Theo ThS.BS. Tạ Thùy Linh - Phó khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế Bệnh viện Nội tiết Trung ương - Tết cổ truyền là ngày Tết lớn nhất Việt Nam. Đây là thời gian sum họp bên gia đình và người thân, nên ai cũng mong muốn có những ngày Tết trọn vẹn, vui vẻ và hạnh phúc.
Trong những ngày Tết, việc ăn uống và sinh hoạt của mọi người có nhiều thay đổi, do chúng ta được nghỉ và ăn ngon, đầy đủ hơn. Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường luôn có những lo lắng đến vấn đề ăn uống và kiểm soát đường máu trong những ngày Tết.
“Tuy nhiên, để người bệnh đái tháo đường tận hưởng những ngày Tết và ăn những món ăn ngon, nhưng vẫn kiểm soát được đường máu thì không phải ai cũng nắm rõ và thực hành tốt chế độ ăn uống”- ThS.BS. Tạ Thùy Linh.
Hạn chế ăn thực phẩm có nhiều đường và thay đổi thời gian tiêm insulin phù hợp
Theo ThS.BS. Tạ Thùy Linh, trong những ngày nghỉ Tết, người bệnh đái tháo đường nên thay đổi thời gian tiêm insulin và uống thuốc phù hợp với các bữa ăn.
“Trong suốt những ngày Tết, người bệnh thường có những bữa ăn với gia đình, bạn bè và thời gian dùng bữa có thể thay đổi đáng kể so với ngày thường. Các bữa ăn có thể sớm hơn hoặc khá gần nhau. Nếu người bệnh đái tháo đường tiêm insulin hoặc uống thuốc hạ đường máu, có thể lựa chọn thay đổi thời điểm tiêm insulin và uống thuốc theo các bữa ăn trong những ngày Tết”- ThS.BS. Tạ Thùy Linh chia sẻ.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đái tháo đường tiêm các mũi tiêm insulin khá gần nhau có thể làm tăng nguy cơ hạ đường máu. Vì vậy, người bệnh cần để 2 lần tiêm insulin cách nhau tối thiểu 4 giờ. Ngoài ra, bệnh nhân có thể giữ nguyên thời điểm dùng thuốc như ngày thường bằng cách ăn nhẹ vào thời điểm các bữa ăn thường ngày, và điều này sẽ hạn chế việc thay đổi thời điểm dùng thuốc hàng ngày, giúp đường máu ổn định hơn.
Một khuyến cáo nữa được chuyên gia dinh dưỡng đưa ra là bệnh nhân cần lựa chọn thực phẩm hạn chế gây tăng đường máu. Nhiều loại thực phẩm truyền thống trong ngày Tết có chứa nhiều đường, tinh bột sẽ gây tăng đường máu cao hơn những loại thực phẩm thường ngày.
Chính vì vậy, người bệnh đái tháo đường không nên ăn quá nhiều những loại thực phẩm này và nên hạn chế những loại trái cây như mít, sầu riêng, nhãn, vải, dưa hấu.
Bên cạnh đó, người tiểu đường cũng cần hạn chế bia rượu. Nếu có sử dụng thì nên sử dụng với liều lượng ít.
Cũng theo chuyên gia dinh dưỡng, trong những ngày Tết, mọi người thường ăn khá nhiều bữa hoặc sử dụng nhiều loại thực phẩm chứa đường và tinh bột như bánh kẹo, mứt, các loại hạt rải rác trong ngày. Vì vậy, trong các bữa chính, bệnh nhân lượng thực phẩm tinh bột để đảm bảo duy trì tổng lượng tinh bột so với thường ngày. Tuy nhiên, không nên bỏ hoàn toàn lượng tinh bột trong các bữa ăn vì có thể là nguyên nhân gây hạ đường máu và khó kiểm soát đường máu.
Ăn thêm rau xanh và duy trì hoạt động thể chất
Theo chuyên gia, rau xanh là thực phẩm chứa nhiều chất xơ sẽ giúp hạn chế tăng đường máu hơn, nhưng các món ăn ngày Tết thường ít rau. Tuy nhiên, chỉ một vài món rau sẽ giúp người bệnh đái tháo đường ăn ngon miệng hơn và kiểm soát đường máu tốt hơn. Nhiều loại rau không không chứa tinh bột (như súp lơ, rau cải, rau muống...) có nhiều lợi ích cho người bệnh đái tháo đường.
Trong những ngày Tết nhiều hoạt động thể chất, tập luyện và lao động ngừng lại, thay vào đó là mọi người thường ăn nhiều hơn. Đây là nguyên nhân gây tăng đường máu. Vậy nên, người bệnh đái tháo đường nên cố gắng duy trì hoạt động thể chất thường xuyên. Đơn giản nhất là có thể đi bộ 15 phút sau các bữa ăn, duy trì đều đặn 30 phút mỗi ngày sẽ giúp người bệnh kiểm soát đường máu tốt hơn.
Khuyến cáo cuối cùng là người đái tháo đường cần theo dõi đường máu thường xuyên hơn, bởi người bệnh có nguy cơ tăng đường máu trong những ngày Tết nhiều hơn. Nên việc theo dõi đường máu sẽ giúp các bệnh nhân đái tháo đường có thể thay đổi chế độ ăn và liều thuốc phù hợp.
“Vì vậy có thể điều chỉnh liều insulin theo hướng dẫn của bác sỹ nếu đường huyết quá cao hoặc quá thấp. Nên trong trường hợp có những bất thường về đường máu như hạ đường máu thường xuyên hay đường máu quá cao hoặc có những triệu chứng bất thường như mệt mỏi, khát nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân nhanh chóng… người bệnh cần báo cho bác sỹ hoặc đến khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất”- ThS.BS. Tạ Thùy Linh khuyến cáo.