Nguyễn Trần Bạt: "Bây giờ chúng ta than vãn về đạo đức cũng không phải là chuyện mới. Tôi trăn trở với vấn đề này không ít và tạm dùng ngôn ngữ tuổi teen là nói ngay cho vuông là xin trở lại với Bác của chúng ta để làm chỗ vịn, chỗ dựa!" |
Nhà báo Xuân Ba: Xin lỗi, nói vui, người ta nói lâu lâu cũng phải ốm một trận. Như anh vừa ốm dậy đấy thôi. Miễn là đừng ốm… quá thì mới biết cái chân giá trị của sự sống. Tham nhũng hoành hành, đạo đức xuống cấp có phải cơ thể Đại Việt mình đang mắc phải một đợt trọng bệnh? Trăn trở cũng chính là sự đồng cảm với tâm sự của Tổng bí thư, chủ tịch nước. Anh có thể rành rẽ thêm về khía cạnh và những sắc thái khác nhau quanh vấn đề này?
Nguyễn Trần Bạt: Có lẽ bây giờ chúng ta chưa lường hết hậu họa về sự sụp đổ của Liên Xô. Con người ở đâu trên thế giới cũng bấu vào chỗ nào đó để tự cân bằng. Ở phe bên này người ta bấu vào chủ nghĩa xã hội thì phe bên kia cũng thế, để tồn tại như một lực lượng đối lập họ phải bấu vào chủ nghĩa xã hội. Cho nên, sự sụp đổ của Liên Xô làm cho cả phương Đông lẫn phương Tây đều bối rối, không còn chỗ bấu. Mọi người quên mất rằng để có được sự tồn tại một Liên Xô thì cả phương Đông, cả khối cộng sản phải lên gân. Sự lên gân quá lâu làm Liên Xô mệt mỏi và sụp đổ. Phương Tây tưởng rằng đấy là chiến thắng của họ, nhưng không phải. Phương Tây cũng rơi tự do sau khi Liên Xô sụp đổ bởi vì nó không còn đối trọng nữa.
Tại sao chúng ta xuống cấp đạo đức? Vì người ta từng tin tưởng rằng có chủ nghĩa cộng sản, có tương lai, có lý tưởng. Nhưng bỗng nhiên người ta mất đi chỗ bấu lý tưởng ấy và rơi tự do vào khoảng chân không của đạo đức. Đạo đức là hiện tượng tinh thần xuất hiện trên nền của một lý tưởng chắc chắn. Không còn lý tưởng, không còn thần tượng và không còn chỗ nào bấu vào để nhích đến tương lai nữa thì con người rơi tự do. Sự thoái hóa về đạo đức là hiện tượng rơi tự do về tinh thần của con người.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Không ai thích thú gì kỷ luật, nhưng kỷ luật chính là để cảnh tỉnh, răn đe, để ai nhúng chàm thì sửa đi"
|
Là một người cộng sản sâu sắc xét về phương diện tinh thần, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đủ năng lực để nhìn thấy tận cội rễ của sự suy thoái đạo đức và đau khổ về nó. Ông nói ra như một tiếng thở dài, nhưng thật ra nỗi đau của một nhà chính trị dựa trên nền tảng đạo đức của cả một thế kỷ đấu tranh chính trị ở bên trong ông ấy lớn hơn nhiều, thấm thía hơn nhiều so với những điều nói ra. Sẽ nguy hại thế nào nếu không còn cái để bấu víu nữa?
Sự suy thoái đạo đức là hệ quả tất yếu từ sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô. Phần lớn sự dao động, suy thoái hiện nay xảy ra trên thế giới là hệ quả trực tiếp và tất yếu của sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Loài người tưởng rằng mình đã thoát Liên Xô nhưng không phải. Bây giờ, phương Tây mới bắt đầu thấm thía rằng đối trọng Xô Viết biến mất làm cho cả thế giới rơi tự do. Chính Donald Trump là yếu tố xuất hiện để ngăn chặn, hạn chế bớt quá trình rơi tự do của thế giới.
