Phó Đô đốc hải quân Iran Hossein Khanzadi cho hay ông đã ký một biên bản ghi nhớ chưa từng có tiền lệ với Nga, phần lớn là liên quan tới lực lượng hải quân hai nước, và rằng nó "có thể được xem là điểm bước ngoặt trong quan hệ giữa Tehran và Moscow" - theo hãng thông tấn Fars News của nước này. Thông tin trên xuất hiện trong lúc ông Khanzadi có chuyến thăm St. Petersburg để tham gia Ngày Hải quân Nga. Tại đây, ông Khanzadi cũng tuyên bố rằng "các cuộc tập trận chung Nga-Iran trên biển Ấn Độ Dương dự kiến sẽ sớm được tổ chức".
"Khi chúng tôi bàn về Ấn Độ Dương, phần quan trọng nhất của khu vực này là Bắc Ấn Độ Dương, nơi dẫn tới Vịnh Oman, eo biển Hormuz và cả Vịnh Ba Tư" - ông Khanzadi nói.
Các cuộc tập trận kể trên có thể sẽ được tổ chức trên các vùng biển mà Mỹ cáo buộc Iran tấn công các tàu chở dầu trong những tháng gần đây, những cáo buộc mà Tehran cực lực bác bỏ trong lúc đang bị Mỹ áp đặt các đòn trừng phạt kinh tế hà khắc sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái.
Thỏa thuận trên, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), cũng được ký bởi Nga, Trung Quốc, EU, Pháp, Đức và Anh - tất cả các bên này vẫn đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân sau khi Mỹ rút khỏi. Washington đã đe dọa áp lệnh trừng phạt các nước dám làm ăn với Iran.
Lầu Năm Góc còn triển khai thêm nhiều binh lực, bao gồm 2.500 binh sỹ, 1 nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm và 1 máy bay ném bom tới Trung Đông để đối phó với cái mà Nhà Trắng coi là mối đe dọa từ Iran. Mỹ cũng cáo buộc Iran tấn công các tàu chở dầu đi qua Vịnh Oman hồi trung tuần tháng 5, trong khi Iran bác bỏ.
Các loại máy bay không người lái cũng trở thành tâm điểm của cuộc đối đầu Mỹ-Iran, khi chính quyền Trump hồi tuần trước tuyên bố bắn hạ 1 máy bay không người lái của Iran, chỉ 1 tháng sau khi Iran bắn hạ 1 máy bay không người lái của Mỹ ở Vịnh Ba Tư. Iran cũng bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Anh, cáo buộc con tàu này có hoạt động gây nguy hiểm khi đi qua eo biển Hormuz, chỉ vài tuần sau khi Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran vì cáo buộc con tàu này chở dầu tới Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của EU.
Trong lúc căng thẳng tăng nhiệt, Mỹ và Anh đã đưa ra những lời kêu gọi riêng rẽ để thành lập một liên minh hàng hải quốc tế, tuần tra khu vực Vịnh Ba Tư. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây nói rằng, Mỹ sẽ thành công trong việc xây dựng "kế hoạch an ninh hàng hải" và rằng "chúng tôi cần tất cả các nước trên thế giới hỗ trợ trong việc bảo vệ các tuyến hàng hải".
Tuần trước, trả lời phỏng vấn Fox News, ông Pompeo nói rằng sau vụ việc Iran bắt giữ tàu chở dầu Anh, "Anh phải có trách nhiệm bảo vệ các con tàu hàng của họ". Trong khi đó, tân Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói rằng bất cứ nhiệm vụ hàng hải nào mà châu Âu dẫn đầu sẽ "không thể thiếu đi sự hỗ trợ của Mỹ". Pháp và Đức cũng đánh tín hiệu ủng hộ đề xuất lập liên minh của Anh, nhưng cố gắng tránh xa quan điểm thù địch của Mỹ đối với Iran.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Roh Jae-cheon hôm đầu tuần này phát biểu trước báo giới rằng, quân đội Hàn Quốc "đang cân nhắc nhiều lựa chọn để đảm bảo an toàn của các con tàu" của họ khi đi qua eo biển Hormuz. Ông Roh đưa ra bình luận trên khi được hỏi rằng liệu Seoul có tham gia vào liên minh an ninh hàng hải của Mỹ hay không.
Về phần mình, Nga thể hiện rõ sự hoài nghi về 2 dự án lập liên minh của phương Tây, họ kêu gọi tổ chức các cuộc đối thoại an ninh với Iran cùng các siêu cường trong khu vực, trong đó có các nước trên bán đảo Arab vốn chung quan điểm cứng rắn của Mỹ với Iran.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hồi tuần trước nói rằng, Bắc Kinh "hoan nghênh đề xuất của Nga và luôn sẵn sàng tăng cường hợp tác, thông tin liên lạc với các bên liên quan".
Iran thì ra sức cảnh báo phương Tây về việc thành lập liên minh trên biển, trong đó Tổng thống Hassan Rouhani nói rằng "sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài sẽ không đóng góp gì cho an ninh khu vực, mà sẽ chỉ gây thêm căng thẳng". Bình luận trên được ông đưa ra trong một cuộc họp cùng Ngoại trưởng Oman Yusuf bin Alawi bin Abdullah ở Tehran.
Được biết, Moscow và Tehran đã hợp tác quân sự trong chiến lược chung nhằm hỗ trợ Chính phủ của Tổng thống Syrua Bashar al-Asssad, và quan hệ đối tác chiến lược của hai nước đến nay vẫn tồn tại dù Mỹ và Israel ra sức kêu gọi Nga chấm dứt nó. Nga đã kêu gọi Iran không làm giàu uranium vượt mức giới hạn của JCPOA, nhưng họ cùng với Trung Quốc cho rằng chính việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này đã khiến Tehran phải làm như vậy.
Theo Newsweek