Năng lực đóng tàu "siêu khủng" của Trung Quốc khiến chính quyền Mỹ lo ngại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Những số liệu về năng lực và thành tựu thực tế của ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc, được công bố trước Hạ viện Mỹ, gây rúng động dư luận nước này.

Nhà máy đóng tàu Đại Liên, một trong những cơ sở đóng tàu lớn của Trung Quốc (Ảnh: Chinatimes)
Nhà máy đóng tàu Đại Liên, một trong những cơ sở đóng tàu lớn của Trung Quốc (Ảnh: Chinatimes)

Những số liệu về công nghiệp đóng tàu Trung Quốc gây sửng sốt

Hạ nghị sĩ Cộng hòa John Moolenaar, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ-Trung (The Select Committee on the CCP) của Hạ viện Mỹ hôm 27/6 tuyên bố tại phiên điều trần: “Số lượng tàu đóng hàng năm của Trung Quốc gấp 540 lần nước Mỹ".

Cũng tại phiên điều trần này, ông Scott Paul, Chủ tịch Liên minh ngành chế tạo Mỹ (AAM), cho biết “năng lực đóng tàu” (Shipbuilding energy) của Trung Quốc đại lục lớn gấp 232 lần so với Mỹ. Số lượng tàu được đóng thực tế gấp 540, công suất tiềm năng của các nhà máy đóng tàu Trung Quốc lớn gấp 232 lần so với Mỹ.

Chủ đề phiên điều trần của Ủy ban đặc biệt Mỹ-Trung về cạnh tranh chiến lược hôm 27/6 là "Ứng phó cạnh tranh chiến lược thống trị từ các chất bán dẫn đến đóng tàu và máy bay không người lái của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".

Ong Moolenaar.jpg
Hạ nghị sĩ John Moolenaar, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ-Trung của Hạ nghị viện Mỹ (Ảnh: Bloomberg).

“Hiện tại, Mỹ chỉ chiếm 1/1000 (0,1%) ngành đóng tàu toàn cầu, trong khi các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc đại lục chiếm tới 54% ngành đóng tàu toàn cầu sau khi chính phủ Bắc Kinh trợ cấp gần 20% chi phí vận hành”, ông John Moolenaar nói.

Ông đặc biệt chỉ ra rằng, Trung Quốc đang cố gắng thiết lập sự thống trị công nghiệp toàn cầu lâu dài thông qua phát triển các ngành công nghiệp trong nước để đảm bảo chiến thắng của nước này. Ông nói Mỹ là kho vũ khí của nền dân chủ trong Thế chiến II, nhưng nay đã bị Trung Quốc thay thế.

Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, công bố hồi tháng 5 lưu ý rằng những lực lượng do chính phủ lãnh đạo đã cho phép Trung Quốc đánh bại các đối thủ cạnh tranh và giành thị phần từ tay các công ty đóng tàu hàng đầu thế giới. Các công ty đóng tàu Trung Quốc hiện sản xuất được số lượng tấn trọng tải tàu buôn mỗi năm, chiếm hơn 50% tổng trọng tải của cả thế giới, tăng rất nhiều so với mức 5% vào năm 1999.

Ngay cả trong thời kỳ thịnh vượng nhất của ngành đóng tàu Mỹ những năm 1970, các nhà máy đóng tàu của nước này cũng chỉ đóng được 15 đến 25 tàu thương mại mới mỗi năm, thường chiếm chưa đến 5% tổng trọng tải của thế giới. Theo phiên điều trần hôm 27/6, vào thời điểm các khoản trợ cấp hỗ trợ ngành đóng tàu bị bãi bỏ trong những năm 1980, con số này đã giảm xuống mức dưới 1% sản lượng toàn cầu và chỉ còn là 0,1%.

Các công ty đóng tàu Nhật Bản và Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong thập kỷ qua, thị phần tổng hợp của hai quốc gia này trên thị trường đóng tàu toàn cầu này đã giảm từ 55% xuống còn khoảng 40% hiện nay và CSIS cho rằng xu hướng này có thể sẽ tiếp tục. Năm ngoái (2023), Trung Quốc đã thu hút 59% đơn đặt hàng đóng tàu mới trên toàn cầu và hầu hết các tàu viễn dương cỡ lớn cũng sẽ được đóng ở Trung Quốc trong vòng 10 năm tới.

Nha may Ho Dong.jpg
Nhà máy đóng tàu Hỗ Đông, một trong hai nhà máy đóng tàu khổng lồ ở Thượng Hải (Ảnh: CSIS).

