Mỹ, Nhật Bản tiếp ứng chiến lược Ấn Độ đối phó Trung Quốc

VietTimes -- Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh đối đầu Trung - Ấn ở khu vực biên giới Doklam kéo dài và ngày càng căng thẳng. Trung Quốc thậm chí điều tàu ngầm, tàu trinh sát đến Ấn Độ Dương để thu thập tình báo.
Mỹ - Ấn - Nhật chuẩn bị tiến hành tập trận quy mô lớn Malabar 2017. Ảnh: India TV
Mỹ - Ấn - Nhật chuẩn bị tiến hành tập trận quy mô lớn Malabar 2017. Ảnh: India TV

Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đang tích cực chuẩn bị cho tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Malabar ở vịnh Bengal bắt đầu từ ngày 10/7/2017. Đây là cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Ấn Độ, được bắt đầu từ năm 2002. Nhật Bản tham gia cuộc tập trận này từ năm 2015.

Đánh giá về cuộc tập trận này, Andrey Karneev, Phó viện trưởng Học viện Á - Phi, Đại học Moscow Nga cho rằng việc Nhật Bản tham gia vào cuộc tập trận Malabar thường niên càng làm đậm thêm tính chất “chống Trung Quốc” của cuộc tập trận.

Đặc biệt, điều rất quan trọng là Ấn Độ và Nhật Bản đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ có ý đồ can thiệp vào khu vực Biển Đông, nơi Trung Quốc có tham vọng bành trướng lãnh thổ với yêu sách “đường chín đoạn” vô lý, phi pháp.

Trung Quốc luôn cáo buộc Mỹ tự mình hoặc lôi kéo các nước lớn khác trong khu vực để cùng hành động ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy, mạnh lên.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng mức độ hoạt động của hạm đội Mỹ tại Thái Bình Dương thường thống nhất với hành động tương ứng của Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc Nhật Bản tham gia cuộc tập trận Malabar giữa Mỹ - Ấn khiến cho Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong hệ thống an ninh châu Á.

Năm nay sẽ có khoảng 15 tàu chiến tham gia cuộc tập trận Malabar trong thời gian 10 ngày, bao gồm tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ, tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ và tàu sân bay trực thăng Izumo của Nhật Bản. Ngoài ra còn có tàu ngầm và máy bay, Mỹ sẽ điều máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon tham gia.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ. Ảnh: Sina
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ. Ảnh: Sina

Theo một nguồn tin khác, ngoài tàu sân bay USS Nimitz chở máy bay chiến đấu F/A-18, Mỹ còn cử 1 tàu tuần dương tên lửa lớp Ticonderoga, 1 tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles và 3 – 4 tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke tham gia tập trận.

Trong khi đó, Ấn Độ cử tàu sân bay INS Vikramaditya chở máy bay chiến đấu MiG-29K, 6 - 7 tàu chiến tuyến một và 1 tàu ngầm lớp Kilo tham gia. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cử tàu sân bay trực thăng Izumo tham gia. Tàu Izumo là lực lượng săn ngầm mạnh nhất của cuộc tập trận này.

Theo tờ Thời báo Ấn Độ ngày 5/7, cuộc tập trận 3 nước lần này có khoảng 15 tàu chiến mặt nước, 2 tàu ngầm và vài chục máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát và máy bay trực thăng tham gia.

Cuộc tập trận lần này có nhiều khoa mục đáng chú ý như tuần tra trên biển, trinh sát, săn ngầm, tác chiến liên hợp tàu sân bay. Trong đó, các bên tập luyện săn ngầm trong bối cảnh báo chí Ấn Độ vừa cho biết vệ tinh và máy bay giám sát hàng hải của Ấn Độ phát hiện tàu ngầm đã xâm nhập Ấn Độ Dương, 14 tàu chiến Trung Quốc hoạt động khác thường ở Ấn Độ Dương.

Trong đó, tàu ngầm Trung Quốc đến Ấn Độ Dương lần này là lần thứ 7, là tàu ngầm thông thường lớp Nguyên Type 041, đi theo có tàu chi viện Sùng Minh Đảo.

Đối với cuộc tập trận này, ngoài tàu ngầm Type 041, Trung Quốc đã điều tàu trinh sát Hải Vương Tinh số hiệu 852 đến để tiến hành dò la. Tàu này có thể thu thập tin tức tình báo trên không, trên mặt biển và dưới mặt biển, đồng thời có thể truyền những thông tin thu thập được về nước.

Đối đầu căng thẳng kéo dài ở biên giới Trung - Ấn đang tiếp diễn. Ảnh: India Today
Đối đầu căng thẳng kéo dài ở biên giới Trung - Ấn đang tiếp diễn. Ảnh: India Today

Các nước tham gia cuộc tập trận Malabar công bố mục đích tập trận là chống cướp biển và chống khủng bố, nhưng lại không thể loại bỏ được sự lo ngại của Trung Quốc về mục đích thực sự của cuộc tập trận.

Chuyên gia Ấn Độ cho rằng cuộc tập trận này có hiệu quả “ngăn chặn Trung Quốc”. Cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh đối đầu biên giới Trung - Ấn đang rất căng thẳng, nhạy cảm, nên có ý nghĩa đặc biệt.

Cuộc đối đầu ở khu vực Doklam (Trung Quốc gọi là Động Lãng) giữa Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra từ đầu tháng trước, đến nay thời gian đã gần 30 ngày. Hai bên đều đã bắt đầu tăng quân, có nguồn tin cho là mỗi bên đều đã điều khoảng 3.000 quân đối đầu trực diện ở khu vực biên giới Sikkim - Bhutan - Tây Tạng.

Thời gian căng thẳng lần này đã vượt cuộc đối đầu kéo dài 21 ngày ở đoạn biên giới phía đông giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2013, trở thành một sự kiện nghiêm trọng nhất sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962.

Đáng chú ý, hiện nay, Ấn Độ và Trung Quốc đều không dự định rút đi, vì vậy tình hình tương đối căng thẳng.

Việc Mỹ và Nhật Bản cùng tham gia cuộc tập trận Malabar 2017 cho thấy họ có ý đồ chi viện về chiến lược cho Ấn Độ, đồng thời tìm cách ngăn chặn hải quân Trung Quốc tiến ra đại dương.