Quan hệ Ukraine – Nga căng thẳng, Nga triển khai robot chiến đấu tới biên giới chuẩn bị tham chiến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Truyền thông Nga mới đây đã tiết lộ về kế hoạch của quân đội Nga thành lập một đơn vị chiến đấu được trang bị 20 robot tấn công. Có tin các robot này đã được đưa tới biên giới với Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thị sát công ty nghiên cứu chế tạo robot chiến đấu (Ảnh: TASS).
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thị sát công ty nghiên cứu chế tạo robot chiến đấu (Ảnh: TASS).

Báo Anh Daily Mail đã mô tả các loại robot chiến đấu khác nhau của Nga, trong đó có robot "Uranus-9" với các đoạn video đính kèm về chúng trong quá trình thử nghiệm. Các cư dân mạng Anh cũng phản hồi tích cực về bài viết trong phần bình luận.

Cư dân mạng nick "mike1450" viết: "Chi tiêu quốc phòng của Nga chưa đến 70 tỷ USD còn NATO là hơn 1,3 nghìn tỷ USD, hiệu quả của Nga có vẻ hơn hẳn".

Bạn đọc “Comite Espartaco” cho rằng: “Mọi người đã sai khi nghĩ rằng trong chiến tranh, mọi thứ 'phụ thuộc vào công nghệ. Sự vượt trội về kỹ thuật chỉ là một phần của chiến thắng”.

Các xe chiến đấu robot tại Cục 766 (Ảnh: TASS).

Các xe chiến đấu robot tại Cục 766 (Ảnh: TASS).

Người có nick là “All_Hope_Is_Gone” hỏi: "Nếu chúng được điều khiển từ xa, phải có một số loại thiết bị đo từ xa để điều khiển chúng, rất có thể là sử dụng tín hiệu vô tuyến. Tôi muốn biết mức độ thực tế như thế nào để có thể triệt tiêu hoặc gây nhiễu những tín hiệu này?".

“Car67” thì giễu cợt: "Quân đội của chúng ta đã lấy được các thùng sơn xịt aerosol từ cửa hàng Homebase (một cửa hàng bán lẻ đồ kim khí của Anh). Chỉ cần lặng lẽ đến gần thiết bị giám sát của robot và phun sơn lên đó, chúng ta có thể làm mù người điều khiển chúng từ xa”.

Theo Irish Sun ngày 10/4, đài truyền hình Sao Đỏ của quân đội Nga mới đây đã tiết lộ quân đội Nga đang tăng quân tới khu vực biên giới Nga - Ukraine, trong đó có loạt robot chiến đấu "Uranus-9" mới được cải tiến.

Xe robot chiến đấu đang nã pháo khi thử nghiệm (Ảnh: Sohu).

Xe robot chiến đấu đang nã pháo khi thử nghiệm (Ảnh: Sohu).

Theo Hãng thông tấn Nga Sputnik ngày 12/4, tình hình ở khu vực biên giới Nga - Ukraine đang rất căng thẳng, quân đội Ukraine và lực lượng dân quân vũ trang ly khai Donbass thân Nga vẫn đang ở trong tình trạng đối đầu. Tuy nhiên, điều khiến chính quyền Ukraine lo lắng nhất là lực lượng quân đội Nga đã triển khai ở khu vực bên kia biên giới. Số quân này đã ở vào trạng thái báo động và sẵn sàng tham chiến bất cứ lúc nào. Các cơ quan truyền thông Anh gần đây đã đưa tin về sự thể hiện xuất sắc của các robot chiến đấu Nga tại các khu vực tiền tuyến. Các nhà quan sát Anh hết lời ca ngợi tính năng của các robot chiến đấu của Nga và họ cho rằng tác dụng của loại thiết bị quân sự mới này của Nga trên chiến trường là rất lớn.

Truyền thông Anh gần đây tiết lộ rằng quân đội Nga đang chuẩn bị thành lập ít nhất 5 đội đột kích gồm 20 robot chiến đấu, sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tranh trong tương lai. Truyền thông Anh cho rằng mặc dù chính quyền Nga đầu tư vào lĩnh vực quân sự ít hơn Mỹ và Liên minh châu Âu, nhưng họ đã tiêu hết số tiền này vào việc “mài dao”. Trên thực tế, khi Nga bắt đầu hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại quân nổi dậy trong nước vào năm 2015, họ đã áp dụng nhiều loại robot quân sự vào chiến trường. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, Nga cuối cùng đã hoàn thiện kế hoạch hình thành lực lượng robot tấn công cùng nhiều chiến thuật sử dụng robot để phối hợp tác chiến cũng đã được xây dựng và hoàn thiện trên chiến trường Syria.

