Liên quan tới hộ chiếu vaccine COVID-19 điện tử, người dân cả nước và dư luận xã hội đang quan tâm bởi theo thông báo thì người tiêm đủ mũi không cần làm gì thêm vẫn tự động được cấp hộ chiếu vaccine.
Cụ thể, cần hiểu đúng hộ chiếu vaccine là chứng nhận điện tử do Bộ Y tế xác nhận, cho thấy người dùng đã tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 cần thiết. Mã QR có thời hạn hiệu lực là 12 tháng. Khi hết thời hạn, người dân sẽ được thông báo và tự động khởi tạo mã QR mới để sử dụng. Đây được coi như giải pháp kỹ thuật an toàn và bảo mật thông tin cho người dân.
Theo cơ quan chức năng, người dân đã được tiêm chủng và được cơ sở tiêm chủng cập nhật dữ liệu lên hệ thống, được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được ký số xác nhận hộ chiếu vaccine mà không phải làm thủ tục gì thêm.
Theo quy định, hộ chiếu vaccine được hiển thị trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, PC-Covid hoặc trên trang tra cứu Bộ Y tế đang xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới. Cùng với đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Công an bổ sung chức năng hiển thị hộ chiếu vaccine trên ứng dụng VNEID.
Thông tin từ Bộ Y tế cho hay, hiện cả nước đã có hơn 3,5 triệu người Việt Nam có hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên, con số này tỏ ra khá khiêm tốn so với lượng phủ vaccine 2 mũi đã vượt trên 100% người ở độ tuổi cần tiêm trên cả nước.
Hộ chiếu vaccine sẽ được cấp cho người dân trên nền tảng ứng dụng PC-Covid |
Thực tế là trên app PC-Covid cho đến nay hầu hết người dùng đều cho biết hệ thống chưa tự động cập nhật dữ liệu này. Nên với đa phần người dân, vẫn chưa được biết đến ngày nào mới được cấp hộ chiếu vaccine COVID-19.
Thông tin thêm về vấn đề này, cơ quan chức năng tại TP.HCM cho biết, 92% hồ sơ tiêm vaccine Covid-19 đang được xác thực để cấp hộ chiếu vaccine. Sở Y tế TP.HCM vừa cho biết hiện đã có 310 phường, xã thuộc 22 quận, huyện và TP Thủ Đức gửi 4.124.156 hồ sơ (trên tổng số hồ sơ cần xác thực là 4.481.992, chiếm tỷ lệ 92%) đến công an phường, xã để được xác thực và cấp hộ chiếu vaccine.
Trước đó, để bảo đảm quyền lợi của người dân được cấp giấy chứng nhận đã tiêm vaccine và tiến đến cấp hộ chiếu vaccine khi tham gia tiêm Covid-19, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo tất cả trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn thành phố khẩn trương triển khai chiến dịch "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng và triển khai chữ ký số xác nhận tiêm chủng.
Theo hướng dẫn, tất cả trạm y tế đã và đang khẩn trương lập danh sách đối tượng tiêm vaccine Covid-19 thường trú trên địa bàn sai thông tin tiêm chủng (danh sách này do Bộ Y tế xác định và gửi về) chuyển tới công an xã, phường, thị trấn để thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hộ chiếu vaccine COVID-19. Ảnh- Google |
Theo TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, để có thể triển khai đồng bộ các công việc trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã tổ chức 3 lớp tập huấn thực hiện việc làm sạch dữ liệu và ký số chứng nhận tiêm cho 1.009 cán bộ, nhân viên từ các phòng y tế, trung tâm y tế, trạm y tế và cơ sở tiêm chủng. Đến nay, toàn bộ trung tâm y tế trên địa bàn thành phố đã được trang bị chữ ký số để xác nhận tiêm chủng cho người dân, đã có 273 xã, phường, thị trấn được trang bị chữ ký số, trong đó 133 xã, phường, thị trấn đã thực hiện ký số.
Đến nay, toàn thành phố đã có 374.137 dữ liệu đã được ký duyệt chữ ký số chứng nhận tiêm và đang triển khai thực hiện làm sạch dữ liệu tiêm chủng tại 310 phường, xã với 4.124.156 hồ sơ trên tổng số hồ sơ cần xác thực là 4.481.992.
TP.HCM xác định chiến dịch làm sạch dữ liệu tiêm chủng và triển khai chữ ký số chứng nhận tiêm chủng có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đảm bảo quyền của người dân được cấp giấy chứng nhận đã tiêm vaccine và cấp hộ chiếu vaccine mà còn khởi động lộ trình chuyển đổi số đối với các hoạt động tại tuyến y tế cơ sở; Sở Y tế cho biết sẽ phối hợp Sở TT-TT và Công an TP.HCM tiếp tục tập trung toàn lực để thực hiện và quyết tâm hoàn thành kịp tiến độ công việc được giao.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu