Nga “tứ bề thọ địch”, Putin chèo chống thế nào

Bốn bề bị thách thức cùng một lúc: cấm vận của phương Tây, kinh tế tiếp tục khủng hoảng, đồng Rúp và giá dầu cùng lao dốc… nhưng cái khó nhất của nước Nga lại không phải những kẻ thù hữu hình.
Tổng thống Putin đang đứng trước nhiều bài toán nan giải
Tổng thống Putin đang đứng trước nhiều bài toán nan giải

Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã ra mắt cuốn tự truyện, trong đó có nhắc nhiều về Tổng thống đương nhiệm của nước Nga Vladimir Putin. Bên cạnh những lời tán dương, có cả những lời của ông Gorbachev cảnh báo ông Putin.

Gorbachev nhận xét: "Putin đã bắt đầu mắc căn bệnh tương tự như tôi trước đây, đó là sự tự tin thái quá. Có thể Putin đang nghĩ rằng mình đứng hàng thứ hai, chỉ sau Chúa”. Và ông Gorbachev cảnh báo tiếp: “Đừng có tư tưởng làm một cái đầu lớn. Điều này sẽ phá hủy chính bản thân”.

Tuy nhiên, ông Gorbachev lại ủng hộ việc Tổng thống Putin sáp nhập Crimea sau khi một cuộc trưng cầu, mà phương Tây và nhiều nước trên thế giới coi là điều bất hợp pháp. Theo Gorbachev, “Crimea là Nga và hầu hết mọi người ở Crimea đã bỏ phiếu ủng hộ gia nhập Nga. Tôi ủng hộ động thái này ngay từ đầu cho dù một nửa dòng máu trong người tôi là Ukraine”.

Không chỉ là tự tin thái quá

Theo giới quan sát quốc tế, tuy không phải là tất cả, nhưng phần lớn khó khăn hiện nay của nước Nga khởi nguồn từ khúc quanh lịch sử này. Bắt đầu bằng việc ông Putin tung ra một cuộc can thiệp quân sự có tính cách bán công khai tại Ukraine ngay vào thời điểm Thế vận hội mùa Đông năm 2014 ở Sochi (chưa kể chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria hiện nay). Cùng thời gian ấy, Putin còn đọc một bài diễn văn nổi tiếng về chủ nghĩa dân tộc Nga. Dư chấn của các sự kiện này là đặc biệt nghiêm trọng, nhất là đối với các nước thuộc khối Liên Xô (cũ).

Nghịch lý hiển nhiên, chính những động thái này đã làm suy yếu mục tiêu do chính ông Putin khởi xướng là thành lập một Liên minh Á-Âu do Nga lãnh đạo nhằm cạnh tranh với chính Liên minh châu Âu. Thực ra, căn bệnh “tự tin thái quá” mà ông Gorbachev nhắc đến ở trên đã thể hiện ngay trong cách ứng xử với lân bang Georgia bằng cuộc chiến chớp nhoáng trước đó.

Và rồi họa phúc phải đâu chỉ một buổi. Hãy xem nước Mỹ từng thất bại như thế nào trong việc tái lập tình trạng quân bình khi tấn công Iraq năm 2003, cho dù sức mạnh quân sự của Mỹ đủ để nhanh chóng đánh bại các lực lượng của Saddam Hussein. Mỹ đã phải trả cái giá khá cao cho việc bỏ tiền và súng để chinh phục một số nước trước đây. Tương tự như thế, chính Liên Xô (cũ) cũng đã phung phí sự hấp dẫn của mình khi đưa quân vào Hungary năm 1956 và Tiệp Khắc vào năm 1968.

Đến năm 1989, khi bức tường Berlin sụp đổ không phải dưới “mưa bom bão đạn” do không lực và pháo binh của Liên Minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà là chỉ dưới tác động của các tay búa và vài ba chiếc máy ủi do những người dân đã thay đổi cách suy nghĩ về ý một hình ảnh ưu việt của Liên Xô ngày nào.

Giờ đây, có ý kiến cho rằng Putin đang phạm sai lầm giống như các bậc tiền nhân của ông. Mặc dù ông tuyên bố trong năm 2013 là nước Nga nên tập trung vào việc sử dụng quyền lực mềm của một người có hiểu biết, nhưng rồi Putin đã không thể thực thi được điều chính bản thân ông cũng cho là quan trọng.

Theo Joseph S. Nye, cựu Phụ tá Bộ trưởng Quốc Phòng và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Quốc gia Mỹ, hành động bán công khai hiện nay của Tổng thống Putin tại Ukraine song hành cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang tiếp tục chống lại nước Nga của ông Putin. Sự tụt dốc về kinh tế không phải là tất cả những gì đang bị đe dọa. Vấn đề chính là quyền lực mềm của Nga đang bị bào mòn và điều này đang/sẽ mang lại những hệ quả nghiêm trọng.

