Năng lượng mặt trời đạt ngưỡng chi phí thấp nhất trong lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Năng lượng mặt trời chính là là “ông vua mới” trong ngành công nghiệp năng lượng.
Ảnh: The Verge
Ảnh: The Verge

Ở một số quốc gia trên thế giới, điện mặt trời hiện là nguồn điện rẻ nhất nhờ các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Đây là thông tin mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố trong một báo cáo vào hôm 14/10/2020.

Ánh sáng mặt trời là miễn phí nhưng công nghệ cần thiết để biến chúng thành nguồn điện năng có thể sử dụng được lại rất tốn kém. Để khuyến khích cộng đồng và các công ty chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời, nhiều quốc gia đã và đang điều chỉnh chính sách của mình để giảm giá việc mua thiết bị.

Hiện tại, đã có hơn 130 quốc gia thực hiện chính sách giảm chi phí xây dựng các cơ sở lắp đặt năng lượng mặt trời mới. Đây cũng là năm đầu tiên IEA xem xét các chính sách giảm chi phí xây dựng các cơ sở khai thác năng lượng mặt trời trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới hàng năm. Cơ quan này ước tính chi phí năng lượng mặt trời đã giảm từ 20% đến 50% mỗi khu vực so với năm ngoái.

Ảnh: Greentech Media
Ảnh: Greentech Media

Báo cáo của IEA cho biết năng lượng mặt trời đang trên đà trở thành “ông vua cung cấp điện năng mới” khi giá điện mặt trời tiếp tục giảm. Nguồn năng lượng này có khả năng sẽ chiếm lĩnh thị trường trong thập kỷ tới, một phần được thúc đẩy nhờ những nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết biến đổi khí hậu. Vào năm 2018, EU đã đặt mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo lên 32% vào năm 2030.


Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời luôn rẻ hơn so với các nhà máy điện chạy bằng than hoặc khí - báo cáo cho biết. Đối với các dự án năng lượng mặt trời được hoàn thành trong năm nay, chi phí phát điện trung bình là 35-55 USD/MWh (megawatt giờ) ở một số thị trường lớn nhất thế giới như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ. 4 năm trước, chi phí này ở mức 100 USD/MWh và con số thậm chí lớn hơn nữa - 300 USD cách đây một thập kỷ - theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Cũng theo IEA, chi phí cho điện năng chạy bằng than hiện dao động trong khoảng 55 - 150 USD/MWh. . IEA dự đoán việc sử dụng than sẽ không thể quay trở lại thời điểm huy hoàng trước đại dịch ngay cả khi nền kinh tế phục hồi vào năm tới.

Nhu cầu về điện hiện đang giảm do ảnh hưởng của đại dịch nhưng IEA kỳ vọng rằng nhu cầu sử dụng điện của người dân có thể phục hồi nhanh chóng khi đại dịch được kiểm soát và nền kinh tế phục hồi. Cơ quan này cũng dự đoán năng lượng mặt trời sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ kỷ lục để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong tương lai.

Theo The Verge