Đến 2020 sẽ trực tuyến hóa tất cả các thủ tục hành chính
Ông Nguyễn Quang Thanh-Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng vừa cho biết, trong bối cảnh phát triển của cách mạng 4.0, đặc biệt là xu hướng hội tụ các công nghệ dựa trên nền tảng CNTT theo định hướng phát triển nền Kinh tế số, Thành ủy Đà Nẵng đang dự thảo Nghị quyết về Phát triển hạ tầng CNTT và Truyền thông tiếp cận xu hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0.
"Đây có thể xem là quan điểm mới trong phương pháp tiếp cận, theo đó khái niệm về phát triển Hạ tầng CNTT-TT được hiểu là phát triển Hạ tầng truyền dẫn, viễn thông, lưu trữ, tính toán; xây dựng Hạ tầng dữ liệu; phát triển Hạ tầng công nghiệp; bảo đảm Hạ tầng Truyền thông; phát triển các trụ cột chính trong giai đoạn mới, giúp cộng đồng doanh nghiệp, người dân ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào cuộc sống hàng ngày và các hoạt động sản xuất, kinh doanh… theo đúng định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị dành riêng cho Đà Nẵng" - ông Nguyễn Quang Thanh chia sẻ.
Với nhiệm vụ đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ hoàn thiện hạ tầng CNTT-TT, cơ sở dữ liệu… để bảo đảm vận hành chính quyền điện tử, làm nền tảng để xây dựng thành phố thông minh; góp phần vào thực hiện kế hoạch cải cách hành chính, tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy; chuyển dần mô hình và phương thức quản lý hành chính, kinh tế và đô thị từ truyền thống sang trên nền kỹ thuật số; sẵn sàng mặt bằng và hạ tầng các khu CNTT để thu hút đầu tư vào CNTT Thành phố.
Đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ trực tuyến hóa toàn bộ các thủ tục hành chính công
|
"Đà Nẵng sẽ ưu tiên, tập trung phát triển hạ tầng viễn thông, CNTT bảo đảm năng lực truyền dữ liệu, tính toán, xử lý để ứng dụng các công nghệ mới phục vụ các “Khu đô thị thông minh” vào năm 2025 theo Đề án “Xây dựng thành phố thông minh tại TP Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, về dữ liệu, Đà Nẵng sẽ quy hoạch đồng bộ mạng lưới thiết bị cảm biến theo công nghệ internet vạn vật để phục vụ việc thu thập, tích hợp dữ liệu, giám sát hoạt động của các lĩnh vực chuyên ngành trên một hạ tầng dùng chung.
Đặc biệt là phân tích dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định điều hành kịp thời và hiệu quả. Hình thành trung tâm an ninh công cộng, trung tâm quan trắc môi trường, trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng. Đồng thời, hoàn thiện Cổng dịch vụ công trực tuyến bảo đảm đến năm 2020 hầu hết thủ tục hành chính được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 kết hợp với thanh toán trực tuyến phí, lệ phí. Phấn đấu đến năm 2020 có 50% hồ sơ nộp trực tuyến, năm 2025 có 65% hồ sơ nộp trực tuyến và đến năm 2030 có 80% hồ sơ nộp trực tuyến. Tăng cường kết nối, tích hợp, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan Đảng, chính quyền"-ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho biết.
Để đạt được mục tiêu đó, Đà Nẵng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu nền như: dân cư, đất đai, xây dựng, doanh nghiệp, kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như hộ tịch, y tế, giáo dục, du lịch, lao động việc làm, an sinh xã hội,... để làm nền tảng triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và phát triển các ứng dụng liên quan đến người dân, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ chính quyền điện tử, hình thành công dân điện tử. Phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành việc xây dựng hệ thống học bạ điện tử của học sinh; hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân… Và tính đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đã có khoảng 700/1.200 dịch vụ công, thủ tục hành chính của Đà Nẵng đã được trực tuyến hóa mức 3, 4 (2 mức độ cao nhất), số còn lại ở giai đoạn trực tuyến mức độ 2.
"Nếu được chấp thuận, đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ áp dụng trực tuyến hóa tất cả thủ tục hành chính của TP để phục vụ người dân và doanh nghiệp”- ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng chia sẻ.
Cũng theo Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng, bên cạnh các mục tiêu xây dựng các nền tảng dữ liệu, nâng cấp hạ tầng, thì đến 2025, Đà Nẵng sẽ triển khai mô hình thành phố thông minh toàn diện, cải thiện chất lượng phục vụ và công tác ch đạo điều hành của chính quyền; hỗ trợ quản lý có hiệu quả đô thị và các nguồn tài nguyên của Thành phố; hòa nhập vào mạng lưới các Thành phố thông minh ASEAN; thúc đẩy ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0 trong doanh nghiệp và xã hội. Ngành công nghiệp CNTT đóng góp khoảng 10% vào GRDP của Đà Nẵng.
Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã xây dựng nền tảng cho định hướng phát triển CNTT-TT khi 10 năm liên tục (từ 2009-2019 ) đứng đầu cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (Vietnam ICT Index); đóng góp 5% GRDP của Đà Nẵng, tạo việc làm cho 25.000 lao động, tạo hệ sinh thái cho gần 900 doanh nghiệp với doanh thu năm 2018 đạt 25.200 tỷ đồng…
Tổng đài dịch vụ công 1022, một trong những ứng dụng CNTT-TT trong quản lý và cải cách thủ tục hành chính ở Đà Nẵng
|
“Ứng dụng CNTT-TT của Đà Nẵng tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội và trở thành “công cụ lõi” trong các hoạt động quản lý nhà nước và cải cách hành chính. Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành có hiệu quả; ứng dụng CNTT trong hầu hết các cơ quan, tổ chức”- ông Nguyễn Quang Thanh nói.
Trong giai đoạn 2026-2030, Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện kho dữ liệu, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, sử dụng tối đa công nghệ số của Công nghiệp 4.0, nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới; phát triển nền kinh tế số hội nhập và hiện đại, mở rộng thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành ở các lĩnh vực của đời sống xã hội, tinh gọn bộ máy, nâng cao sức cạnh tranh và tạo động lực mới cho phát triển. Và quan trọng nhất là Ngành công nghiệp CNTT sẽ đóng góp khoảng 15% vào GRDP của Đà Nẵng.
Vẫn còn nhiều thử thách
Mặc dù có những bước tiến đáng kể trong thời gian qua, nhưng hạ tầng CNTT-TT của Đà Nẵng vẫn còn thiếu đồng bộ; hạ tầng viễn thông, CNTT thiếu tầm nhìn để ứng dụng công nghệ 4.0; cơ sở dữ liệu còn rời rạc, chưa được chia sẻ giữa các ngành, tạo ra các giá trị mới phục vụ các ứng dụng thông minh và công khai cho người dân,... các khu CNTT chưa sẵn sàng để phát triển, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn CNTT-TT trong và ngoài nước.
Chatbot, một trong những ứng dụng trực tuyến được Đà Nẵng đưa vào phục vụ du khách và người dân trong lĩnh vực du lịch, hành chính công
|
“Chính vì vậy, từ nay đến 2030, Đà Nẵng sẽ hoàn thành quy hoạch hạ tầng thông tin liên lạc, phát triển hạ tầng viễn thông đồng bộ, triển khai mạng lõi viễn thông cấp vùng, liên vùng và phủ sóng thông tin di động 4G, 5G toàn thành phố, kết nối băng rộng đến tất cả các doanh nghiệp, hộ gia đình; nâng cấp và mở rộng Trung tâm dữ liệu Đà Nẵng để bảo đảm hạ tầng lưu trữ, tính toán và dự phòng thiết yếu cho các ứng dụng thành phố thông minh. Đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực bảo vệ an toàn, an ninh thông tin; trang bị các thiết bị công nghệ, giải pháp mới liên quan đến điện toán đám mây; các máy tính tính toán hiệu năng cao (HPC - High Performance Computing) để xây dựngcác hệ thống lớn như: tính toán song song, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, thực tại ảo,...”- Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng chia sẻ.
Để thực hiện các mục tiêu định hướng theo Nghị quyết, trong định hướng tầm nhìn đến 2045, Đà Nẵng đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành, quản lý và xử lý tập trung, đa nhiệm bảo đảm việc vận hành Hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh; Tập trung và chủ động triển khai các giải pháp nền tảng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đồng bộ, hiện đại; bảo đảm an toàn cho các hệ thống thông tin, máy tính các cơ quan Đảng, Nhà nước của thành phố.
Trong đó, ưu tiên, tập trung phát triển hạ tầng viễn thông, CNTT bảo đảm năng lực truyền dư liệu, tính toán, xử lý để ứng dụng các công nghệ mới phục vụ các “Khu đô thị thông minh” vào năm 2025 theo Đề án “Xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Về hạ tầng, Đà Nẵng sẽ nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng truyền thông cho truyền hình, truyền thanh, báo chí, quản lý thông tin điện tử, mạng xã hội; Đổi mới công nghệ, phương thức quản lý nhằm tăng cường khả năng tương tác và truyền thông của các cơ quan báo chí, truyền hình; bảo đảm chuyển tải nội dung chính xác, kịp thời theo xu hướng hội tụ; đến năm 2020 thí điểm ứng dụng quản lý thông tin điện tử và mạng xã hội…
Theo ông Nguyễn Quang Thanh-Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng, Đà Nẵng sẽ hoàn thiện Cổng dịch vụ công trực tuyến bảo đảm đến năm 2020 hầu hết thủ tục hành chính được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và kết hợp với thanh toán trực tuyến phí, lệ phí
|
“Song song đó, Đà Nẵng sẽ xây dựng và ban hành quy chế về cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung toàn thành phố; quy chế kết nối, tích hợp dữ liệu, trao đổi thông tin giữa Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng với các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố và với các bộ, ngành Trung ương. Nhất là xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội tham gia phát triển hạ tầng CNTT-TT; đặc biệt thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng; thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, sinh viên giỏi, tài năng trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực CNTT- TT đến làm việc ngắn hạn hoặc lâu dài tại thành phố Đà Nẵng…
Với những chính sách đó, tôi hy vọng rằng, Đà Nẵng sẽ hội nhập nhanh và sâu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, cũng như định hướng phát triển theo Nghị quyết số 43 mà Bộ Chính trị dành riêng cho Đà Nẵng”- Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng nói./.