Thượng nghị sĩ Mỹ quyền lực John McCain vừa tiếp tục lên án hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, coi hành vi đó là “bắt nạt”, sử dụng sức mạnh để phá vỡ trật tự quốc tế ở châu Á- Thái Bình Dương, Washington Free Baecon cho biết.
Ông McCain, một cựu chiến binh Hải quân Mỹ và Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện cho rằng Bắc Kinh đang chọn cách sử dụng sức mạnh và vị thế để phá vỡ các luật lệ dựa trên trật tự quốc tế và theo đuổi chính sách “đe dọa và ép buộc” để bịt miệng láng giềng.
Phát biểu về chính sách Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương tại Quỹ Di sản thế giới, ông McCain buộc tội Trung Quốc dùng thương mại làm vũ khí và sử dụng năng lực không gian mạng để tấn công các đối thủ và lên án Trung Quốc tiến hành xâm nhập vũ trang vào khu vực quần đảo đang tranh chấp Senkaku ở Biển Hoa Đông cũng như chiến dịch xây dựng đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông.
“Trên Biển Đông, Trung Quốc đã phá vỡ các cam kết nước này đưa ra với các nước láng giềng trong tuyên bố năm 2002 về cách ứng xử trên Biển Đông cũng như những cam kết gần đây với chính phủ Mỹ bằng cách tiến hành bồi lấp trên các thực thể đang tranh chấp và quân sự hóa Biển Đông ở mức độ đáng kinh ngạc và gây bất ổn khu vực,” ông McCain khẳng định.
Theo Washington Free Baecon, giới lập pháp cao cấp Mỹ cũng cho rằng hành vi hung hăng của Trung Quốc đã tăng tốc một cách đáng sợ dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình.
Thượng nghị sĩ McCain đã bình luận ngay khi Tổng thống Obama trở về sau chuyến thăm châu Á, chuyến đi cuối cùng dưới nhiệm kỳ Tổng thống của ông, giữa lúc những căn thẳng trong quan hệ Mỹ- Trung đang diễn ra. Ông Obama đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu, Trung Quốc và sau đó xuất hiện tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- ASEAN và Đông Á tại Lào.
Nhà Trắng đã coi chuyến đi này là một thành công, nhấn mạnh những nỗ lực của Tổng thống nhằm chống biến đổi khí hậu. Trước thềm hội nghị G20, ông Obama và ông Tập đã chính thức thông qua Hiệp định Paris hồi năm ngoái. Nhưng chuyến đi này lại chạm đến các căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là về các hành vi hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Washington Free Baecon nhận định, mối quan hệ của Trung Quốc với các nước châu Á- Thái Bình Dương đã trở nên xấu đi vì những tuyên bố lãnh thổ của nước này trên toàn bộ Biển Đông kết hợp với chiến dịch bồi lấp đảo tái phép. Trung Quốc cũng từ chối chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài vô hiệu hóa các tuyên bố của Trung Quốc và cho rằng chúng không có cơ sở lịch sử và pháp lý.
“Trung Quốc đang đóng vai kẻ bắt nạt”, ông John McCain ví von, ám chỉ hành vi từ chối chấp thuận phán quyết của tòa án quốc tế. “Nước này buộc các nước trong khu vực và trên thế giới im lặng và đe dọa về hậu quả tới những nước dám ủng hộ phán quyết. Phán quyết này mang tính quyết định”.
Ông John McCain nhấn mạnh, hành vi của Trung Quốc bao gồm việc phản đối phán quyết đang khiến các nước trong khu vực lo ngại.
Chính quyền ông Obama đã tìm cách ngăn cản Trung Quốc theo đuổi hành vi hung hăng diện rộng trên Biển Đông thông qua các công cụ ngoại giao. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, xây dựng các đường băng và triển khai máy bay chiến đấu và tên lửa tới các vùng lãnh thổ còn đang tranh chấp.
Hành vi của Trung Quốc vẫn tiếp diễn bất chấp những cảnh báo từ Lầu Năm Góc về hành vi quân sự hóa khu vực. Hải quân Mỹ đã điều các chiến hạm tới gần các đảo nhân tạo trên Biển Đông trong các nhiệm vụ thực thi tự do hàng hải ở đây, làm dấy lên những lên chỉ trích từ giới chức Trung Quốc.
Ông Obama đã nhấn mạnh bình luận của mình về việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và ngoại giao trong suốt chuyến thăm châu Á.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động để đảm bảo rằng các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, bao gồm cả các tranh chấp trên Biển Đông”, ông Obama đã khẳng định tại một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo ASEAN, sau khi các lãnh đạo trong khu vực tránh đề cập đến phán quyết của Tòa trọng tài. Tổng thống Mỹ cho rằng phán quyết này “giúp làm rõ các quyền hàng hải trong khu vực”.
Ông McCain tuyên bố rằng Mỹ cần duy trì cân bằng quân sự trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương để bảo vệ lợi ích quốc gia và bảo vệ đồng minh. “Điều này bắt nguồn bằng một nỗ lực tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Rộng hơn, Mỹ phải đầu tư mạnh vào sự hiện diện hải quân, không quân và cả trên đất liền để mang lại sự phòng thủ từ trước ở Tây Thái Bình Dương”.
Chuyến đi vừa rồi của ông Obama bị ảnh hưởng bởi một loạt các tranh cãi, bao gồm cả việc khi Tổng thống đến Hàng Châu đã phải đi xuống máy bay bằng cửa sau vì các quan chức Nhà Trắng đụng độ với các đối tác Trung Quốc trong việc xử lý các phương tiện truyền thông.
Ngay khi Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra, một số lượng lớn các tàu Trung Quốc cũng bị phát hiện gần bãi cạn Scarborough đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippine, khiến Philippine yêu cầu một lời giải thích cho sự hiện diện hải quân này.
Thượng nghị sĩ McCain lo rằng Bắc Kinh đang định “chiếm đoạt và bồi lấp bãi cạn Scarborough thành căn cứ quân sự thứ ba của nước này ở Biển Đông, tạo nên một tam giác chiến lược”, ý ông McCain muốn đề cập đến việc bồi lấp các thực thể địa lý trước đó của Trung Quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
“Kết quả như vậy sẽ tạo ra một lời đe dọa nghiêm trọng đến các đồng minh hiệp ước của Mỹ, Philippine. Chính quyền hiện nay và chính quyền sắp tới của Mỹ phải coi việc ngăn chặn việc chiếm đoạt bãi cạn Scarborough là mục tiêu trung tâm của chiến lược bảo vệ tự do trên biển”, ông McCain đề nghị.
Ông Obama bị Đảng Cộng hòa chỉ trích rất nhiều về chiến dịch xoay trục sang châu Á, các nhà phê bình cho rằng chiến lược này không được ủng hộ đầy đủ bởi các nguồn lực và quyết tâm của Mỹ.