Đó là thông tin do tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật Bản) vừa tiết lộ.
Động thái Trung Quốc điều nhóm tàu hải quân đi vào vùng biển 12 hải lý, áp sát lãnh thổ Mỹ gây chú ý lớn. Mỹ chỉ đơn giản nói rằng họ đã quan sát nhóm chiến hạm Trung Quốc đi qua khá nhanh chóng và phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc đội tàu Trung Quốc đi sát nhóm đảo Aleutian là hợp pháp và không phải tình huống báo động.
Tuy nhiên, nếu như các tàu chiến Mỹ thực hiện một động thái tương tự sát khu vực tranh chấp mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, phản ứng của Bắc Kinh có vẻ sẽ không bình tĩnh và ôn hòa như vậy.
Nikkei Asian Review nhấn mạnh rằng Washington đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt Trung Quốc về các cuộc tấn công mạng thời gian qua. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 4/9 vừa qua đã thông báo sự kiện 5 tàu Trung Quốc tiến vào eo biển Bering và chạy sát nhóm đảo Aleutian nằm trong vùng 12 hải lý thuộc lãnh hải Mỹ.
Tờ tạp chí nêu rõ, thời điểm trên Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có chuyến thăm Alaska, và động thái trên cho thấy Trung Quốc đã gửi một thông điệp tới Mỹ trước chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thái độ điềm tĩnh của chính quyền Mỹ có thể xuất phát từ mong muốn không làm gia tăng căng thẳng trước chuyến thăm của ông Tập hoặc có khả năng là kết quả của chính trị nội bộ Mỹ. Nhất là từ khi các ứng cử viên tranh cử Tổng thống phe Cộng hòa bắt đầu tấn công Trung Quốc, đặc biệt là tỷ phú Donald Trump. Một số ứng cử viên đã kêu gọi Nhà Trắng tước bỏ tư cách khách mời nhà nước của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm sắp diễn ra.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng, Mỹ phản ứng như vậy trước sự kiện chiến hạm Trung Quốc áp sát Alaska cho thấy Washington đang cố gắng dùng sự kiện này để giành lợi thế cho mình. Hãng tin Anh Reuteurs dẫn lời đô đốc Jonathan Greenert, chỉ huy các chiến dịch hải quân Mỹ trong một cuộc phỏng vấn hôm 3/9 phát biểu: “Họ đã điều một tàu phá băng tới khu vực này và họ không tiến xa tới mức tiến hành một cuộc tập trận, nhưng nhấn mạnh họ sẽ còn đi qua vùng này”. Đô đốc Greenert ám chỉ cuộc tập trận chung giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Nga kết thúc trước khi nhóm tàu chiến Trung Quốc đi qua eo biển Bering.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cũng được Reuteurs trích thuật, cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi quan sát thấy tàu hải quân Trung Quốc tiến vào biển Bering, nhưng chắc chắn chúng tôi tôn trọng quyền tự do của tất cả các nước hải hành chiến hạm ở vùng biển quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế”. Về phần mình, Bắc Kinh đã cho thấy phản ứng quyết liệt trước bất cứ cuộc xâm nhập nào.
Dù muốn hay không, sự kiện chiến hạm Trung Quốc áp sát lãnh thổ Mỹ cũng sẽ ít nhiều mang lại sắc thái khác trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai ông Obama và Tập Cận Bình trong tháng này. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cho biết, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ thảo luận về các vấn đề đồng thuận đã đạt được tại cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ 7 hồi tháng 6 vừa qua. Mới đây, ông Tập tuyên bố rằng Bắc Kinh và Washington cần xử lý tốt hơn các vấn đề nhạy cảm và khác biệt để hai bên có thể duy trì sự phát triển ổn định trong quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, nền kinh tế phục hồi yếu ớt tại Mỹ, EU, Nhật Bản, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và tình hình kinh tế không mấy khả quan của Nga, Mỹ La tinh và châu Á có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Những căng thẳng địa chính trị cũng ngày càng gia tăng, bao gồm nguy cơ hạt nhân Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông, Biển Đông, bất ổn chính trị ở nhiều nước Đông Nam Á và cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông…
Sự ngờ vực đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trên nhiều vấn đề như an ninh, quân sự, cạnh tranh thương mại và đầu tư, an ninh mạng và chiến tranh tiền tệ. Sự kình địch giữa hai nền kinh tế dẫn dắt thế giới đang lớn lên, tạo cơ hội cho những quan điểm chống Trung Quốc tại quốc hội Mỹ cũng như các ứng cử viên tranh cử tổng thống. Bởi vậy, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung sắp tới hứa hẹn sẽ đạt không mấy tiến triển quan trọng.
Theo QPAN