Một mẫu xe Uranus trên chiến trường Syria (Ảnh: Sohu).

Một mẫu xe Uranus trên chiến trường Syria (Ảnh: Sohu).

Để lấy lòng Mỹ và bảo vệ lập trường của mình, Tổng thống Ukraine Zelensky đã sử dụng vấn đề Donbass như một con bài thương lượng cho mình, ông đã cho nhiều lữ đoàn tiếp cận khu vực Donbass, không chỉ để giành lại khu vực này, mà còn nhân cơ hội để lấy lòng người Mỹ để Mỹ và các nước châu Âu kéo Ukraine vào NATO. Tuy nhiên, vấn đề Donbass luôn là tâm điểm chú ý của Điện Kremlin, việc Ukraine vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và kích động các vụ việc cũng khiến Tổng thống Nga Putin tức giận. Khi Ukraine huy động quân đội tiếp cận Donbass, Bộ Quốc phòng Nga cũng điều động và triển khai quân tại khu vực biên giới của Nga để có thể nhanh chóng can thiệp vào cuộc chiến. Theo các nguồn tin, quân đội Nga không chỉ điều động các đơn vị tác chiến điện tử, tên lửa chiến thuật mà còn điều động các robot chiến đấu tới khu vực biên giới với Ukraine; nếu nổ ra chiến tranh, các robot này sẽ phối hợp tác chiến với bộ binh Nga.

Một xe robot chiến đấu đang thử nghiệm chiến đấu (Ảnh: TASS).

Một xe robot chiến đấu đang thử nghiệm chiến đấu (Ảnh: TASS).

Có thông tin cho biết phía Nga đã triển khai các robot chiến đấu "Uranus-9" tới khu vực tuyến một, điều này gián tiếp cho thấy sự coi trọng của Điện Kremlin đối với vấn đề Donbass. Một số chuyên gia quân sự dự đoán, nếu Ukraine kích động nổ ra chiến tranh Donbass như năm 2014, quân đội Nga có khả năng tiến công toàn diện và sáp nhập vùng Donbass vào lãnh thổ của Nga. Gần đây, Hạm đội Caspian đã điều động tàu đổ bộ tiến hành các cuộc tập trận chung với các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen. Việc triển khai quân đội Nga ở khu vực Crimea cũng đã được tăng cường, đồng nghĩa với việc một khi chiến tranh Donbass nổ ra, phía Nga có khả năng đồng thời xuất phát từ Crimea và Donbas tấn công, đánh bại hoàn toàn quân đội Ukraine và cắt đứt huyết mạch kinh tế trên biển của Ukraine.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng quân đội Nga rất biết cách sử dụng robot chiến đấu, nếu các binh sĩ của quân đội Ukraine phải đối mặt với một đội quân Nga hùng mạnh như vậy, kết cục của họ chỉ có thể là bị tiêu diệt.

Xe robot chiến đấu đang hành tiến (Ảnh: Sohu).

Xe robot chiến đấu đang hành tiến (Ảnh: Sohu).

Theo TASS, Bộ Quốc phòng Nga hôm 9/4 thông báo họ sẽ sớm thành lập đơn vị đầu tiên được trang bị robot tấn công, lực lượng này sẽ quyết định cục diện chiến trường trong tương lai.

Hôm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã kiểm tra việc hoàn thành kế hoạch mua sắm quốc phòng tại Công ty TNHH “Cục sản xuất thiết bị kỹ thuật 766” đặt tại Nakhabino, ngoại ô Mátxcơva. Công ty này được chỉ định phát triển và sản xuất nhiều xe robot chiến đấu.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, tướng Vasily Tonkshurov đã báo cáo với Bộ trưởng Shoigu, đơn vị đầu tiên có robot tấn công sẽ được thành lập trong Lực lượng vũ trang Nga để vận hành 5 hệ thống robot "Uranus-9" với 20 xe chiến đấu.

