Người đàn ông suýt mất mạng vì ăn gỏi cá rô phi có tả biển

VietTimes -- Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận bệnh nhân nam 54 tuổi nguy kịch sau khi ăn món gỏi cá rô phi có tả biển.
Bệnh nhân N.V.T. nguy kịch sau khi ăn gỏi cá có tả biển. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân N.V.T. nguy kịch sau khi ăn gỏi cá có tả biển. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân N.V.T. (54 tuổi, Hải Phòng) là lao động tự do, làm việc tại các công trình xây dựng địa phương. Ngày 7/4, sau một ngày làm việc theo thói quen ông T. cùng bạn bè ăn món gỏi cá rô phi. Hôm sau, ông T. bắt đầu phát sốt, chân phải tê và không thể cử động được.

Ông được cấp cứu ở Bệnh viện Việt Tiệp - Hải Phòng vào ngày 9/4. Các bác sỹ đã tiến hành khám và chẩn đoán ông bị nhiễm độc do “vibrio haemolyticus” hay còn gọi là “tả biển” - một loại vi khuẩn thường có trong các loại thủy sản như cá, tôm,…

Khi vào viện, người bệnh rơi vào trạng thái shock, suy giảm chức năng gan, thận; cần tới vận mạch để duy trì huyết áp. Ngay lập tức, các bác sĩ đã chỉ định cắt bỏ chân phải càng sớm càng tốt để cứu lấy tính mạng bệnh nhân.

Tuy nhiên, do điều kiện bệnh nặng và gia đình chưa thống nhất nên ông T. được tiến hành rạch tháo mủ ở cẳng chân phải và chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào ngày 11/4.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ trực cấp cứu Khoa Chấn thương Chỉnh hình và Hồi sức đã liên tục hội chẩn, đưa ra các biện pháp tốt nhất nhằm duy trì tình trạng huyết động, đưa ra phương án xử lý vết thương ở cẳng chân cho bệnh nhân.

Sau 3 ngày điều trị tích cực, ông T. đã tỉnh dần, các chỉ số trong cơ thể đã ổn định. Sau đó, người bệnh được đưa vào điều trị tại Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương.

1 tuần sau, người bệnh đã tiến triển tốt, không phải dùng vận mạch, chức năng gan và thận trở lại bình thường. Ông T. đã được phẫu thuật lại để cắt lọc và xử trí nhiễm khuẩn ở cẳng chân phải kết hợp với việc duy trì kháng sinh liều cao, thay băng chăm sóc tại chỗ.

Kết quả xét nghiệm sau đó không còn ghi nhận sự xuất hiện của “tả biển”.

ThS.BS. Trần Tuấn Anh - Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân – chia sẻ: Qua trường hợp của bệnh nhân T., có thể thấy việc sử dụng thức ăn chưa được nấu chín kĩ luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm các loại vi sinh vật nguy hiểm không chỉ đe dọa tới tính mạng và còn ảnh hưởng tới các hoạt động sinh hoạt và lao động về sau. Do đó, người dân cần “ăn chín, uống sôi”, hạn chế tối đa việc sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ độc tính có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân và gia đình.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Chính - Trưởng Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương - mặc dù giữ được tính mạng, giữ được chân nhưng bệnh nhân sẽ phải dành thời gian tập phục hồi chức năng để có thể trở lại cuộc sống bình thường.  

Bệnh nhân là trụ cột gia đình, gia đình người bệnh lại thuộc hộ nghèo nên hiện tại gia đình rất khó khăn, tốn kém chi phí trong điều trị cũng như chăm sóc tại Bệnh viện.

Vibrio parahaemolyticus là vi khuẩn bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường ăn uống, cùng họ với vi khuẩn tả (vibrio cholerae) gây ra nên còn được gọi là “tả biển”.

Đây là loại vi khuẩn ưa mặn (halophile) nên chúng mọc tốt ở môi trường kiềm và mặn, tồn tại trong nước biển và các động vật biển như cá, tôm, sò, ốc..., thường sống ở các cửa sông và ven biển hầu hết các vùng trên thế giới.

Hiện, Vibrio parahaemolyticus đã được xác nhận là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ngộ độc thức ăn do ăn cá biển và hải sản. Vi khuẩn này cũng là một trong 3 chủng vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy (Salmonella, Shigella).