Các lực lượng vũ trang Nga tiếp nhận vào biên chế hệ thống laser chiến đấu Peresvet, được phát triển theo nguyên tắc vật lý mới trong khuôn khổ chương trình phát triển vũ khí trang bị cấp nhà nước.
Từ thời điểm đưa vào biên chế, các trắc thủ laser bắt đầu được huấn luyện thực hành chiến đấu loại vũ khí hoàn toàn mới trong khuôn viên của Học viện không quân mang tên A.F. Mozhaisky và trong các cơ sở công nghiệp quốc phòng, tiếp thu các kiến thức lý thuyết cần thiết và thuần thục kỹ năng thực hành chiến đấu.
Trong quá trình làm chủ vũ khí hiện đại này, các kíp trắc thủ của những tổ hợp vũ khí laser thực hành trực tiếp trên vũ khí trang bị, thục luyện quy trình triển khai trang thiết bị và đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Video của Bộ quốc phòng Nga ghi lại cảnh lực lượng vũ khí laser triển khai sẵn sàng chiến đấu tổ hợp Peresvet. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ quốc phòng công khai bàn điều khiển vũ khí laser cùng tay cầm (cần điều khiển) với ba nút - đỏ, vàng và xanh lục, có thể được hiểu là 3 chế độ sử dụng năng lượng laser.
Nhưng các tính năng kỹ chiến thuật của vũ khí và mục tiêu mà tổ hợp laser định tiêu diệt vẫn hoàn toàn bí mật. Điều đó có thể hiểu là vũ khí laser Nga có thể hơn hẳn vũ khí laser Trung Quốc, có nghĩa là có thể hủy diệt mục tiêu.
Một số nhà bình luận quân sự cho rằng, Peresvet được sử dụng như một vũ khí phòng không chống lại các mục tiêu đặc biệt. Hệ thống trang thiết bị cho phép trắc thủ có thể tìm kiếm, phát hiện và giám sát các mục tiêu đường không, trong tình huống cho phép sẽ tấn công tiêu diệt bằng bức xạ laser có công suất rất lớn.
Năng lượng chùm tia laser năng lượng cao có thể gây nhiễu loạn hệ thống quang điện tử của phương tiện bay hoặc hủy hoại hoàn toàn hệ thống quang điện tử cùng người lái, nếu phương tiện bay là máy bay thông thường. Ngoài ra, laser cũng có thể được dùng để bắn hạ các đầu đạn siêu âm của đối phương hoặc tấn công những vệ tinh quân sự trên quỹ đạo gần trái đất.
Vũ khí laser không chỉ phá hủy hệ thống quang điện tử mà còn có thể phá hủy các trang thiết bị bên trong của phương tiện bay. Chùm bức xạ laser trong thời gian rất ngắn có thể đốt nóng vỏ phương tiện bay, gây hỏng hóc trang thiết bị bên trong hoặc gây cháy nổ.
Các chuyên gia cho rằng, vũ khí laser cũng có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất, nguồn nuôi tổ hợp có thể là một lò phản ứng hạt nhân nhỏ. Nếu thực sự như vậy, có nghĩa là các nhà khoa học Nga nắm được bí quyết thu nhỏ các trạm nguồn hạt nhân. Đây là phát minh có tính cách mạng và khả năng không xa, Nga sẽ có tên lửa sử dụng trạm nguồn hạt nhân và máy bay có thể bay với thời gian không hạn chế bằng năng lượng hạt nhân.