Giờ đây khi mất đối trọng, nước Mỹ chợt nhân ra rằng liên kết của mình với Tây Âu chả có giá trị gì. Nước Mỹ thấy cần phải sắp đặt lại thế giới để nó hướng tới một cuộc chiến tranh lạnh như là điều kiện để đảm bảo thế giới không có chiến tranh nóng. Cho nên, chúng ta vẫn còn tiếp tục phải đối mặt với sự dao động, suy thoái cho tới khi các điều kiện của một cuộc chiến tranh lạnh tái xuất hiện. Điều kiện đó là xuất hiện đối trọng của nước Mỹ.
Anh Bạt này, hình như có vẻ anh đang thở dài tiếp một cái gì đó?
-Nói thật, tôi để cho tình cảm theo đuổi thân phận, số phận của Đảng cộng sản Việt Nam. Tiếng thở dài của tôi trong bất kỳ thể loại báo chí nào mình từng can dự cũng là tiếng thở dài trước các mặt tiêu cực của đời sống xã hội. Tiếng cười, tiếng reo của tôi là niềm vui trước sự thắng lợi chính trị của những người cộng sản.
Tại sao tôi lại chọn những người cộng sản để thể hiện tình cảm? Tôi nghiên cứu Đảng cộng sản và bảo vệ Đảng dựa vào vận mệnh lịch sử của nó, tôi không săn đuổi quyền lợi gì xung quanh Đảng cả. Không ai có thể xuyên tạc động cơ của tôi khi bênh vực những người cộng sản. Tôi cho rằng những người cộng sản chính là số phận của dân tộc này. Tôi có nói với một quan chức trong một cơ quan quan trọng của Đảng rằng: Cho đến hết thế kỷ này, chưa ai làm gì nổi những người Cộng sản Việt Nam.
Vì tôi biết rõ rằng nhiệm vụ của người Việt trong thế kỷ thứ XX là giành độc lập và thống nhất dân tộc. Không thành công thì chúng ta không có dân tộc, không có đất nước như thế này. Mọi người cứ tưởng rằng việc ấy xong rồi, nhưng thật ra bây giờ cũng vẫn chưa xong. Bây giờ Đảng ta vẫn đang tiếp tục phải giải quyết vấn đề kháng chiến cũ, vấn đề của những cuộc chiến tranh cũ.
Thống nhất đất nước là sự lắp ghép các bộ phận khác nhau của một dân tộc lại và nó đẻ ra các hậu quả chính trị hay có, dở có. Hậu quả chính trị ấy là công việc của những người lãnh đạo, của lãnh tụ. Hồ Chí Minh đã giải quyết phần việc của ông. Trải qua một số giai đoạn, bây giờ Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đang phải giải quyết tiếp những vấn đề hậu chiến, những hệ quả của cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ.
Hội chẩn căn bệnh tham nhũng, đạo đức xuống cấp tại UBTƯ MTTQVN, trước đó còn có gần 200 cán bộ lão thành nói như Tổng bí thư, Chủ tịch nước là đông nhất từ trước đến nay…
-Tôi cảm nhận được nỗi lo lắng ngày càng sâu sắc của Tổng bí thư khi nghe ông phát biểu như vậy. Theo dõi những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc gần đây được truyền hình rộng rãi, tôi thấy buồn nhiều hơn vui. Kẻ lừng khừng bắt đầu nể hoặc sợ mà đến, một số người ủng hộ cũng có cơ hội xuất hiện và nói to hơn một chút. Nhưng cho tôi nói thẳng, cả hai thái độ ấy đều làm tôi đau khổ với tư cách là một trí thức, vì cả kẻ bênh hay phá đều ngây thơ như nhau. Kẻ bênh thì ngây thơ tưởng mình có thể bênh được, kẻ phá thì cũng ngây thơ tưởng mình có thể phá được. Và ở đây, thể hiện sự ngây thơ của chúng ta trong việc nhận thức về đời sống chính trị.
Xin anh cụ thể hơn?
-Tôi muốn phải hiện diện của giới trí thức và sự lấp lánh của nó. Trí thức là kẻ nhìn ra sự thật và linh cảm thấy sự thật của tương lai, biểu hiện tập trung nhất của trí thức chính là nỗi lo. Tôi không nhìn thấy nỗi lo thật sự ở đây. Tôi chỉ nghe thấy sự đòi hỏi của cánh trí thức bên này và sự gầm ghè của cánh trí thức bên kia. Hai cánh là hai mặt của tờ giấy bạc được in bằng trí tưởng tượng nông cạn.
Hình như trước đây anh có nhắc đến câu của Nguyễn Trãi "Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn…"
-Vâng, “Ưu”. Ưu là lo, là lo lắng, dằn vặt. Người biết chữ lo nhiều là người gánh điều khốn nạn nhất! Sự lo lắng là biểu hiện đầy đủ nhất của năng lực trí tuệ. Nhiều người tưởng nói bô bô thế là bênh được Đảng. Không phải. Đảng là một khối đá đập không vỡ. Cái nguy cơ là tâm lý có sẵn trong cả hai phía, chứ Đảng không dễ đổ như người ta nghĩ. Với tốc độ ăn cắp và tham nhũng như thế này mà thể chế không sụp đổ thì anh có thể biết sức bền của Đảng là thế nào.
Cách đây một tuần, tôi có trả lời Đài tiếng nói Việt Nam về kinh tế tư nhân. Tôi nói chúng ta tiến cũng sai mà lùi cũng sai, chúng ta đẩy khu vực quốc doanh đi lên thành các mũi nhọn một cách nóng vội. Chúng ta đẩy khu vực kinh tế tư nhân lên thành động lực cũng thiếu sự chuẩn bị, chúng ta cho rằng sự lãnh đạo của Đảng là quan trọng mà bây giờ mới chuẩn bị bước đầu tiên cho sự lãnh đạo của Đảng ở khu vực tư nhân. Tức là khu vực tư nhân chưa có sự lãnh đạo của Đảng, làm sao nó lại trở động lực được.
Bây giờ chúng ta than vãn về đạo đức cũng không phải là chuyện mới. Tôi trăn trở với vấn đề này không ít và tạm dùng ngôn ngữ tuổi teen là "nói ngay cho vuông" là xin trở lại với Bác của chúng ta để làm chỗ vịn, chỗ dựa!
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Quan trọng hơn là phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm đó một cách căn cơ, bài bản, bằng các quy định, quy chế, bằng luật pháp, chính sách; phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế.".
|
Trong di sản và cụ thể là trước tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh muốn trích và viện dẫn đoạn cẩm nang nào?
-Đơn giản và duy nhất. Đó là cuốn "Sửa đổi lề lối làm việc". Năm 1947, Hồ Chí Minh viết cuốn này vì ông biết rằng cuộc kháng chiến sẽ thành công. Thắng người Pháp rồi, ông nghĩ ngay tới việc chuẩn bị cho các đồng chí của mình cầm quyền và ông thông báo nỗi lo lắng khi các đồng chí được mình trang bị vũ khí để cầm quyền ấy liệu còn xem nhân dân là đứa em trong cùng một gia đình hay không.
Cũng cần nói thêm Nhân dân trong tâm hồn Hồ Chí Minh như một nỗi thương cảm, nỗi day dứt, như mục tiêu sống của ông. Nhân dân của chúng ta có một lịch sử lâu dài hàng trăm năm với thân phận đau khổ và lép vế. Và Hồ Chí Minh đã phát hiện ra nhân dân Việt Nam bằng tất cả sự quan trắc về sự thiếu hụt, sự đau khổ, sự bất hạnh và thân phận lép vế của họ. Cuộc cách mạng mà Hồ Chí Minh tạo ra chính là vì nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói trắng ra nhưng Người bênh vực nhân dân như "con út" của mình. Trong khi trang bị sức mạnh và quyền lực cho những "đứa con lớn" tức là các đồng chí của mình, Hồ Chí Minh rất lo lắng day dứt về thân phận của đứa "con út" tức là nhân dân. Hồ Chí Minh không quan tâm đến những đứa "con lớn" với tư cách là đối tượng cần phải nâng đỡ mà với tư cách một công cụ để giải phóng và nâng đỡ đứa "con út". Có thể kết luận rằng, mục tiêu số một, mục tiêu tổng thể của đời sống chính trị của Hồ Chí Minh là giải phóng và nâng đỡ nhân dân. Càng nghiền ngẫm, tôi càng hiểu ra một điều là Người quan tâm đến nhân dân của, còn cách mạng chỉ là một phương tiện. Nỗi khắc khoải chính trị, nỗi khắc khoải tâm hồn, nỗi khắc khoải văn hóa lớn nhất của Hồ Chí Minh là bảo vệ nhân dân.
