Nền điện ảnh Việt Nam phải làm gì trong thời đại CNTT?

VietTimes -- Điện ảnh – nền nghệ thuật thứ 7 của thế giới đã ra đời nhờ những thành tựu khoa học công nghệ của thế kỷ XIX. Từ đó đến nay, nền điện ảnh của các nước phát triển đã có rất nhiều bước tiến, đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin. Vậy nền điện ảnh Việt Nam phải làm gì trước những tiến bộ kỹ thuật của thời đại công nghệ thông tin? 
Nhiều bộ phim về đề tài "1000 năm Thăng Long" đã buộc phải quay ở nước ngoài do không có bối cảnh phù hợp trong nước và chưa chủ động ứng dụng kỹ xảo. Ảnh: Đời sống & Pháp luật
Nhiều bộ phim về đề tài "1000 năm Thăng Long" đã buộc phải quay ở nước ngoài do không có bối cảnh phù hợp trong nước và chưa chủ động ứng dụng kỹ xảo. Ảnh: Đời sống & Pháp luật

Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh – nguyên Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam, nếu nói về ứng dụng công nghệ thì điện ảnh Việt Nam đang đi rất chậm so với thế giới. Điện ảnh hiện đại thế giới đã có rất nhiều bộ phim với những hiệu quả đặc biệt (special effect) cực kỳ quan trọng, được xử lý chủ yếu trên máy vi tính. Đó là những bộ phim lớn của Hollywood như "Xác ướp Ai Cập", "Bí mật ngôi mộ cổ", "Người khổng lồ xanh", "Công viên kỷ Jura"...  Còn với điện ảnh Việt Nam, lĩnh vực này có lẽ vẫn là rất.. hạn chế. Điện ảnh thế giới hiện đã chuyển sang giai đoạn của Hi-Tech, Digital... Và nếu những người lãnh đạo nền điện ảnh Việt Nam không quan tâm thì không biết ngày nào chúng ta mới đuổi kịp được điện ảnh thế giới về công nghệ. Điều mà đạo diễn Đặng Nhật Minh mong muốn là các trường đại học về công nghệ nên bắt tay vào đào tạo và nghiên cứu về tạo những hiệu quả đặc biệt trong điện ảnh. Còn nếu cứ để những người trong ngành điện ảnh tự làm, tự mày mò thì rất khó. Trên thế giới, sự chuyên môn hóa đã rất cao, không một hãng phim nào tự làm tất cả, từ A đến Z. Giai đoạn "một hãng phim phải có đủ mọi khâu" đã qua và nên chấm dứt tư duy đó của thời bao cấp.  

Về mặt công nghệ là vậy, thế còn các đạo diễn điện ảnh phải làm gì để thích ứng? Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cho rằng, việc cần làm của ngành điện ảnh là mở ra những khóa đào tạo về kỹ xảo cho chính các đạo diễn. Các khóa học này nhằm mục đích để các đạo diễn hiểu được công nghệ có thể làm được những gì và từ đó, họ sẽ có thể tưởng tượng ra những hình ảnh có thể làm để đặt đầu bài cho những người làm kỹ xảo.

Hiện nay, các hãng phim của nhà nước đã và đang thực hiện tiến trình cổ phần hóa. Và rất nhiều hệ lụy không mấy hay ho đã diễn ra khiến không ít thành viên các hãng phim đó bất bình với các nhà đầu tư cùng cơ quan quản lý nhà nước. Nên chăng, bên cạnh rất nhiều việc phải giải quyết trong tiến trình đó, ngành điện ảnh Việt Nam cần có hẳn một chiến lược rõ ràng về ứng dụng khoa học công nghệ mà trong đó công nghệ thông tin đóng góp một phần rất quyết định.