Chương trình được tổ chức thường niên dưới sự chủ trì của VDCA và sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong năm thứ 4 tổ chức, VDA 2021 hứa hẹn nhiều đột phá với vai trò tổ chức thực hiện của Tạp chí điện tử VietTimes – cơ quan ngôn luận của VDCA.
Phát biểu tại buổi tổ chức phát động, ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch VDCA - cho biết, Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam đã tiếp cận được hơn 10 nghìn đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên 63 tỉnh thành; thu hút gần 800 hồ sơ tham dự; vinh danh 200 sáng kiến chuyển đổi số tiêu biểu và tổ chức chuyển đổi số xuất sắc.
Đây là giải thưởng danh giá, tôn vinh thành tựu chuyển đổi số xuất sắc của những cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Nhà nước, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
“Giải thưởng VDA 2021 sẽ tiếp tục phát hiện và tôn vinh những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu của Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm công nghệ Make in Vietnam để quảng bá tới các thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời giải thưởng cũng sẽ tiếp tục cổ vũ và khuyến khích các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ số để chuyển đổi số thành công,” Chủ tịch VDCA và cũng là Trưởng Ban tổ chức VDA 2021 khẳng định.
ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam |
Phát biểu chỉ đạo lễ phát động giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam 2021, ông Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết: Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia. Trong quá trình chuyển đổi số, Việt Nam không chậm hơn thế giới về mặt nhận thức nên chúng ta không thể chậm hơn thế giới về mặt hành động. Vì thế, năm 2021 chính là năm Việt Nam bắt tay chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa.
“Chuyển đổi số không chỉ phát triển công nghệ số mà còn thay đổi nhận thức, thói quen của từng người. Do đó, chuyển đổi số là một quá trình bền vững và là hành trình dài, không thể làm ngay, làm nhanh bởi chuyển đổi số mang tính toàn dân, toàn diện. Chính vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông gọi mỗi người dân phải hành động để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số” – ông Dũng nói.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại sự kiện |
Ông Dũng cho hay: “Năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chủ trương với mỗi hội, hiệp hội Bộ sẽ hỗ trợ trọng tâm vào những lĩnh vực nhất định để chuyển đổi số đạt hiệu quả, có chất lượng. Qua 3 năm triển khai, giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam đã khẳng định uy tín của giải thưởng và tôn vinh nhiều tổ chức tiên phong, có nhiều thành tựu trong chuyển đổi số”.
CMCN 4.0 đã 'thấm' vào trong cuộc sống
Trao đổi với VietTimes, TS. Nguyễn Quân - Nguyên Bộ Trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội Tự động hoá, Chủ tịch Hội đồng chung khảo VDA 2020 bày tỏ tin tưởng giải thưởng VDA 2021 sẽ có nhiều sự phát triển mới.
"Giải thưởng này sẽ góp phần tôn vinh các doanh nghiệp chuyển đổi số, đồng thời giới thiệu, nhân rộng các mô hình chuyển đổi số thành công" - ông Quân chia sẻ.
Trong kỳ xét giải thưởng VDA 2020, các cơ quan nhà nước đã quan tâm đến chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công, cơ quan quản lý nhà nước.
Tiến sĩ Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa |
"Một số dự án tham gia vào giải thưởng VDA năm ngoái quan tâm vào chuyển đổi số để xây dựng thành phố thông minh, toà nhà thông minh, các dự án thông minh trong y tế, giáo dục. Dù thành công mới chỉ là bước đầu, nhưng đã tạo động lực cho các đối tượng khác trong xã hội có thể vượt qua khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi số" - nguyên Bộ Trưởng Bộ KH&CN cho biết.
Đồng thời, Chủ tịch Hội Tự động hoá cũng khẳng định tư tưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đã thấm vào trong cuộc sống.
10 nội dung chuyển đổi số trong ngành Y tế
Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực và ngành nghề trong xã hội, đặc biệt là ngành Y tế. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, với sự nỗ lực của toàn ngành Y tế, công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã và đang triển khai, thực hiện 10 nội dung nổi bật chuyển đổi số trong ngành Y tế sau:
Một là, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản góp phần hoàn thiện để làm cơ sở cho chuyển đổi số y tế.
Hai là, Bộ Y tế đã khai trương Cổng dịch vụ công Bộ Y tế vào năm 2019. Đến ngày 30/6, 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4.
Ba là, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử trong cơ quan nhà nước, triển khai tới các đơn vị thuộc Bộ, tích hợp với các Sở Y tế, 100% hoạt động quản lý văn bản điều hành đã thực hiện trên môi trường mạng và được đăng ký số.
ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế |
Bốn là, Bộ Y tế đã khai trương Cổng công khai Y tế là kênh chính thống của Bộ Y tế để người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo,…
Thông qua Cổng công khai Y tế người dân thực hiện quyền được biết và giám sát các dịch vụ mà ngành Y tế cung cấp, tiến tới công khai giá trúng thầu của các gói thầu thiết bị y tế. Cổng công khai Y tế sẽ giúp các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế tham khảo, lập dự toán nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế.
Năm là, Bộ Y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện. Kết quả, 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện. Trong đó, có 10 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; 23 bệnh viện triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim, hệ thống PACS cloud; ứng dụng đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng robot trong y tế, ứng dụng hỗ trợ ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện, cảnh báo tương tác thuốc; hỗ trợ tư vấn - Chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện.
Sáu là, Bộ Y tế đã phối hợp với BHXH Việt Nam triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan BHXH. Đến nay, đã có 99.5% cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam.
Bảy là, Bộ Y tế xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế. Bộ Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Đặc biệt, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ Khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa Telehealth.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân và nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng tại buổi họp báo |
Tám là, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Theo kế hoạch này, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời như tỉnh Phú Thọ, Tỉnh Bình Dương,…
Chín là, thời gian qua, Bộ Y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế cơ sở, xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã thống nhất theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế; hình thành nền tảng quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế V20, đồng thời, tổ chức triển khai hệ thống thống kê y tế điện tử trên toàn quốc.
Mười là, Bộ Y tế đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 gồm: phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, An toàn COVID,…
Ngoài ra, Bộ Y tế còn triển khai các hệ thống thông tin lớn như: mạng kết nối y tế Việt Nam, Hệ thống Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc trên toàn quốc; triển khai hệ thống tiêm chủng quốc gia,… hướng tới chuyển đổi số toàn diện ngành Y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ: “Để đạt được các kết quả về chuyển đổi số y tế như trên, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của toàn Ngành Y tế, sự hợp tác, giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương, có sự đóng góp hiệu quả, trực tiếp của đội ngũ nhân lực, các doanh nghiệp công nghệ thông thông tin – truyền thông. Chính vì thế, Bộ Y tế sẽ ủng hộ và đồng hành cùng Hội Truyền thông số Việt Nam trong việc tôn vinh các đơn vị, cá nhân tiêu biểu, đổi mới suất sắc trong việc cung cấp, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.”
“Tôi mong rằng Hội truyền thông số Việt Nam, các cơ quan truyền thông, báo chí, các doanh nghiệp công nghệ thông tin sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ ngành y tế trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt là trong chuyển đổi số y tế. Mong rằng các doanh nghiệp, cá nhân đã đóng góp cho chuyển đổi số y tế sẽ đạt được nhiều giải thưởng cao trong chương trình Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam”- Thứ trưởng khẳng định.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu