Ngán tên lửa Triều Tiên, Nhật đổ núi tiền sắm thêm Aegis Mỹ

VietTimes -- Ngày 19.12.2017, Nội các Nhật Bản quyết định thông qua kế hoạch mua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia trước mối đe dọa tên lửa đạn đạo, được cho là từ phía Triều Tiên.
Trạm radar chống tên lửa Aegis Ashore của Mỹ tại căn cứ quân sự ở Deveselu, Romania, ảnh chụp ngày 12.05. 2016. (Daniel Mihailescu / AFP từ Getty Images)
Trạm radar chống tên lửa Aegis Ashore của Mỹ tại căn cứ quân sự ở Deveselu, Romania, ảnh chụp ngày 12.05. 2016. (Daniel Mihailescu / AFP từ Getty Images)

Quyết định này sẽ cho phép Bộ Quốc phòng mua hai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tăng cường cho kế hoạch phòng thủ tên lửa hai lớp hiện tại của Nhật Bản bao gồm các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot và hệ thống radar Aegis trên các khu trục hạm của Mỹ.

Theo tuyên bố của chính phủ Nhật Bản, vấn đề "Phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã và đang trở thành một mối đe dọa lớn và có thể xảy ra với an ninh quốc gia Nhật Bản, chúng ta cần cải thiện hơn nữa khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo nhằm mục đích bảo vệ Nhật Bản thường xuyên liên tục và bền vững".

Việc triển khai hai hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo mới sẽ làm tăng chi phí quốc phòng ở Nhật, trong bối cảnh chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe đẩy mạnh những nỗ lực về pháp lý cho phép quân đội được đóng một vai trò quốc tế với phạm vi hoạt động rộng hơn và tăng cường tiềm lực tên lửa.

Các quan chức quân đội cho biết, bộ Quốc phòng hy vọng hệ thống đánh chặn tên lửa này sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2023. Người được phỏng vấn từ chối tiết lộ chi tiết chi phí cho đến khi chính phủ thông báo kế hoạch ngân sách năm 2018, trong đó khoản chi phí dành cho quốc phòng dự kiến sẽ tăng ở mức kỷ lục.

Các quan chức quốc phòng cho biết, hai đơn vị phòng thủ tên lửa Aegis Ashore có thể che chắn toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản khi sử dụng những tên lửa đánh chặn tiên tiến SM-3 Block IIA, được phát triển bởi sự hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ. Tổng ngân sách dự kiến cho hai tổ hợp phòng thủ tên lửa này khoảng 200 tỷ yen (1,8 tỉ USD). Đây cũng không phải là con số chính xác cuối cùng.

Một đơn vị Aegis Ashore có giá thành khoảng 80 tỷ yen (705 triệu USD), Nhưng khi triển khai sẽ gia tăng chi phí do phải mua sắm các trang thiết bị hiện đại nhất vào thời điểm đó, đặc biệt là hệ thống radar tiên tiến Aegic.  

Để tăng cường cho khả năng phòng ngự trên đất liền của hệ thống Aegis Ashore, Nhật Bản và Mỹ đang phát triển tên lửa đánh chặn SM-3 Block 2A. Các tên lửa này có thể tiêu diệt mục tiêu trên khoảng cách đến 1.000 km. Tên lửa phòng không SM-3 có khả năng đánh chặn tối đa là 500 km. Các quan chức quốc phòng Nhật Bản dự kiến, hệ thống Aegis Ashore phải có thể điều khiển các tên lửa đánh chặn khác, có khả năng tiêu diệt các tên lửa hành trình của đối phương có tốc độ cao, cơ động theo một quỹ đạo phức tạp.

Hai đơn vị phòng thủ tên lửa Aegis Ashore được lên kế hoạch triển khai tại các căn cứ của lực lượng vũ trang Nhật Bản phía bắc tỉnh Akita và phía tây nam tỉnh Yamaguchi vào năm 2023, nhưng tiến độ có thể được đẩy nhanh phụ thuộc vào tình hình thực tế trên biển Nhật Bản.

Trên các địa bàn triển khai các đơn vị phòng thủ tên lửa Aegis Ashore, thời gian tới sẽ tiến hành các hoạt động khảo sát kỹ lưỡng của các chuyên gia, nhằm đánh giá tác động đến môi trường của các hệ thống phòng thủ tên lửa, trong đó có hệ thống Aegis.

Nhật Bản hiện đang sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa hai lớp. Lớp phòng thứ nhất, các chiến hạm, được trang bị hệ thống Aegis và các tên lửa đánh chặn SM-3, cho phép bắn rơi các tên lửa đạn đạo của đối phương ở giai đoạn trung gian (giai đoạn hành trình). Nếu đòn đánh chặn không thành công, tiếp theo sẽ là lớp phòng thủ thứ hai, cấu thành từ các hệ thống Patriot PAC-3 cơ động. Hệ thống này có nhiệm vụ đánh chặn tên lửa ở giai đoạn cuối, tầm bắn của tên lửa trong khoảng vài chục km.

Ông Abe cho biết hoàn toàn ủng hộ chính sách của Tổng thống Donald Trump, sẵn sàng với tất cả các lựa chọn, bao gồm cả vấn đề sẵn sàng tiến hành chiến dịch quân sự chống Bắc Triều Tiên. Thủ tướng Abe cũng tuyên bố, chính phủ Nhật Bản sẽ tăng cường tăng cường sử dụng các phương tiện phòng thủ tên lửa tiên tiến của Mỹ và hợp tác chặt chẽ với chính quyền tổng thống Donald Trump trong vẫn để an ninh quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới.

Mặc dù hệ thống Aegis Ashore đã nổi tiếng từ lâu về khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, nhưng khi các đòn tấn công được tiến hành liên tiếp với số lượng lớn, vấn đề đánh chặn sẽ thực sự khó khăn. Đặc biệt khi Triều Tiên phát triển các mồi bẫy hoặc đầu đạn nghi binh.

Thực tế chiến trường Trung Đông cho thấy, Ả rập Xê út gặp khó khăn lớn khi sử dụng hệ thống đánh chặn tên lửa SCUD nâng cấp của phong trào Houthi. Hơn thế nữa, từ quyết định đến việc đưa vào thực tế chiến trường vẫn là thách thức mới với Bộ quốc phòng Nhật Bản. Khoảng thời gian từ nay đến năm 2023, tình hình khu vực Tây Thái Bình Dương có thể diễn biến rất khác. Nhiều người hy vọng việc triển khai Aegis Ashore sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, không kích thích Bình Nhưỡng thay đổi công nghệ tên lửa đạn đạo để xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nhật Bản.

TTB