Những lo ngại về an ninh quốc gia của Mỹ và phương Tây

Theo CSIS, ngoài khả năng cạnh tranh công nghiệp với Mỹ và các đồng minh, năng lực đóng tàu của Trung Quốc cũng bị coi là vấn đề an ninh quốc gia. Các công ty đóng tàu Trung Quốc không chỉ sản xuất tàu container, tàu chở hàng rời và tàu chở dầu. Họ cũng đóng tàu chiến cho Hải quân Trung Quốc (PLAN).

Nhiều nhà máy đóng tàu nổi bật nhất ở Trung Quốc thực hiện chiến lược lưỡng dụng (kết hợp quân sự-dân sự), nhằm tìm cách kết hợp sự phát triển công nghệ, khoa học và công nghiệp dân sự và quân sự để tăng cường sức mạnh quốc gia toàn diện.

Đặc biệt, một công ty, Tập đoàn Đóng tàu quốc gia Trung Quốc (China State Shipbuilding Corporation, CSSC), đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất tàu cho cả khách hàng thương mại và PLAN. Tập đoàn khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước này sở hữu hơn 100 công ty con và chiếm gần 1/4 thị trường đóng tàu thương mại toàn cầu.

Có thể nhìn thấy rõ ràng tại các xưởng đóng tàu lớn của CSSC là bộ khung khổng lồ của các tàu thương mại đang được đóng bên cạnh các tàu chiến Trung Quốc. Ranh giới mờ nhạt giữa các hoạt động thương mại và quân sự có lẽ được thể hiện rõ nhất trên đảo Trường Hưng gần Thượng Hải, nơi hai nhà máy đóng tàu lưỡng dụng nổi bật – Giang Nam và Hỗ Đông, đang được sáp nhập thành một “căn cứ đóng tàu” khổng lồ.

Tau Phuc Kien dang dong.jpg
Tàu sân bay Phúc Kiến được đóng tại Nhà máy đóng tàu Giang Nam (Ảnh: CSIS).

Chính tại đây, tháng 6/2022 Trung Quốc đã hoàn thành và hạ thủy tàu sân bay thứ ba mang tên “Phúc Kiến” có năng lực mạnh nhất Trung Quốc. Các cơ sở lắp ráp và xưởng chế tạo để chế tạo các bộ phận của tàu sân bay cũng thường được sử dụng để sản xuất thân tàu thương mại.

Việc chia sẻ tài nguyên này, bao gồm vốn, công nghệ, nhân sự, thiết bị và cơ sở vật chất, không phải là hiếm ở Trung Quốc và đã thúc đẩy sự phát triển công nghiệp hải quân của nước này. Ngày nay, chỉ riêng Nhà máy đóng tàu Giang Nam đã có công suất lớn hơn tất cả các nhà máy đóng tàu của Mỹ cộng lại và năng lực đóng tàu hải quân của Trung Quốc lớn hơn Mỹ hơn 230 lần.

Điều khiến Mỹ lo ngại hơn nữa là mức độ mà các công ty nước ngoài vô tình hỗ trợ tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc. Từ năm 2019 đến năm 2021, các công ty nước ngoài chiếm ít nhất 64% đơn đặt hàng tàu buôn tại các nhà máy đóng tàu thuộc sở hữu của CSSC. Nhiều công ty trong số này có trụ sở tại một số đồng minh và đối tác thân cận nhất của Mỹ, bao gồm Pháp, Nhật Bản và Thụy Điển.

Tau Phuc Kien.png
Tàu Phúc Kiến vừa hoàn thành chuyến chạy thử nghiệm tháng 5 vừa qua (Ảnh: CCTV).

Ngoài việc bơm vốn vào các nhà máy đóng tàu lưỡng dụng của Trung Quốc, một số công ty nước ngoài còn chia sẻ công nghệ và kiến ​​thức chuyên môn quan trọng cho việc nâng cao năng lực đóng tàu của Trung Quốc. Ví dụ, công ty kỹ thuật hải quân Pháp Gaztransport & Technigaz SA (GTT) đã cung cấp công nghệ cho các công ty đóng tàu Trung Quốc. Công nghệ này sau đó được sử dụng trên hàng chục tàu do Trung Quốc đóng cho các công ty nước ngoài như CMA CGM, Hapag-Lloyd và Mitsui O.S.K.

Những động thái này đặt ra những câu hỏi quan trọng về những hậu quả không lường trước được của những cam kết kinh tế toàn cầu với các lĩnh vực bề ngoài là dân sự của Trung Quốc nhưng có mối quan hệ sâu sắc với quân đội nước này.

Theo Chinatimes, CSIS