Theo một bài viết mà Yahoo News đăng tải, điệp viên hai mang này là một kỹ sư người Iran được đào tạo bởi cơ quan tình báo Hà Lan (AIVD) theo chỉ thị của cơ quan tình báo Mỹ (CIA) và cơ quan tình báo Israel (Mossad). Điệp viên này sau đó cung cấp dữ liệu quan trọng giúp các nhà phát triển ở Mỹ tạo ra các đoạn mã độc tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính ở Natanz.
Theo bài viết, điệp viên này có khả năng đã sử dụng USB có chứa virus để cài trực tiếp vào hệ thống máy tính của Iran, bởi các hệ thống này không được kết nối với internet; hoặc đã thao túng người khác để làm theo mục đích của mình. Virus Stuxnet đã gây ảnh hưởng tới 2.000 lò ly tâm của Iran, làm chậm nhiều kế hoạch làm giàu uranium của họ trong suốt vài năm liền - theo giới phân tích. Nhiều báo cáo còn cho rằng, virus Stuxnet đã được các cơ quan tình báo Mỹ và Israel phát triển nhằm phá hủy chương trình hạt nhân Iran. Tuy nhiên, không có nước nào đứng ra nhận trách nhiệm về việc tạo ra thứ virus máy tính này hay thực hiện vụ tấn công nói trên.
Báo cáo mới nhất dẫn 4 nguồn tin giấu tên cho rằng Hà Lan và Đức cũng có vai trò trong kế hoạch tấn công trên, cùng với Mỹ và Israel. Một số quốc gia khác cũng bị nghi có dính líu là Pháp và Anh. Trước đó, nhiều thông tin cho rằng Đức đã cung cấp thông số kỹ thuật và kiến thức về hệ thống kiểm soát công nghiệp do công ty Siemens của Đức chế tạo, được sử dụng trong nhà máy hạt nhân Natanz của Iran để quản lý các lò ly tâm. Báo cáo cho hay, Pháp cũng cung cấp các thông tin tình báo tương tự.
Theo báo cáo, điệp viên hai mang của Hà Lan, nắm giữ một vị trí đặc biệt nên có thể cung cấp thông tin tình báo quan trọng về việc Iran mua sắm trang thiết bị từ châu Âu để trang bị cho chương trình hạt nhân, thông tin về các lò ly tâm, bởi các lò ly tâm lắp đặt ở nhà máy Natanz đều dựa trên bản thiết kế được cho là bị nhà khoa học người Pakistan Abdul Qadeer Khan đánh cắp khỏi một công ty Hà Lan vào những năm 1970, sau đó sử dụng cho chương trình hạt nhân Pakistan.
Các vụ tấn công mạng tiếp đó nhằm vào chương trình hạt nhân Iran sau đó không cần sự hiện diện của một điệp viên ở nhà máy Natanz, bởi thông tin tình báo mà điệp viên hai mang cung cấp đã tạo nền tảng thành công cho các cuộc tấn công của virus Stuxnet. Tuy nhiên, sau đó do một điệp viên quan trọng của Hà Lan đã mất quyền tiếp cận nhà máy Natanz, khiến cho Mossad - bất chấp lời khuyên của phía Mỹ - đã hành động liều lĩnh hơn trong các vụ tấn công bằng Stuxnet trong giai đoạn sau này.
Hiện chưa rõ vì sao mà thông tin về điệp viên hai mang người Iran bị công bố một cách bất ngờ. Vài tháng sau khi Tehran phát hiện virus Stuxnet trong mạng lưới, một website của Israel đưa tin Iran đã bắt giữ và có thể đã xử tử một số nhân viên làm việc tại Natanz vì tin rằng các nhân viên này đã tuồn virus vào hệ thống máy tính. 2 nguồn tin tình báo mà Yahoo News dẫn lại cho hay, thực sự đã có một số vụ xử tử liên quan tới chương trình Stuxnet, tuy nhiên không nói rõ trong số này có điệp viên của Hà Lan hay không.
Cả Mossad, các cựu điệp viên của Mossad và các đặc vụ tình báo Mỹ có liên quan tới vụ tấn công hệ thống mạng Iran vào thời điểm đó, đều xác nhận về sự tồn tại của điệp viên hai mang mà Hà Lan đào tạo.
Theo Sputnik