Chương trình vũ khí được đặt tên là Assault Breaker II (nghĩa đen – Bẻ gãy cuộc tấn công II), là sự hồi phục lại dự án vũ khí “thông minh” được phát triển trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Lúc đó, Mỹ đã đưa ra khái niệm một loại vũ khí, được sử dụng để ngăn chặn các đơn vị tăng, thiết giáp và bộ binh cơ giới Liên Xô trong trường hợp quốc gia này tiến hành tấn công trên chiến trường châu Âu.
Đặt mục tiêu ngăn chặn các đòn tiến công của trung, sư đoàn tăng thiết giáp, tổ hợp vũ khí là tích hợp hệ thống chỉ thị và xác đinh mục tiêu hiện đại, máy bay ném bom được trang bị tên lửa mang đạn chùm thông minh. Loại đạn này có khả năng phát hiện, xác định và tiêu diệt tăng thiết giáp, xe cơ giới trong đội hình hành quân hoặc chiến đấu của đối phương.
Hệ thống phát hiện, xác định và chỉ thị mục tiêu dự kiến lắp đặt trên máy bay trinh sát, chỉ huy và điều hành tác chiến E-8C JSTARS. Theo kịch bản của nghệ thuật quân sự Mỹ, các quốc gia NATO sẽ triển khai binh lực ngăn chăn thê đội 1 của lực lượng vũ trang Hiệp ước Warsaw, lực lượng không quân và quân đội Mỹ sẽ có thời gian tiếp cận chiến trường và tiêu diệt phần binh lực còn lại của đối phương.
Theo tạp chí hàng tuần Aviation Week & Space Technology (Hàng không & Công nghệ Vũ trụ hàng tuần), Lầu Năm Góc chỉ đạo DARPA nghiên cứu phương án phục sinh chương trình này. Sau những thành công quân sự của Nga và Trung Quốc, Mỹ bắt đầu hình thành chiến lược thúc đẩy NATO chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh khu vực. Lầu Năm Góc cố gắng thuyết phục đồng minh về nguy cơ có thể diễn ra cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Liên bang Nga và Trung Quốc vào những căn cứ quân sự Mỹ và các quốc gia NATO cũng như châu Á.
Với những tính toán hết sức khôn ngoan về xuất khẩu vũ khí, DARPA đang nghiên cứu phương án phát triển loại vũ khí từ thời Chiến Tranh Lạnh, nhưng trên cấp độ công nghệ của thế kỷ 21.
Bản chất của tổ hợp vũ khí Assault Breaker II hầu như không thay đổi, các máy bay trinh sát, tình báo và chỉ huy trên không JSTARS có nhiệm vụ phát hiện đội hình chiến đấu, bao gồm tăng thiết giáp và các phương tiện cơ giới khác của đối phương, xác định mục tiêu cần tiêu diệt và đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu chiến thuật data – link.
Sau đó, các máy bay ném bom chiến lược B-52H sẽ tiến hành tấn công các mục tiêu bằng loại tên lửa mang đạn chùm. Trong mỗi chiếc B-52 có 20 tên lửa mẹ, mỗi quả mang theo 40 đạn diệt tăng thông minh. Khi tên lửa, được phóng về hướng mục tiêu, đến khoảng cách nhất định, tên lửa sẽ mở và thả các quả đạn bằng dù. Những quả đạn con này sẽ bay phân tán, kích hoạt đầu dò mục tiêu quang hồng ngoại, săn đuổi tăng, thiết giáp và các phương tiện cơ giới kẻ thù.
Khi thiết bị đầu thu quang hồng ngoại khóa mục tiêu, thông tin sẽ được gửi về cơ sở dữ liệu chiến thuật để không xảy ra tình trạng nhiều đầu đạn cùng tấn công một mục tiêu. Đạn hiệu ứng nổ lõm hoặc hiệu ứng “hạt nhân xuyên phá” sẽ bay vào không trung và tấn công tăng, thiết giáp, xe cơ giới từ trên xuống.
Đến thời điểm này, các chuyên gia quân sự Mỹ xác định tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu là 50%. Trong tình huống này, một quả tên lửa của tổ hợp vũ khí Assault Breaker II có thể tiêu diệt đến 20 phương tiện chiến đấu.
Phương án phát triển vũ khí này nhằm mục đích tấn công không chỉ xe tăng, xe thiết giáp Nga, mà còn phát triển ở cấp độ cao hơn nhằm tấn công căn cứ quân sự, không quân và hải quân Trung Quốc. Đầu tự dẫn sẽ liên kết trực tiếp với hệ thống điều khiển vũ khí trên máy bay, trên đầu đạn sẽ có hệ thống nhận biết mục tiêu quang điện tử để tiêu diệt cả chiến hạm các loại và máy bay chiến đấu trên sân bay.
Theo tuyên bố của đại diện DARPA vũ khí thuần túy mang tính phòng ngự, nhưng phương án khai thác sử dụng cho thấy, đây chính là vũ khí tiến công do các tên lửa, bom lượn hiện nay có thể bay vào sâu trong chiến tuyến đối phương đến hàng 100km và đánh phá trực tiếp căn cứ quân sự khi bắt đầu cuộc chiến tranh. DARPA cũng cho biết, thời gian nghiên cứu và phát triển tổ hợp vũ khí thông minh Assault Breaker II khoảng 10 năm.