình thế và giải pháp, NXB Hội nhà văn, 2015

9. Gạo và sạn, NXB Hội nhà văn, 2016

10. Sức mạnh của cái đúng, NXB Hội nhà văn, 2018

11. Không gian tinh thần, NXB Hội nhà văn, 2019.