Người từng hát cùng Giang Trạch Dân đến Hồng Kông để “hàn gắn quan hệ” Philippines - Trung Quốc?

VietTimes -- Nhiệm vụ của ông Fidel Ramos là làm hâm nóng mối quan hệ Philippines -Trung Quốc vốn bị sứt mẻ do Philippines đã dùng một vụ kiện bác bỏ hoàn toàn yêu sách "quyền lợi lịch sử" vô lý, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
 Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos (bên phải) và cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân cùng hát ở một buộc tiệc chiêu đãi cấp nhà nước tại Dinh Malacanang, Manila, Philippines vào ngày 26/11/2016. Ảnh AFP.
Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos (bên phải) và cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân cùng hát ở một buộc tiệc chiêu đãi cấp nhà nước tại Dinh Malacanang, Manila, Philippines vào ngày 26/11/2016. Ảnh AFP.

Tờ Liên hợp Đài Loan ngày 9/8 cho hay cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos ngày 8/8 bắt đầu đến Hồng Kông tiến hành chuyến thăm 5 ngày, trong thời gian này ông sẽ gặp gỡ bạn bè và hàn gắn quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc - mối quan hệ này bị sứt mẻ vì tranh chấp Biển Đông.

Ngày 12/7, Tòa trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines, phán quyết này hoàn toàn bất lợi cho Bắc Kinh, đã khiến cho Bắc Kinh vô cùng tức tối. Trung Quốc từ chối chấp nhận kết quả phán quyết, quan hệ song phương tiếp tục căng thẳng.

Vì vậy, Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ủy thác cho cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos năm nay 88 tuổi làm đặc phái viên, hy vọng triển khai đàm phán với Trung Quốc.

Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos và Tổng thống đương nhiệm Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: SCMP.
Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos và Tổng thống đương nhiệm Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: SCMP.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Ernesto Abella cho biết chuyến đi Hồng Kông lần này của ông Fidel Ramos "có thể sẽ mở đường cho đối thoại ngoại giao chính thức trong tương lai", đồng thời ông Fidel Ramos sẽ "gặp gỡ bạn bè và có thể chơi vài trận đấu golf" ở Hồng Kông.

Trước khi ông Fidel Ramos lên đường, khi được hỏi về khả năng đưa vấn đề phán quyết của Tòa trọng tài ra với phía Trung Quốc, ông Fidel Ramos cho biết: "Đây không phải là nhiệm vụ của tôi. Người đưa ra vấn đề này sẽ không phải là tôi. Nhiệm vụ của tôi là tái khởi động quan hệ với Trung Quốc". Ông còn cho biết quan chức hai nước sẽ tổ chức hội đàm chính thức.

Trong khi đó Tân Hoa xã Trung Quốc có bài bình luận cho rằng chuyến đi này của ông Fidel Ramos đại diện cho "bước đi cụ thể đầu tiên" của quan hệ song phương, đồng thời "có thể mở ra chương mới cho giải quyết tranh chấp".

"Ông Fidel Ramos có thể là người được lựa chọn tốt nhất cho công tác phá băng, bởi vì ông là nhà chính trị được tôn trọng ở các nước khác và châu Á".

Ông Fidel Ramos hoàn toàn không cho biết sẽ gặp gỡ những người bạn nào ở Hồng Kông, nhưng cho biết mặc dù những người này có thể giúp đỡ gây ảnh hưởng tới cấp cao lãnh đạo Trung Quốc, nhưng họ không phải đã nghỉ hưu thì cũng không còn ở chốn quan trường.

Tổng thống Philippines Fidel Ramos (bên phải) và Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân cùng hát ở một buộc tiệc chiêu đãi cấp nhà nước tại Dinh Malacanang, Manila, Philippines vào ngày 26/11/2016. Ảnh AFP.
Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos (bên phải) và cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.

Báo chí Philippines trước đó cho rằng ông Fidel Ramos sẽ đến Bắc Kinh, nhưng ông cho biết: "Tôi hoàn toàn không được trao quyền đến Bắc Kinh. Tôi đã nghỉ hưu, không tiếp tục đàm phán".

Ông Fidel Ramos làm Tổng thống Philippines từ năm 1992 đến 1998. Trong nhiệm kỳ của ông, Trung Quốc đã xâm chiếm đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đồng thời đã xây dựng công trình trên đá ngầm.

Sau đó, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Benigno Aquino III, vào năm 2012, Trung Quốc lại tiếp tục xâm chiếm bãi cạn Scarborough, ngăn chặn, không cho ngư dân Philippines đến đánh bắt cá tại khu vực.

Sang năm 2013, Manila đã đưa tranh chấp bãi cạn Scarborough và đảo đá Biển Đông lên Tòa trọng tài ở The Hague. Vụ việc đã được Tòa trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng, bác bỏ mọi căn cứ đòi yêu sách của Trung Quốc ở vùng biển.