Nga cho biết họ đã thành lập một đơn vị thực nghiệm trong một trung tâm nghiên cứu khoa học của Bộ Quốc phòng. Sau đó, trung tâm này sẽ đào tạo các nhân viên vận hành robot tấn công "Uranus-9" trong các đơn vị tác chiến.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu và các tướng lĩnh xem xét thiết bị điều khiển hệ thống Uranus-9 (Ảnh: TASS).

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu và các tướng lĩnh xem xét thiết bị điều khiển hệ thống Uranus-9 (Ảnh: TASS).

Robot chiến đấu "Uranus-9" là một nền tảng chiến đấu đa chức năng được phát triển bởi Cục sản xuất thiết bị kỹ thuật 766 của Nga. Nó có tổng trọng lượng 10 tấn, chiều dài 4,5 mét, rộng 2 mét và cao 1,4 mét. Tốc độ di chuyển tối đa là 40 km/h. Robot chiến đấu này kết hợp hỏa lực mạnh mẽ, được trang bị hệ thống vũ khí có điều khiển toàn diện bao gồm 4 tên lửa chống tăng 9S120 "Bumblebee-M", 4 tên lửa phòng không 9K33 SA-18 và 1 pháo 2A72 cỡ nòng 30mm với cơ số đạn 200 viên và súng máy 7,62mm gắn trên xe. Về lý thuyết, tên lửa chống tăng của nó có tầm bắn 5.800 mét, đủ sức đe dọa các mục tiêu thiết giáp chủ yếu hiện nay.

Tin cho biết, "Uranus-9" đã được thử nghiệm ở Syria, nhưng cuộc thử nghiệm này không thật lý tưởng. Theo nghiên cứu viên cao cấp Andrei Anisimov, thiết bị cảm ứng nhiệt và cảm biến quang của "Uranus-9" không thể phát hiện được kẻ thù ở khoảng cách ngoài hơn 1,25 dặm Anh, chỉ bằng một phần ba phạm vi 3,75 dặm vào ban ngày và một nửa vào ban đêm như công bố chính thức. Thiết bị quan trắc quang học OCH-4 không cho phép phát hiện thiết bị ngắm và quan sát quang học của đối phương, đồng thời bị nhiễu nhiều khi giám sát trên mặt đất và trên không. Ngoài ra, các cảm biến và vũ khí dẫn đường đều thiếu tính ổn định khi "Uranus-9" di chuyển. Khi lệnh xử bắn được ban hành, đã có sáu lần bị chậm trễ nghiêm trọng và một lần lệnh không được thực hiện.

Những thiếu sót này đã được phát hiện trong quá trình thử nghiệm ở Syria. Đặc biệt, các vấn đề như khả năng điều khiển, tính cơ động giảm, chức năng giám sát và tình báo quân sự không đạt yêu cầu đã được các kỹ sư xem xét và khắc phục kịp thời.

Xe chiến đấu robot được vận chuyển tới biên giới Ukraine (Ảnh: TASS).

Xe chiến đấu robot được vận chuyển tới biên giới Ukraine (Ảnh: TASS).

"Uranus-9" được sử dụng để bảo vệ nhân viên khỏi hỏa lực của kẻ thù. Các vũ khí mạnh mẽ của nó có thể tấn công không chỉ xe bọc thép hạng nhẹ mà còn cả xe tăng và các mucvj tiêu được bảo vệ cao khác. Hệ thống được xây dựng thành hệ thống điều khiển thống nhất ở cấp chiến thuật và có khả năng bảo vệ chống lại sự truy cập trái phép và các phương tiện chiến tranh điện tử.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, các robot chiến đấu hiện có vẫn cần con người điều khiển từ xa và không thể chiến đấu một cách tự chủ. Robot chiến đấu không thể chiến đấu tự chủ chỉ là một cụm vũ khí điều khiển từ xa. Vì là điều khiển từ xa nên có thể bị gây nhiễu hoặc hacker xâm nhập trong môi trường chiến trường, nếu điều này xảy ra, nhẹ thì robot chiến đấu sẽ mất hiệu quả chiến đấu, còn nếu nặng hơn sẽ trở thành công cụ bị đối phương sử dụng. Vì vậy, các robot chiến đấu hiện tại vẫn chưa thể thay thế được binh lính, nói cho cùng chúng vẫn chỉ là một công cụ phụ trợ.