Mặc dù không phổ biến ở Mỹ, dual-SIM (2 SIM) là một tính năng cần thiết cho nhiều người ở rất nhiều khu vực khác. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất là: liệu đây có phải là những người dùng mà Apple thực sự hướng tới?
Điện thoại Dual-SIM đã có mặt rất nhiều trong gần hai thập kỷ. Nhưng ý tưởng về điện thoại 2 SIM thực sự bắt đầu cất cánh vào giữa những năm 2000, khi các nhà sản xuất nhỏ của Trung Quốc ra mắt các sản phẩm có hai thẻ SIM có thể được sử dụng cùng một lúc.
Tại sao mọi người lại muốn điều đó? Ở những khu vực nơi mọi người có xu hướng mua điện thoại bẻ khóa hoàn toàn thay vì mua điện thoại với hợp đồng cung cấp dịch vụ được nhà mạng trợ giá, điện thoại 2 SIM có thể giúp họ tránh các phí roaming (chuyển vùng). Chẳng hạn ở Trung Quốc, số điện thoại gắn với khu vực địa phương. Ví dụ, nếu người dùng chuyển từ Bắc Kinh đến Thượng Hải, họ sẽ cần phải nhận một thẻ SIM khác. Cho đến năm ngoái, các nhà mạng Trung Quốc cũng tính phí chuyển vùng và các cuộc gọi đường dài trong nước có giá đắt hơn. Thiết bị Dual-SIM cho phép mọi người gặp phải các tình huống chuyển vùng với ít phiền toái nhất. Giống như thế, người dùng châu Âu cũng phải đối mặt với chi phí cao hơn khi đi qua biên giới các nước, cho đến khi EU quyết định bãi bỏ phí chuyển vùng.
Mặc dù vậy, gần đây, sự gia tăng của điện thoại thông minh hiện đại đã dẫn đến nhiều trường hợp sử dụng khác nhau cho điện thoại dual-SIM. Bởi vì có rất nhiều lựa chọn gói dịch vụ di động, tập trung vào các cuộc gọi điện thoại, nhắn tin và dữ liệu, nên để tiết kiệm tiền người dùng muốn sử dụng 2 SIM cho hai mục đích khác nhau. Ngoài ra, sử dụng 2 SIM còn có thể giúp người dùng tìm được nhà mạng có độ phủ sóng tốt nhất ở từng khu vực. Các yếu tố này đều là chìa khóa dẫn đến việc điện thoại 2 SIM trở nên phổ biến, đặc biệt ở các khu vực như Ấn Độ và Châu Phi, nơi người dùng rất nhạy cảm về giá và cơ sở hạ tầng mạng vẫn đang phát triển.
Tuy nhiên, Apple không có dấu hiệu gì cho thấy hãng sẵn sàng phá vỡ mô hình kinh doanh có lợi nhuận cao của mình để thu hút thêm nhiều người dùng ở các khu vực trên. Tim Cook thường nói về cơ hội ở Ấn Độ, nhưng đó chỉ là mẫu iPhone 4 inch với các thông số kỹ thuật từ 3 năm trước và giá bán 400 USD, còn thì rất khó hình dùng một chiếc iPhone 2 SIM mới hoàn toàn nơi đây. Apple vẫn đứng ngoài thị trường chính của Ấn Độ, và thật khó chắc chắn rằng một chiếc iPhone 2 SIM sẽ đảm bảo một chỗ đứng cho Apple ở Ấn Độ. Điều này cũng tương tự ở các thị trường lớn khác như Brazin và Nga.
Thật vậy, một số thông tin cho rằng iPhone 2 SIM có thể chỉ là một phiên bản duy nhất dành cho thị trường Trung Quốc, và đó là mẫu iPhone cấp thấp với màn hình LCD 6,1 inch. Điều đó có vẻ đáng tin hơn: vì Trung Quốc là một thị trường có lợi hơn cho Apple, và đó là thị trường duy nhất trên thế giới mà tính năng 2 SIM luôn được xem là tiêu chuẩn cho các thiết bị cao cấp. Ngay cả các điện thoại siêu tân tiến như Vivo NEX cũng có hai khe cắm thẻ SIM, cũng như tất cả các thiết bị hàng đầu từ Huawei, Xiaomi, Oppo… Trong khi đó, các công ty nước ngoài như Samsung cũng phát triển các biến thể dual-SIM Galaxy S9 dành riêng cho Trung Quốc.
Theo The Verge, Trung Quốc là nơi duy nhất có một số lượng lớn khách hàng “có điều kiện” mua iPhone nhưng lại không mua vì iPhone không có tính năng 2 SIM.
Như vậy, sẽ không ngạc nhiên khi Apple chỉ bán iPhone hai SIM ở Trung Quốc. Ngược lại, sẽ rất ngạc nhiên nếu Apple bán iPhone 2 SIM ở Mỹ và nhiều nước khác. Đây không phải là một tính năng quen thuộc của người Mỹ, và các nhà mạng sẽ khó chịu. iPhone 2 SIM không phải là một loại công nghệ kỳ diệu mà Apple sẽ vì nó ném hết triết lý kinh doanh của hãng đi. Vì thế, nói về iPhone 2 SIM, tại Mỹ, người dùng nếu muốn mua chiếc điện thoại dual-SIM, tốt nhất là hãy mua luôn OnePlus 6 hoặc Honor View 10, còn hơn là chờ iPhone.
Nhưng tất nhiên, đây là Apple, vì vậy bạn không bao giờ thực sự biết điều gì sẽ xảy ra cho đến khi mọi thứ được công bố trên sân khấu, điều này dường như sẽ diễn ra trong hai tuần tới. Cũng có thể Apple sẽ đưa iPhone 2 SIM đến nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có Việt Nam.