Cái chết của bé H.T.V.Đ đã khiến không chỉ bà con xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cảm thấy bàng hoàng, mà dư luận trên mạng xã hội cũng xót xa khi biết rằng nguyên nhân cái chết của bé có liên quan đến bệnh nghiện game.
Đ.N.H – nam sinh lớp 11- nghi can chính của vụ án đã thừa nhận tại cơ quan công an rằng cậu ta đã bắt và giấu bé Đ trong một căn nhà hoang trong rừng để cho giống với một tình huống trong trò chơi điện tử. H dự định rằng sau khi mọi người đi tìm bé Đ, cậu ta sẽ mang Đ về nhà như là người có công tìm ra cháu bé. Tuy nhiên, khi thấy cơ quan chức năng tiến hành điều tra vụ việc, H đã lo sợ nên không đưa bé Đ về nữa.
Như báo chí đã đưa tin, khoảng 15h ngày 7/6, bé H.T.V.Đ, 5 tuổi, xin phép bố mẹ cho sang nhà hàng xóm chơi. Đến tối cùng ngày khi không thấy con về, gia đình và người thân đã đi tìm kiếm khắp nơi, sau đó báo với cơ quan chức năng về việc mất tích của bé.
Đến chiều 9/6, công an và gia đình đã tìm thấy thi thể của cháu tại một con suối gần một ngôi nhà hoang trong rừng trong tình trạng bị trói chân tay. Địa điểm này cách nhà của bé Đ khoảng 10km. Lực lượng chức năng nhận định rằng khi mới bắt cóc cháu bé, nghi phạm H đã giấu cháu trong căn nhà hoang trước khi đưa bé xuống suối.
Được biết, nghi phạm H và bé Đ là hàng xóm, nhà cách nhau 30m. Bố của nghi phạm H và bố của Đ – anh Hồ Văn Tụ là bạn thân. Bé Đ vẫn thường sang nhà H chơi và cơ quan chức năng xác định H là người cuối cùng được nhìn thấy tiếp xúc với Đ trước khi bé mất tích.
Trả lời trên VTC, thầy Cao Thanh Tuấn, Hiệu trưởng trường THPT Quỳnh Lưu 4 cho biết nghi phạm Đ.N.H có học lực trung bình khá, có dấu hiệu nghiện chơi game nhưng không phải là học sinh cá biệt. Quá trình học tập tại trường H đều tuân thủ nội quy nhà trường đề ra.
Do nghi ngờ việc bắt cóc cháu Đ còn có sự giúp sức của người khác nên sáng nay (10/3) cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã tạm giữ thêm một nam sinh trường Quỳnh Lưu 4 là P.V.T để điều tra.
Nghiện game là một bệnh lý
Theo báo cáo điều tra quốc gia về trẻ vị thành niên và Thanh niên lần lần thứ hai (SAVY 2), có đến 38% trẻ vị thành niên dùng thời gian rảnh rỗi để chơi game.
Game là một thứ có tính chất gây nghiện. Các trò chơi điện tử được thiết kế với nhiều cấp độ để kích thích người chơi chinh phục, vượt qua. Khi đạt được chiến thắng trong game, não tiết ra một lượng dopamine cao làm cho người chơi cảm thấy vui vẻ dễ chịu. Game có thể khiến người ta ngồi lì hàng giờ đồng hồ để chơi mà không thấy chán. Người chơi giống như được thâm nhập vào một thế giới mới và quên mất thực tại nơi mình đang ngồi.
Trò chơi điện tử lôi cuốn trẻ vị thành niên (ảnh: báo Pháp luật)
|
Chính việc ngồi chơi nhiều giờ trong ngày và nhiều ngày liên tục sẽ khiến cho người chơi bị suy giảm về thể chất và tâm thần. Tác hại rõ nhất là mắt khi tiếp xúc liên tục với ánh sáng xanh của màn hình máy tính. Ngồi quá lâu một chỗ khiến quá trình lưu thông máu giảm sút dẫn đến cơ bắp dễ bị tổn thương, hệ miễn dịch suy giảm. Nhưng điều đáng nói nhất là những tổn thương về hệ thần kinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận “nghiện game” là một chứng rối loạn, một bệnh lý.
