Trang tin Hoa ngữ Dwnews (Đa Chiều) ngày 24/1 đưa tin, Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ ngày 23/1/2021 đã ra tuyên bố, xác nhận nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông cùng ngày để "huấn luyện định kỳ".
Theo tuyên bố, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay, Chuẩn Đô đốc Doug Verissimo cho biết, với việc 2/3 hàng hóa của thế giới đi qua, Biển Đông là một khu vực rất quan trọng, “chúng tôi sẽ đảm bảo sự tồn tại và tiếp tục thúc đẩy việc thiết lập trật tự khu vực dựa trên quy tắc. Đây là điều rất quan trọng".
Tuyên bố tiết lộ rằng nhóm tác chiến tàu sân bay này sẽ thực hiện các hoạt động tác chiến đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đông, bao gồm các hoạt động bay của máy bay cánh cố định và trực thăng, các cuộc tập trận tấn công trên biển và huấn luyện chiến thuật phối hợp mặt đất với trên không.
Ông Eric Anduze, chỉ huy tàu USS Roosevelt nói: "Tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ sự tự do và cởi mở của các đại dương. Hành động của chúng tôi thể hiện cam kết duy trì an ninh và ổn định của khu vực".
Máy bay trên tàu Roosevelt cất cánh (Ảnh: Dongfang). |
Tuyên bố tiết lộ rằng hoạt động cùng tàu sân bay Roosevelt là tàu tuần dương Bunker Hill lớp Ticonderoga mang tên lửa dẫn đường, các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke là Russell và John Finn.
Về mặt thời gian, đây là hoạt động đầu tiên của tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức ngày 20/1/2021. Các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông tuy không phải là hiện tượng mới, nhưng thời điểm tàu sân bay Mỹ xuất hiện ở đây có phần nhạy cảm bởi chúng đến Biển Đông ngay sau khi ông Joe Biden nhậm chức.
Liên quan đến việc tàu chiến và tàu sân bay Mỹ quay trở lại xuất hiện ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó đã tuyên bố rằng Mỹ cố tình đưa binh khí hạng nặng tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở vùng biển liên quan trên Biển Đông để diễu võ giương oai, hoàn toàn có ý đồ xấu. Các hành động của Mỹ là nhằm kích động ly gián quan hệ giữa các nước trong khu vực, thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông, phá hoại hòa bình và ổn định của Biển Đông.
Liên quan đến sự kiện này, trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) cùng ngày 24/1 đưa tin, ngay sau khi chính quyền Joe Biden lên nắm quyền, cuộc đọ sức quân sự Trung - Mỹ đã leo thang. Ngày 23/1, khi PLA điều 13 máy bay quân sự bao gồm cả máy bay ném bom bay vào không phận phía Tây Nam của Đài Loan, Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ sau đó xác nhận rằng nhóm tấn công tàu sân bay USS Roosevelt cũng đi vào Biển Đông cùng ngày, với tuyên bố để đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực và thúc đẩy an ninh trên biển.
Các tàu chiến Mỹ huấn luyện tiếp tế trên biển (Ảnh: Dongfang). |
Theo nhiều tài khoản mạng xã hội chuyên theo dõi sự di chuyển của tàu chiến, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã chia thành hai đường vào Biển Đông. Tàu Roosevelt đi qua eo biển Luzon và tàu John Finn tới Biển Đông qua eo biển Mindoro. Tàu USS Roosevelt khởi hành từ căn cứ Hải quân San Diego ở bang California vào ngày 23/12 năm ngoái để triển khai hành động ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Về hoạt động cùng ngày của không quân PLA có sự tham gia của 13 máy bay PLA bao gồm 1 máy bay chống ngầm Y-8, 4 tiêm kích J-16 và 8 máy bay ném bom H-6K. Đây là hoạt động có quy mô lớn nhất trong năm nay tính đến hôm đó, nhưng sang ngày Chủ nhật 24/1, kỉ lục này đã bị phá vỡ với số lượng máy bay PLA bay vào Vùng nhận diện phòng không ở Tây Nam Đài Loan đã tăng lên 15 chiếc.
Theo Dongfang, các ý kiến phân tích chỉ ra rằng PLA đang biểu dương lực lượng với chính phủ mới của Mỹ, họ cũng có thể thực hành các cuộc tấn công mô phỏng vào tàu sân bay của Mỹ, máy bay chiến đấu gây nhiễu radar của tàu chiến Mỹ và máy bay ném bom phóng tên lửa siêu âm chống hạm.
Theo cơ quan Quốc phòng Đài Loan, 15 máy bay quân sự của PLA bay vào vùng trời Tây Nam của Đài Loan hôm Chủ nhật (24/1) gồm 2 máy bay chống ngầm Y-8, 1 máy bay trinh sát điện tử Y-8, 2 máy bay chiến đấu SU-30, 4 chiếc máy bay chiến đấu J- 16 và 6 máy bay chiến đấu J-10. Quân đội Đài Loan đã điều động các máy bay chiến đấu xuất kích phát thanh để xua đuổi, đồng thời theo dõi bằng tên lửa phòng không.
Máy bay J-16 của PLA bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan hôm 24/1 (Ảnh: Dongfang). |
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Bảy (23/1) đã ra tuyên bố yêu cầu Trung Quốc đại lục ngừng ngay việc sử dụng các biện pháp quân sự, ngoại giao và kinh tế để gây áp lực với Đài Loan và nói rằng Mỹ sẽ cùng với các đồng minh thúc đẩy sự thịnh vượng, an ninh và các giá trị chung trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm làm sâu sắc hơn quan hệ với Đài Loan dân chủ. Tuyên bố cũng nêu rõ, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ giải pháp hòa bình cho các vấn đề xuyên eo biển, tuân theo mong muốn và lợi ích tốt nhất của người dân Đài Loan; đồng thời nhấn mạnh rằng cam kết của Mỹ đối với Đài Loan “vững như bàn thạch” và dốc sức cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Châu Á.
Cơ quan Ngoại giao của Đài Loan hôm Chủ nhật (24/1) đã lên tiếng rằng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại về việc Trung Quốc đại lục liên tục đe dọa Đài Loan và những nơi khác, đồng thời nhắc lại rằng Mỹ sẽ tuân thủ "Đạo luật Quan hệ Đài Loan" và "Sáu điều đảm bảo". Đài Loan chân thành hoan nghênh và cảm ơn chính phủ Joe Biden ngay sau khi nhậm chức đã thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan. Đài Loan sẽ hợp tác chặt chẽ với chính quyền Biden để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chặt chẽ dựa trên nền tảng sâu sắc của tình hữu nghị Đài Loan – Mỹ trong quá khứ.