Nhận xét chung của giới chuyên môn cổ vật là chiếc xe kéo trong tình trạng khá hoàn hảo, đẹp và sang trọng đưa từ Pháp về trưng bày ở hoàng cung Huế, rất hiếm có tại VN hiện nay. Nhưng bản thân hiện vật gần như không có dấu hiệu gì để chứng minh là của nhà vua hoặc xuất xứ từ cung đình Huế như những thông tin vừa được giới thiệu.
Những điểm gây nghi vấn
Hiện vật đang được trưng bày tại cung Diên Thọ, khu vực sinh hoạt của các hoàng thái hậu triều Nguyễn. Tấm bảng giới thiệu về chiếc xe ghi rõ: “Theo hồ sơ đấu giá, đây là chiếc xe kéo do vua Thành Thái tặng cho mẹ mình là hoàng thái hậu Từ Minh để dạo chơi trong vườn ngự uyển”.
Cuộc đấu giá diễn ra tại Chateau de Cheverny, TP Tours (Pháp) do Văn phòng đấu giá Rouillac tổ chức vào ngày 13-6-2014. Đại diện bên mua (tỉnh Thừa Thiên - Huế) là ông Hải, được nối máy điện thoại trực tiếp để tham gia. Phía VN đã thắng đấu giá với mức sau cùng 55.800 euro bao gồm 24 chi phí đấu giá. |
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An, chuyên gia về triều Nguyễn, sau khi xem xong chiếc xe cho biết thấy “ngờ ngợ” vì xe chỉ trang trí hình cỏ hoa: “Chiếc xe có vẻ bình dân như của một ông quan bình thường, không có dấu hiệu gì là của hoàng thái hậu”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa thông tin Thừa Thiên - Huế, cho rằng chiếc xe này không thể do vua đặt làm tặng mẹ. Vì trên xe không có biểu tượng của hoàng triều, đó là chim phượng hoàng dành cho nữ giới bậc cao quý trong hoàng gia.
Lẽ ra phải phủ bằng chất liệu sơn son thếp vàng thì xe lại khảm xà cừ trên sơn mài đen, chất liệu phổ biến trong dân gian.
Trên tờ giấy viết tay được cho của vua Thành Thái do nhà đấu giá Rouillac cung cấp ghi: “Huế ngày 18-10-1907. Tờ giao kết sự trả tiền rồi. 400 đồng. Có báng một cái xe Victoria, và 3 con ngựa, và đồ Bắc-kế, 1 xe tay cẩn xà cừ, 1 cái giường An Nam, 1 cái giường Tây. Những vật đó đều là báng cho P.Jourdan. Thành Thái”.
Người mua là ông Prosper Jourdan - đội trưởng đội cận vệ của nhà vua lúc bấy giờ. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nói cho dù đúng là chữ viết và chữ ký của vua đi nữa (các chuyên gia mới chỉ xem qua ảnh chụp - PV) thì nội dung trên cũng không ghi rõ vua đặt làm để tặng mẹ.
Ông Sơn cho rằng có thể chiếc xe là vật ở trong cung thời Thành Thái, hoặc của vua do người khác tặng và vua đã bán khi bị đưa đi an trí. Còn câu chuyện xung quanh chiếc xe có khả năng do những người môi giới thêu dệt nên để bán cho được giá. Ông Sơn cho hay: “Chuyện đó vẫn thường xảy ra trong việc mua bán cổ vật!”.
Thủ bút viết tay được cho là của vua Thành Thái ghi việc bán xe kéoẢnh do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cung cấp |
Sẽ làm sáng tỏ những nghi vấn
Ông Phan Thanh Hải - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đơn vị tổ chức mua và quản lý hiện vật này - giải thích về quá trình mua hiện vật.
Khi báo tin có hai hiện vật hoàng cung triều Nguyễn (xe kéo, long sàng) sắp được bán đấu giá tại Pháp, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết đây là chiếc xe kéo đẹp và sang trọng hơn hẳn so với bộ sưu tập ảnh về xe kéo xưa của VN.
Khi được nhờ tiếp cận hiện vật này, Đại sứ quán VN tại Pháp đã gửi một số thông tin do nhà đấu giá Rouillac cung cấp. Đó là hình ảnh chiếc xe, hình chụp các mảng trang trí, tình trạng kỹ thuật...
Kèm theo thông tin nhà đấu giá Rouillac khẳng định xe do vua Thành Thái đặt làm tặng mẹ; sau khi mẹ qua đời vào năm 1906, đến năm 1907 thì vua bán đi. Thông tin này cũng nói rõ hiện vật có kèm theo một tập hồ sơ hoàn chỉnh, gồm thư từ, ghi chú, các bài báo giới thiệu về chiếc xe kéo ấn hành ở Pháp năm 1907, đặc biệt là tờ giấy biên nhận do chính vua Thành Thái viết và ký tên.
Từ thông tin trên, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức họp bàn và tham khảo ý kiến của bốn nhà chuyên môn uy tín. Đó là các nhà nghiên cứu Phạm Quốc Quân và Nguyễn Đình Chiến ở Hà Nội, Trần Đình Sơn và Vũ Kim Lộc ở TP.HCM.
Trên cơ sở tư liệu và hình ảnh hiện vật do nhà đấu giá Rouillac cung cấp, các chuyên gia này chưa khẳng định đây là hiện vật của vua Thành Thái tặng mẹ, song đều đánh giá đây là cổ vật đẹp, rất có giá trị của VN, thuộc thời Nguyễn và đều khuyên nên mua về.
Về sự thiếu vắng các dấu hiệu hoàng gia, ông Phan Thanh Hải lý giải: giai đoạn này xe kéo mới du nhập vào miền Bắc, nhiều khả năng đây là chiếc xe kéo đầu tiên được đưa về Huế. Vì là phương tiện mới, không có trong điển chế triều Nguyễn, cho nên khi nhà vua đặt làm không đưa các chỉ dấu hoàng gia vào xe được.
Cũng vì không có trong điển chế nên khi mẹ vua mất, xe cũng không được đưa lên lăng thờ, do vậy vua bán đi cũng là điều bình thường. Vả lại, lúc đó vua đang trong cảnh bấn loạn, vừa bị truất ngôi, chuẩn bị đưa đi an trí.
Ông Hải cũng cho biết đang chờ Đại sứ quán VN tại Pháp chuyển bộ hồ sơ hiện vật về, sẽ công bố và tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ những nghi vấn của dư luận.
Chiếc xe được đặt làm bên ngoài chứ không phải do một xưởng chế tác cung đình ở Huế sản xuất, cho nên không có chỉ dấu hoàng gia cũng là điều thường gặp. Nhiều đồ gốm sứ do triều Nguyễn đặt làm ở Anh, Pháp... cũng không có chỉ dấu hoàng gia. Tất nhiên, bây giờ chúng ta có hiện vật rồi, cũng nên tiếp tục nghiên cứu để bổ sung lý lịch hiện vật, chứ không nên chỉ dựa vào một nguồn tư liệu nào. TS Phạm Quốc Quân |
Theo Tuổi trẻ