Người Hàn Quốc ở Việt Nam kể về cuộc sống đối diện Covid-19

VietTimes -- Tính đến 00h00 ngày 5/3, Hàn Quốc đã có 5.766 người mắc COVID-19, 94 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện hạn chế nhập cảnh với công dân Hàn Quốc. Tiến sĩ Bae Yooil (giảng viên Trường đại học Fulbight Việt Nam ở Quận 7, TP.HCM) nói chuyện với VietTimes về việc cả gia đình ông đang cảm thấy như thế nào khi ở Việt Nam giữa lúc dịch Covid-19 đang hoành hành.
Tiến sĩ Bae Yooil (giảng viên Trường đại học Fulbight Việt Nam ở Quận 7, TP.HCM) nói chuyện với VietTimes.
Tiến sĩ Bae Yooil (giảng viên Trường đại học Fulbight Việt Nam ở Quận 7, TP.HCM) nói chuyện với VietTimes.

Bạn sống ở đây bao lâu rồi? Bạn thấy cuộc sống ở đây thế nào?

Tôi đã sống ở TP. HCM (khu Phú Mỹ Hưng quận 7) được hơn 2 năm. Trước khi sang Việt Nam, tôi có hơn chục năm sinh sống và làm việc ở Singapore (Tiến sĩ Bae Yooil trước là giảng viên Trường đại học Quản lý Singapore - người viết).

Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa và Việt Nam cũng là nơi mà những người dân bình thường có thể giao du với đồng bào và người nước ngoài hàng ngày.

Chúng ta cũng chứng kiến tốc độ tăng trưởng và sự thay đổi nhanh chóng diễn ra hàng ngày ở các thành phố và ngôi làng ở VN, điều khiến cho tôi cảm thấy thật thú vị khi được sống ở một quốc gia năng động như vậy.

Thi thoảng, tất nhiên là có hơi khó khăn một chút để thích ứng với một nền văn hóa mới nhưng là người Hàn Quốc, có mối quan hệ gắn bó với người Việt Nam và mối quan hệ ngoại giao đặc biệt giữa hai nước giúp tôi cảm thấy cuộc sống khá thoải mái và dễ chịu trong môi trường mới này.

Ông HLV người Hàn Park Hang Seo cũng đã giúp ích rất nhiều, khiến cho chúng ta, cả người Việt và người Hàn, được tự hào.

Dịch COVID-19 đã lây lan ra nhiều quốc gia và ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của nhiều người dân. Cuộc sống của bạn những ngày này ra sao?

Tôi nghĩ là tất cả mọi người đều đang gặp phải tình huống giống nhau. Với cá nhân tôi mà nói, việc phải ở trong nhà suốt từ Tết đến giờ quả là phần khó khăn nhất, vì như mọi trường học khác, trường đại học nơi tôi làm việc cũng đóng cửa cho đến giờ. 

Thậm chí ngay cả khi cách đây vài tuần chúng tôi bị ốm vì những nguyên nhân khác (ví dụ như bệnh cúm dạ dày), chúng tôi cũng không dám chắc mình có nên đi bệnh viện hay không.

Con người là giống loài xã hội, nhưng dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống giao tiếp xã hội, khi chúng ta ít đi ra ngoài ăn uống với bạn bè hơn, các buổi tụ tập bị hủy bỏ…

Nhưng sau cùng, tôi cảm thấy khá ổn với những xáo trộn này, bởi vì Chính phủ Việt Nam đã có hành động nhanh chóng trong cuộc chiến chống dịch.

Bệnh viện Thánh Mẫu Seoul tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 ( Ảnh: Yonhap).
Bệnh viện Thánh Mẫu Seoul tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 ( Ảnh: Yonhap).

-  Ông nhìn nhận những nỗ lực chống dịch của Chính phủ VN hiện nay như thế nào? Ông có cảm thấy phiền khi cuộc sống của mình bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng dịch hiện nay?

Là một học giả nghiên cứu về chính sách công dưới góc nhìn so sánh, tôi tin rằng Chính phủ VN đã làm rất tốt trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng. Chính phủ đã hành động nhanh chóng và quyết đoán.

Việc đóng cửa trường học và bắt buộc phải cách ly ngay từ sân bay là những hành động chính đáng. Tất nhiên, chúng ta nên tiếp tục thực thi các biện pháp bảo đảm an toàn nhưng tôi muốn khen ngợi Chính phủ Việt Nam vì những nỗ lực này.

Một số bạn bè người Việt của tôi cho rằng chính phủ đang phản ứng hơi thái quá, nhưng tôi nghĩ rằng phản ứng quá mức là điều cần thiết trong tình trạng khẩn cấp như thế này.

Một số người có thể kêu ca về một số biện pháp mang tính cưỡng chế (như cách ly tại gia trong 14 ngày, vv..vv), nhưng vì lợi ích lớn lao hơn (sự an toàn của đất nước và các cộng đồng), chúng ta phải giữ bình tĩnh và tuân thủ hướng dẫn của Chính phủ.

Tôi muốn nói rằng, sự minh bạch từ cả hai phía (hành động minh bạch của chính phủ và phản ứng minh bạch của công dân) đều vô cùng cần thiết.

Dịch bệnh đã lây lan nhanh chóng ra nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc. Cuộc sống của những người thân của ông ở Hàn Quốc như thế nào? Ông có lo lắng cho họ?

Vâng, tôi lo lắng cho gia đình, bạn bè và những người đồng hương Hàn Quốc, cũng như bạn bè người Trung Quốc và Nhật Bản của tôi, những người đang phải chống chọi với dịch bệnh lây lan.

Cho đến giờ, mọi người vẫn bình tĩnh, không hoảng loạn và trong tâm thế cẩn thận phòng ngừa. Tôi hi vọng những nỗ lực mang tính hợp tác của chính phủ Hàn Quốc nhằm kiềm chế virus sẽ sớm mang lại hiệu quả.

"Tôi tin rằng Chính phủ VN đã làm rất tốt trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng", Tiến sĩ Bae Yooil nói.
"Tôi tin rằng Chính phủ VN đã làm rất tốt trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng", Tiến sĩ Bae Yooil nói.

Theo ông, chúng ta nên làm gì để đương đầu với tình hình này, trong bối cảnh dịch chưa thể được kiểm soát?

Như một giáo sư Harvard đã dự báo, có khả năng 40-70% dân số toàn cầu có thể bị nhiễm virus. Những diễn tiến hiện nay cho thấy khả năng rất lớn là virus sẽ trở thành đại dịch toàn cầu.

Trong tình trạng như vậy, tất cả chúng ta, cả khu vực công lẫn tư đều phải hợp tác với nhau chặt chẽ và đầy đủ.

Nếu cần thiết, Chính phủ có thể phải triển khai nhiều hành động trong thời gian kéo dài hơn. Nhưng trong tình huống đó, Chính phủ cần thuyết phục các công dân của mình và tìm kiếm sự hợp tác từ họ./.