Những ai muốn tự nhận là học trò của Hồ Chí Minh thì phải hiểu rằng bài học lớn nhất mà Hồ Chí Minh để lại là nhân dân là đối tượng trung tâm của đời sống tâm hồn, đời sống tinh thần của một nhà chính trị. Nếu không nhận ra điều đó thì không thể trở thành học trò của Bác được.
Tôi khẳng định bản chất của việc học tập các tư tưởng của Hồ Chí Minh là học tập đạo đức của ông Cụ. Đạo đức không phải là phẩm chất tinh thần như mọi người nghĩ, đạo đức là vũ khí chính trị, trau dồi đạo đức giống như công việc lau chùi, bảo quản súng.
Một khía cạnh của tầm nhìn Hồ Chí Minh là nỗi lo toan đau đáu của Người về phẩm hạnh của các đồng chí của mình. Trong cuốn "Sửa đổi lề lối làm việc", Bác đã nhìn thấy nguy cơ về sự suy thoái chính trị của một tổ chức chính trị cầm quyền từ khi nó mới cầm quyền được một vài năm. Những nỗi lo về sự suy thoái, về sự tha hóa mà quyền lực mang lại cho phẩm hạnh của những nhà chính trị đã xuất hiện trong Bác ngay từ ban đầu. Đấy là tầm nhìn lớn.
Anh thử lật, thử ngẫm cuốn sách mỏng "Sửa đổi lề lối làm việc" để thấy rằng mỗi trang, mỗi dòng, mỗi chữ của ông Cụ là nỗi lo đau đáu về sự tha hóa mà quyền lực mang lại cho các đồng chí của mình. Và nỗi lo ấy được xác nhận bởi thực tế tha hóa, bởi hiện tượng tham nhũng tràn lan như chúng ta đang thấy.
Tầm nhìn của Hồ Chí Minh cả những mặt tiêu cực của con người. Tầm nhìn ấy lớn lắm, xa lắm. Thử nối tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" với Di chúc thì chúng ta sẽ thấy nỗi lo ấy là một đường cong liên tục, có lúc lên, có lúc xuống. Những tham số tham gia vào nỗi lo lắng của Bác khác nhau trong từng giai đoạn của cuộc kháng chiến, của cuộc cách mạng, của đời sống chính trị, nhưng nó là một đường cong liên tục. Bác lo nghĩ và đau đáu về sự tha hóa do quyền lực tạo ra cho các đồng chí của mình. Toàn bộ nhịp điệu chính trị của Hồ Chí Minh là đi giữa một lằn ranh rất mảnh, rất hẹp, đó là ranh giới giữa ưu điểm và nhược điểm của các đồng chí của mình.
Hồ Chí Minh dẫn cuộc cách mạng đến ngày thành công bằng sự tiên lượng, bằng sự đánh giá một cách rất cụ thể, rất chi tiết tất cả các thói hư tật xấu cũng như những ưu điểm của các đồng chí của mình. Cho nên, sự nghiệp của Hồ Chí Minh là một sự nghiệp vô cùng vất vả. Bác còn là người hoạch định được tầm nhìn của mình về con người một cách chi li đến mức hiểu được từng con người, từng đồng chí xung quanh.
Bác cũng hiểu được tâm lý số đông trong các cộng đồng rộng hơn của các đồng chí của mình. Và xuyên suốt sự xấp xỉ cái trạng thái tích cực và tiêu cực của các đồng chí của mình, Bác luôn luôn có một nỗi lo, không phải sự tan rã của các đồng chí quanh mình, mà là sự "xổng ra" của các thói xấu sẽ gây hại cho nhân dân của mình. Đấy là nỗi lo lớn nhất và vĩ đại nhất của Hồ Chủ tịch. Đấy không còn là tầm nhìn nữa mà là sự đọc chính tả một cách chi li, lâu dài theo thời gian của một con người vĩ đại thấu hiểu tất cả các thói hư tật xấu của con người.
Tầm nhìn là một đại lượng chung chung, nó lệ thuộc vào chất lượng trí tuệ đằng sau cặp mắt ấy. Chỉ có tầm nhìn không thôi thì chưa đủ, tầm nhìn chỉ phỏng đoán các tình huống chính trị chứ không đủ để tổ chức đời sống chính trị. Chi li đến mức đo đếm khuyết tật của con người và tai họa mà con người có thể gặp trong đời sống mới đủ để tổ chức đời sống chính trị.
Kỳ 2: "Nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế