Về cơ bản, có thể nói là đồ họa trong game có phần giống với phim hoạt hình. Tuy nhiên, khác với phim hoạt hình là đồ họa diễn ra tuần tự thì đồ họa trong game phải là theo các tình huống của game. Và cũng giống như phim hoạt hình, họa sĩ Trần Thanh Việt – nguyên đạo diễn phim hoạt hình của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam, game cũng phải có đạo diễn.
Có một thực tế với điện ảnh nhiều nước mà điển hình là ở Hollywood, bên cạnh các hãng phim còn có rất nhiều doanh nghiệp chuyên về công nghệ, kỹ xảo điện ảnh. Sự thuê khoán công việc của các hãng phim sang doanh nghiệp hết sức bình thường. Ngoài ra, rất nhiều kịch bản hay không chỉ được phát triển thành phim mà còn thành game. Walt Disney không chỉ là hãng phim hoạt hình nổi tiếng mà còn có một công ty con là Walt Disney Software chuyên làm game theo cốt truyện đã lên phim. Có những game nổi tiếng đến mức khiến người ta tiếp tục làm phim dựa trên cốt truyện của nó; và cũng có những phim mà nhờ đó hàng loạt game rất ăn khách ra đời. Có lẽ không cần phải nói, các bạn trẻ đều biết là cùng với các bộ phim "Chiến tranh giữa các vì sao", "Harry Porter" đều có game hấp dẫn không kém. Họ làm được điều đó, phải chăng là vì đã quản lý, tiếp thị và điều phối rất tốt? Khi một cơn sốt phim hay game đang lên thì rõ ràng công chúng quan tâm đến nó trên nhiều phương diện, kể cả thời trang, kiến trúc, đồ vật trong phim.
Vì thế, nếu các doanh nghiệp phát triển game và các hãng phim hoạt hình có sự cộng tác chặt chẽ thì chắc chắn sẽ xây dựng được những game có cốt truyện sinh động cùng các nhân vật được nhiều người yêu thích. Tất cả các nhân vật dân gian như Tễu, Bờm, Cuội, Trạng Quỳnh, Xiển Bột ngoài phim hoạt hình đều có thể làm game. Chắc chắn đó phải là mong muốn của những người chơi game và với họ phải có những game với kịch bản trong nước.