Ông Mattis nói: "Đừng mắc sai lầm: Mỹ sẽ vẫn ở lại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây là nơi ưu tiên của chúng tôi...", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đặc biệt chỉ trích hành động quân sự hóa của Bắc Kinh trên những hòn đảo nhân tạo được xây dựng bồi đắp phi pháp thuộc Biển Đông, ngôi nhà của những tuyến đường hàng hải náo nhiệt nhất thế giới.
"Chúng tôi biết Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức và cơ hội trong những năm sắp tới. Chúng tôi đã chuẩn bị để hỗ trợ những lựa chọn của Trung Quốc nếu họ ủng hộ hòa bình và ổn định lâu dài cho tất cả các nước trong khu vực năng động này... Nhưng chính sách của Trung Quốc trên Biển Đông hoàn toàn đối lập với sự cởi mở trong chiến lược mà chúng tôi ủng hộ. Điều này dẫn tới câu hỏi những mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc là gì?"
Ông James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 2.6.2018.
|
Ông Mattis và nhiều người đồng cấp trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đã có mặt tại Singapore để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La - một diễn đàn quan trọng thường niên của các quan chức an ninh và các học giả.
Căng thẳng trên Biển Đông
Biển Đông là đề tài nóng được đưa ra bàn thảo ngay khi mở đầu hội nghị khi Trung Quốc đang có những nỗ lực thúc đẩy tham vọng thống trị khu vực.
Trung Quốc thời gian gần đây đã liên tục có những hành động khiêu khích, gây căng thẳng khu vục như việc bồi đắp, xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo, điều máy bay ném bom, tên lửa tới những thực thể địa lý ở khu vực tranh chấp.
Vào tháng 5, lần đầu tiên quân đội Trung Quốc đã cho hạ cánh máy bay ném bom có khả năng mang bom nguyên tử lên các hòn đảo nhân tạo bồi đắp, xây dựng phi pháp. Trong những tuần gần đây, tình báo Mỹ tuyên bố khả năng Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống hạm và tên lửa phòng trong các cuộc diễn tập quân sự đang diễn ra.
Tàu khu trục USS Higgins và tàu tuần dương USS Antietam đã tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa ngày 26.5.
|
Ông Mattis đã xác nhận các thông tin tình báo trước đó: "Trung Quốc đã quân sự hóa những thực thể nhân tạo trên Biển Đông bao gồm các việc triển khai tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không, các thiết bị tác chiến điện tử và gần đây nhất đã hạ cánh máy bay ném bom xuống đảo Phú Lâm... Mặc dù Trung Quốc tuyên bố những điều ngược lại nhưng việc đưa các hệ thống vũ khí này ra Biển Đông gắn liền với hành động sử dụng quân sự cho các mục đích dọa dẫm và áp bức".
Vào ngày 26.5, hai tàu chiến của Hải quân Mỹ đã áp sát quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp của Việt Nam từ năm 1974, một động thái đã khiến Bắc Kinh nổi giận. "Tôi nghĩ điều này dẫn tới việc chia cắt cơ bản với quan điểm của những tòa án quốc tế về sự tự do và mở cửa của vùng biển này", ông Mattis đã đề cập trực tiếp tới hoạt động Tuần tra vì Tự do Hàng hải FONOP. "Chúng tôi không nói về quyền tự do hải hành chỉ là của Mỹ, chúng tôi thực hiện tuần tra vì tự do hàng hải cho tất cả các nước... Chúng tôi không coi đây là hành động quân sự hóa khi đi qua những vùng theo truyền thống là vùng biển quốc tế. Chúng tôi coi đó là một sự khẳng định những điều luật quốc tế", ông Mattis nói.
Tàu khu trục USS Higgins.
|
Dù ông Mattis đã vẽ ra một lằn ranh cứng rắn giữa các hành động của Mỹ và Trung Quốc, ông khẳng định Mỹ không đòi hỏi các nước khác trong khu vực phải chọn phe: "Trung Quốc nên và đã có tiếng nói trong việc định hình hệ thống quốc tế và tất cả các hàng xóm của Trung Quốc cũng có tiếng nói trong việc định hình vai trò của Trung Quốc". Ông Mattis cũng cho biết ông sẽ tới Bắc Kinh sớm "với lời mời của Trung Quốc".