Nhiều trẻ vị thành niên coi thế giới trong game mới là thế giới mà các em đang sống. Chơi game nhiều khiến các em bị hạn chế giao tiếp xã hội. Khi không được chơi game thì cảm thấy khó chịu, bứt rứt.
Những hệ lụy đau lòng từ nghiện game
Người viết bài này có một đứa cháu họ thuộc dạng nghiện chơi game. Do bố mẹ cháu bận làm ăn nên cháu thường ở nhà một mình chơi game trên máy tính. Khi bố mẹ cháu nhận thấy những hành vi cư xử bất thường là lúc cháu đã quá nghiện game. Cháu không muốn ra khỏi nhà, gặp ai cũng không chào hỏi, không nói năng gì. Khi bố mẹ không cho cháu chơi game là cháu đập phá đồ đạc nhà cửa và hét lớn. Bố cháu đã phải nghỉ việc để đưa cháu đi điều trị. Cho đến bây giờ cháu vẫn giống như một đứa trẻ tự kỉ, không thích giao tiếp với ai.
Đọc lại những bài báo từ trước đến nay, không thiếu những trường hợp con cái cầm dao đòi bố mẹ đưa tiền để chơi game. Tờ Tuổi trẻ đưa tin chị Dung ở quận Gò Vấp có đứa con trai 7 học lớp 7 “mê điện thoại hơn bất cứ thứ gì”. Suốt ngày cháu chỉ “cắm mặt” vào điện thoại để chơi game, xem YouTube. Có những hôm cháu đi chơi ở tiệm Net đến nửa đêm, bố mẹ gọi không về. “Có lần nó đã cầm dao đe dọa tôi phải cho tiền để ra tiệm Net chơi vì nó nói máy tính ở đó mới mạnh”, chị Dung tâm sự.
Báo Nghệ An tháng 11/2015 đưa tin tại một số trường học trên địa bàn thị trấn Tân Kỳ và các xã Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương liên tiếp xảy ra các vụ đột nhập, ăn trộm tài sản. Sau một thời gian điều tra, các nhà chức trách đã bắt được những kẻ tội phạm.
Điều đáng nói là 3 kẻ tội phạm đều là học sinh. Do nghiện game, muốn có tiền chơi game nên cả 3 học sinh này đã thực hiện 7 vụ đột nhập, trộm màn hình và CPU máy tính trị giá khoảng 60 triệu đồng.
Những con số về người nghiện game (đồ họa: báo Tuổi trẻ)
|
Người dân Nghệ An cũng từng xôn xao câu chuyện nam sinh P.Đ.C, ngụ tại xã Thanh Long, huyện Thanh Chương tử vong sau nhiều ngày bỏ đi chơi game. Trường hợp của nam sinh này cho thấy tình trạng nghiện game khá phổ biến trong học sinh THCS.
Do ảnh hưởng của những cảnh đấm đá, bạo lực, giết người trong game mà nhiều thanh niên, học sinh nghiện game đã trở thành sát nhân. Đó là trường hợp của sinh viên Vương Đình Khánh ở xóm 17 xã Nghi Phong, Nghệ An. Trong một lần mâu thuẫn với mẹ đẻ, đúng lúc đang trong tình trạng ảo giác vì game, Khánh đã dùng sợi dây dù siết cổ mẹ đến chết.
Một điều tra viên thụ lý vụ án cho biết Khánh có biểu hiện nghiện game nặng, tinh thần đờ đẫn, nên việc lấy lời khai khá khó khăn. Khánh từng phải điều trị tại bệnh viện tâm thần Nghệ An trong thời gian dài do chứng hoang tưởng vì game.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Kim Thìn, nghiện game là con đường dẫn đến nhiều hành vi lệch lạc, trong đó có loạn thần và tự tử. Tâm lý căng thẳng khi chơi game khiến não bị tổn thương và có những hành vi bất bình thường.
Có thể nói nghiện game đã và sẽ tiếp tục gây ra những hậu quả đau lòng cho chính bản thân người chơi và xã hội. Trước hết, các bậc cha mẹ và nhà trường cần quan tâm đến con cái nhiều hơn để các em có thể phát triển lành mạnh, không sa đà vào những trò chơi điện tử vô bổ, nguy hại khôn lường.