Kinh tế Nga phụ thuộc nặng nề vào công nghiệp năng lượng trong bối cảnh giá dầu mỏ liên tục lao dốc và cấm vận kinh tế khiến tình hình trở nên khó khăn
Kinh tế Nga phụ thuộc nặng nề vào công nghiệp năng lượng trong bối cảnh giá dầu mỏ liên tục lao dốc và cấm vận kinh tế khiến tình hình trở nên khó khăn

Theo vị Giáo sư Harvard này, một quốc gia có thể gây ảnh hưởng lên quốc gia khác bằng ba cách chính: thông qua ép buộc, dùng tiền bạc, hoặc tạo ra sự thu hút. Putin đã cố gắng ép buộc và được đáp trả lại bằng các trừng phạt ngày càng nặng nề hơn. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đối thoại chính của châu Âu với Putin đã bày tỏ sự thất vọng về chính sách của Nga đối với Ukraine.

Cho dù thắng lợi trong ngắn hạn là gì đi nữa, về dài hạn, hành động của Putin tại Ukraine sẽ gặp bất lợi, khi Nga mất quyền tiếp cận với công nghệ phương Tây mà Nga cần để hiện đại hóa nền công nghiệp và mở rộng thăm dò năng lượng nơi vùng biên giới Bắc Cực.

Những kẻ thù vô hình

Hiện nay, Putin đang phải đối mặt với hai kẻ thù mà ông không thể dùng sức mạnh cứng để hủy diệt, đó là tiền tệ toàn cầu và thị trường đầu tư. Hàng loạt các sự kiện diễn ra gần đây đang gây chấn động toàn nước Nga. Đồng Rúp mất hơn nửa giá so với đồng USD. Có thời điểm chỉ trong một ngày đồng Rúp giảm hơn 20% so với USD. Trị giá của đồng Rúp vẫn chìm xuống đáy mặc dù Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng lãi suất cao đột ngột nhưng vẫn không khuất phục được thị trường tiền tệ.

Thị trường này vốn không có diện mạo nhưng hết sức nhanh nhạy. Đồng Rúp của Nga không chỉ làm cho gương mặt Putin trắng bệch, mà nó còn gây ra ảnh hưởng thực sự và tác động ngay lập tức trong mỗi gia đình Nga. Nó tăng lạm phát rất nhanh. Tỷ lệ lạm phát năm nay của Nga vào tháng Mười Một là 9%, của Mỹ là 2%. Lạm phát làm mất giá trị đồng tiền tiết kiệm. Lạm phát làm đời sống trở nên khốn đốn hơn. Lạm phát ban tặng cho người nước ngoài cơ hội để mua bán quyền lực.

Những vấn đề của tiền tệ là những vòng xoay, tự nó sinh ra những động lực riêng. Khi nền tảng của kinh tế bị lung lay, như đang xảy ra ở Nga hiện nay, bởi sự kết hợp của giá dầu thô giảm và cuộc cấm vận được áp đặt sau khủng hoảng Ukraine, thì đồng tiền Nga đã yếu đi trông thấy. Điều này khuyến khích cả người nhiều và ít tiền tìm cách chuyển đồng Rúp mất giá của họ qua ngoại tệ. Chảy máu tiền tệ trở nên nghiêm trọng hơn khi quá nhiều người muốn đổi Rúp thành USD cùng một lúc, người nắm giữ USD sẽ tăng giá.

Thị trường và trao đổi đều rất nhạy cảm và gây thêm thương tổn cho điểm yếu này. Những cố gắng tuyệt vọng của chính phủ nhằm cứu vãn tình thế – ngân hàng trung tâm nâng lãi suất, hoặc can thiệp vào thị trường bằng cách tung ra một lượng ngoại tệ dự trữ để mua đồng Rúp – đều tỏ ra bất lực. Giờ đây, theo một vài dự báo, kinh tế Nga sẽ đi vào một giấc ngủ đông.

Tổng thống Putin từng tuyên bố không quốc gia nào có thể “hăm dọa” hay “cô lập” Nga sau khi phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moscow. Theo ông Putin, Nga phải chuẩn bị để “vượt qua những khó khăn nhất định và luôn phải đưa ra ứng phó tương xứng với tất cả các mối đe dọa nhằm vào chủ quyền, sự ổn định và sự đoàn kết của xã hội” nước này.

Nhưng sức mạnh cứng không phải là vấn đề đáng ngại nhất hiện nay của nước Nga, chính sức mạnh mềm, vừa yếu vừa thiếu mới thực sự đang đe dọa quyền lực của Tổng thống Putin.

Theo VHNA