Nga đột ngột đóng cửa eo biển Kerch, tàu hải quân Ukraine không thể về cảng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tình hình quan hệ Nga – Ukraine tiếp tục xấu đi với việc Ukraine cực lực phản đối việc Nga thông báo đóng cửa eo biển Kerch, nối liền Biển Đen và Biển Azov từ tuần sau cho đến tháng 10 để tập trận.
Eo biển Kerch đã bị Nga phong tỏa (Ảnh Đa Chiều).
Eo biển Kerch đã bị Nga phong tỏa (Ảnh Đa Chiều).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 16/4, hôm 15/4, Bộ Ngoại giao Ukraine đã ra tuyên bố phản đối hành động này của Nga. Cùng ngày, Hải quân Ukraine tuyên bố rằng Cục An ninh Liên bang Nga đã tìm cách cản trở hoạt động của các tàu hải quân của Ukraine ở Biển Azov; phía Nga tạm thời chưa lên tiếng phản hồi.

Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố, Nga đóng cửa eo biển quan trọng này với lý do tập trận quân sự, chỉ trích đây là hành vi vi phạm các công ước và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đồng thời xâm phạm quyền chủ quyền của Ukraine với tư cách là một quốc gia ven biển. Bộ Ngoại giao Ukraine mô tả Nga là kẻ gây hấn và kêu gọi các đối tác quốc tế gia tăng áp lực chính trị và ngoại giao để buộc Nga hủy bỏ quyết định liên quan và ngừng leo thang tình hình ở Biển Azov và Biển Đen. Ukraine coi việc đóng cửa eo biển này vi phạm nghiêm trọng quyền tự do hàng hải được Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 bảo đảm; nêu rõ Nga không thể cản trở tàu bè đến các cảng ở Biển Azov qua eo biển quốc tế.

Biển Azov rất quan trọng đối với Ukraine, nếu nó bị đóng, các tàu thuyền ở biển này sẽ bị nhốt lại (Ảnh: RT).

Biển Azov rất quan trọng đối với Ukraine, nếu nó bị đóng, các tàu thuyền ở biển này sẽ bị nhốt lại (Ảnh: RT).

Đồng thời, Hải quân Ukraine cũng ra thông cáo cho biết, trong quá trình thực hiện các hoạt động hợp pháp ở Biển Azov trong ngày hôm đó (15/4), khi bị các tàu của Cơ quan An ninh Liên bang Nga tìm cách cản trở, nhưng các tàu hải quân Ukraine vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao dưới các hành động khiêu khích và có chủ đích của phía Nga. Quân đội Ukraine nhắc lại rằng hải quân của họ sẽ tiếp tục đảm bảo an ninh trên biển của Ukraine, bao gồm cả Biển Azov.

Trước đó, ngày 14/4, Hải quân Nga tiết lộ rằng họ sẽ tổ chức một loạt cuộc tập trận ở Biển Đen và sẽ huy động các tàu bao gồm tàu ​​khu trục nhỏ, tàu tuần dương hạng nhẹ, thủy phi cơ, tàu quét mìn, trực thăng và máy bay chiến đấu tham gia tập trận. Họ sẽ thực hành diễn tập các cuộc tấn công trên mặt đất và các hoạt động hỗ trợ trên không. Đồng thời, chỉ huy Quân khu phía Nam của Nga cũng xác nhận các hạm tàu từ Hạm đội Caspi đang trên đường đến Biển Đen và sẽ gặp hạm đội đã đóng tại khu vực này.

Tàu hải quân Ukraine trên biển Azov (Ảnh: Đông Phương).

Tàu hải quân Ukraine trên biển Azov (Ảnh: Đông Phương).

Ngoài ra, theo hãng tin RT của Nga ngày 15/4, chính phủ Ukraine cùng ngày đã cáo buộc Nga phong tỏa eo biển Kerch giữa lúc Ukraine đang tiến hành cuộc tập trận, ngăn cản không cho hải quân Ukraine về cảng.

RT cho biết, Bộ Ngoại giao Ukraine đã gửi công thư phản đối tới Bộ Ngoại giao Nga, nêu rõ các thủy thủ Ukraine bị cấm đi vào eo biển Kerch do Nga kiểm soát, chia cắt bờ biển phía đông và phía tây của Ukraine. Trong một tuyên bố ngày 15/4, quan chức ngoại giao Ukraine cho biết Nga đã thông báo rằng từ tuần tới đến tháng 10/2021, họ sẽ áp đặt lệnh phong tỏa trên vùng biển Biển Đen theo hướng eo biển Kerch, cấm tàu ​​chiến và tàu nước ngoài qua lại.

Các quan chức Ukraine nói rằng hành động này của Nga là "sử dụng các cuộc tập trận quân sự như một cái cớ". Ukraine “kịch liệt phản đối hành động này của Nga và yêu cầu Nga lập tức hủy bỏ ngay quyết định phi pháp phong tỏa một vùng nước của Biển Đen”.

RT nói, theo quan điểm của chính phủ Ukraine, hành động của Nga "vi phạm nghiêm trọng quyền tự do hàng hải" và vi phạm nghĩa vụ của Nga là "không cản trở hoặc can thiệp vào việc tiếp cận cảng Biển Azov qua eo biển quốc tế".

Hình ảnh Nga phong tỏa eo biển Kerch hồi năm 2018 (Ảnh: Sohu).

Hình ảnh Nga phong tỏa eo biển Kerch hồi năm 2018 (Ảnh: Sohu).

RT cũng đề cập rằng cuộc tập trận này của Nga trùng hợp với tin nói rằng Mỹ sẽ điều hai tàu chiến đến Biển Đen. Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ ​​Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã nhận được thông báo từ Mỹ rằng Mỹ đã hủy bỏ kế hoạch triển khai tàu chiến tới Biển Đen.

Eo biển Kerch là kênh duy nhất nối Biển Đen và Biển Azov, Nga và Ukraine từ trước đến nay chưa thể đạt được thỏa thuận về việc phân chia Biển Azov. Sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, hai bên đã hình thành cục diện mỗi nước chiếm một phần diện tích của Biển Azov.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Nga và Ukraine xảy ra xích mích ở eo biển Kerch. Vào cuối tháng 11/2018, ba tàu hải quân Ukraine đã vượt qua eo biển, đi vào vùng biển tạm thời đóng cửa của Nga đi từ Biển Đen đến Eo biển Kerch. Cục An ninh Liên bang Nga tuyên bố rằng các hành động khiêu khích của 3 tàu hải quân Ukraine ở khu vực Biển Đen kéo dài hơn 4 giờ, mục đích rõ ràng là nhằm kích động xung đột trong khu vực. Sau đó, Nga đã bắt giữ 3 tàu chiến Ukraine có liên quan và tòa án Nga sau đó cũng phê chuẩn việc bắt giữ tất cả 24 binh sĩ Ukraine trên tàu với lý do “đã gây ra xung đột ở eo biển Kerch”.

Tàu chiến Nga từ Biển Caspi tới Biển Đen hôm 13/4 (Ảnh: Reuters).

Tàu chiến Nga từ Biển Caspi tới Biển Đen hôm 13/4 (Ảnh: Reuters).

Eo biển Kerch nối liền Biển Đen với Biển Azov, nằm giữa Crimea ở phía tây với bán đảo Taman ở phía đông. Eo biển này rộng khoảng 4,5 đến 15 km và sâu tới 18 mét. Cảng quan trọng nhất ở đây là thành phố Kerch. Năm 1944, quân đội Đức đã xây dựng một cây cầu đường sắt bắc qua eo biển, nhưng cầu này đã bị băng trôi phá hủy vào năm 1945. Sau đó, vào thời Liên Xô đã có kế hoạch xây dựng cây cầu nhưng không được thực hiện. Sau khi Liên Xô tan rã, kế hoạch tạm thời bị đình trệ Cho đến năm 2010, Nga và Ukraine đã ký một văn bản đồng ý cho việc xây dựng cây cầu mới. Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, eo biển này đã trở thành vùng biển nội địa của Nga cho đến nay. Cùng năm 2014, Tổng thống Putin đã ra lệnh xây dựng lại cầu eo biển Kerch để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông giữa bán đảo Crimea và đất liền Nga. Cây cầu này đã được hoàn thành vào ngày 15/5/2018; tháng 11 năm đó đã xảy ra vụ xung đột eo biển Kerch với việc Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine.