Mỹ phê phán Trung Quốc ở Biển Đông, yêu cầu Philippines làm rõ phát biểu của ông Rodrigo Duterte

VietTimes -- Tờ Đa Chiều của người Hoa tại Mỹ ngày 9/8 đã đề cập đến phản ứng của Mỹ đối với nhiều vấn đề nóng ở Tây Thái Bình Dương như Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp nhà chứa máy bay ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam) và Mỹ hỗ trợ Nhật Bản đối phó với Trung Quốc.
Bà Elizabeth Trudeau, Chủ nhiệm Văn phòng thông tin Bộ Ngoại giao Mỹ
Bà Elizabeth Trudeau, Chủ nhiệm Văn phòng thông tin Bộ Ngoại giao Mỹ

Trung Quốc vi phạm cam kết không quân sự hóa Biển Đông

Về việc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) công bố các hình ảnh chụp vào cuối tháng 7/2016 cho thấy Trung Quốc đã xây dựng bất hợp pháp các nhà chứa máy bay trên 3 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam như đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn. Những nhà chứa này có thể chứa bất cứ loại máy bay chiến đấu nào của Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo ngày 9/8, Chủ nhiệm Văn phòng thông tin Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Elizabeth Trudeau tuyên bố: "Hoạt động xây dựng này đã làm trầm trọng hơn tình hình căng thẳng khu vực, cũng đã gây nghi ngờ cho dư luận về khả năng Trung Quốc tuân thủ tuyên bố không có ý đồ quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào tháng 9/2015.

Những hành vi này đã làm giảm lòng tin của khu vực này đối với khả năng Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các vấn đề bất đồng bằng cách không đe dọa".

Bà Elizabeth Trudeau còn cho biết: "Mỹ vẫn như trước đây, tiếp tục kêu gọi các bên chấm dứt bồi lấp, xây đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp, xây dựng các công trình mới và tiến hành quân sự hóa nhiều hơn đối với các căn cứ tiền tiêu.

Mỹ kêu gọi các bên cần tận dụng cơ hội có được từ phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12/7/2016, đạt được đồng thuận đối với cách thức tiến hành các hành vi và hoạt động thích hợp ở khu vực tranh chấp".

Đối với khả năng Mỹ áp dụng các biện pháp đối phó Trung Quốc, bà Elizabeth Trudeau cho hay Mỹ sẽ tiếp tục bày tỏ lo ngại đối với Trung Quốc trong các trường hợp công khai cũng như khi hai bên "họp kín". Mỹ cũng sẽ thông qua các cấp độ để thuyết phục các bên kiềm chế, giải quyết hòa bình tranh chấp.

Về hậu quả của việc Trung Quốc từ chối chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài ở The Hague, bà Elizabeth Trudeau cho rằng phán quyết này đã tạo cơ hội cho các nước chủ trương chủ quyền (ở Biển Đông) có thể giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao và con đường sử dụng luật pháp quốc tế.

Tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập vùng biển đảo Senkaku Nhật Bản. Ảnh: Sina Trung Quốc.
Tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập vùng biển đảo Senkaku Nhật Bản. Ảnh: Sina Trung Quốc.

Mỹ giúp Nhật Bản đối phó Trung Quốc ở đảo Senkaku

Về việc Trung Quốc điều nhiều tàu cảnh sát và tàu cá đến vùng biển đảo Senkaku hiện nay, bà Elizabeth Trudeau cho biết Mỹ đang theo dõi chặt chẽ tình hình, giữ trao đổi chặt chẽ với Chính phủ Nhật Bản. Lập trường của Mỹ trong vấn đề đảo Senkaku là rõ ràng, lâu dài.

Vào năm 1972, sau khi Mỹ trao trả Okinawa, đảo Senkaku nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản. Điều này cũng được áp dụng cho Điều 5 Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật năm 1960. Mỹ không giữ lập trường đối với chủ quyền cuối cùng của những hòn đảo này.

Ngoài ra, ngày 9/8 tại Washington, Thượng tướng Robert Neller, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết Quân đội Mỹ đang giúp đỡ Nhật Bản xây dựng một lực lượng tác chiến đổ bộ mạnh.

Thượng tướng Robert Neller nói: “Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản đang rất nỗ lực xây dựng khả năng của lữ đoàn chiến đấu đổ bộ. Chúng tôi lạc quan và tự hào làm đối tác của họ trong quá trình này”.

Thượng tướng Robert Neller, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ
Thượng tướng Robert Neller, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ

Tháng 6/2016, một sĩ quan chỉ huy khác của Thủy quân lục chiến Mỹ cho rằng lữ đoàn chiến đấu đổ bộ này của Nhật Bản dự tính sẽ có khả năng tác chiến ban đầu vào năm 2018, đồng thời hoàn toàn có khả năng tác chiến trước năm 2023.

Chuyên gia quốc phòng cho rằng các hành động hung hăng hăm dọa của Trung Quốc ở biển Hoa Đông đã thúc đẩy Nhật Bản quyết tâm nhanh chóng phát triển khả năng tác chiến đổ bộ, bao gồm mua thêm trang bị có khả năng đổ bộ như tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga.

Mỹ yêu cầu Philippines làm rõ phát biểu của ông Rodrigo Duterte

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu đồng minh Philippines làm rõ “phát ngôn không thỏa đáng” của Tổng thống Rodrigo Duterte đối với Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Philip Goldberg.

Hồi tuần trước, khi gặp gỡ các quân nhân ở căn cứ quân sự Lapu Lapu, thành phố Cebu, ông Rodrigo Duterte đã chỉ trích Đại sứ Philip Goldberg can thiệp vào công việc của Philippines, gọi ông Philip Goldberg là “tên khốn” và “gã đồng tính”.

Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Philip Goldberg
Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Philip Goldberg

“Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana và tôi đã nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ông ấy rất được. Nhưng, tôi hơi khó chịu với Đại sứ đồng tính của ông ấy (ông Philip Goldberg). Ông ta từng can thiệp vào quá trình bầu cử khi cứ đưa ra nhận xét về tôi. "Tên khốn" đó thực sự khiến tôi khó chịu” – ông Duterte nói.

Bà Elizabeth Trudeau cho biết Mỹ đã yêu cầu Đại diện lâm thời Sứ quán Philippines đến Bộ Ngoại giao để làm rõ phát biểu của ông Rodrigo Duterte. Nhưng bà từ chối tiết lộ chi tiết cuộc gặp gỡ giữa quan chức cấp cao Mỹ và quan chức Philippines.

Ngoài ra, Mỹ còn bày tỏ quan ngại đối với hàng loạt vụ giết người trong chiến dịch chống tội phạm ma túy của ông Rodrigo Duterte. Sau khi ông này nhậm chức, hàng trăm người bị tình nghi liên quan đến tội phạm ma túy đã bị tiêu diệt, trong khi đó có khoảng nửa triệu người khác ra đầu thú.

Bà Elizabeth Trudeau nói: “Chúng tôi lo ngại về các vụ bắt giữ và các vụ sát hại vô tội vạ các cá nhân bị tình nghi liên quan đến ma túy ở Philippines”.

Ngày 27/7/2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: Rappler.
Ngày 27/7/2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: Rappler.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Phủ Tổng thống Philippines cho biết sau chuyến thăm Philippines của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào cuối tháng 7/2016, Mỹ cam kết hỗ trợ 32 triệu USD để huấn luyện và thực thi pháp luật.